Nghe bác sĩ gần 30 năm gắn bó với ngành Gây mê Hồi sức phân tích ưu, nhược điểm của Gây tê tủy sống
Trước thông tin Bộ Y tế khuyến cáo không gây tê tủy sống (GTTS) khi mổ lấy thai trong một số Các phương pháp vô cảm (GMNKQ hay GTTS) trong phẫu thuật mổ lấy thai, theo các bác sĩ, phương pháp này cũng có những ưu, nhược điểm nhất định.
Trước thông tin Bộ Y tế khuyến cáo không gây tê tủy sống (GTTS) khi mổ lấy thai trong một số trường hợp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Bách – Ủy viên Ban chấp hành Hội Gây mê hồi sức Việt Nam - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Bưu điện, xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Bách
PV: Thưa ông, là bác sĩ có tới gần 30 năm gắn bó với ngành Gây mê Hồi sức (GMHS), ý kiến của ông trước yêu cầu của Bộ Y tế tại công văn số 3614 về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong các cơ sở y tế hiện nay?
TS.BS Hoàng Văn Bách: "Vô cảm" trong lĩnh vực GMHS nói một cách dễ hiểu nhất đó là sử dụng phương pháp gây mê toàn thân (gây mê nội khí quản, mask thanh quản và gây mê tĩnh mạch) hoặc gây tê tại chỗ, gây tê vùng (gây tê tuỷ sống, gây mê ngoài màng cứng hoặc kết hợp gây tê tủy sống – ngoài màng cứng) làm cho người bệnh mất cảm giác, không đau, giãn cơ trong quá trình diễn ra phẫu thuật, thủ thuật. Trong y khoa, GMHS được xác định là một trong những khâu đặc biệt quan trọng quyết định thành công của mỗi ca phẫu thuật.
Trong công văn trên của Bộ Y tế có nêu rõ yêu cầu đối với các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai đó là: Cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản (GMNKQ) đối với các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật…thay vì dùng phương pháp gây tê tủy sống như hiện nay nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ.
Là một bệnh viện trực thuộc ngành, có khoa Gây mê Hồi sức, ngay khi nhận được công văn Bệnh viện Bưu điện sẽ nghiêm túc chấp hành và thực hiện đúng theo yêu cầu văn bản của Bộ Y tế đã đề cập.
Chỉ áp dụng phương pháp GTTS trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai...
PV: Xung quanh khuyến cáo của Bộ Y tế về việc sử dụng phương pháp GTTS đối với một số trường hợp mổ đẻ, nhiều sản phụ đã tỏ ra hoang mang khi nghe thông tin này. Người thì lo lắng vì mình đã từng mổ đẻ bằng phương pháp GTTS nên sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này, người thì phân vân không biết có nên thực hiện GTTS khi sinh mổ hay ko? Có người lại cho rằng GTTS là phương pháp ưu việt đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay, nếu hạn chế phương pháp này không chỉ gây khó cho các y bác sĩ mà người bệnh cũng rất thiệt thòi. Đứng ở góc độ chuyên môn, ý kiến của ông như thế nào thưa TS.BS Hoàng Văn Bách?
TS.BS Hoàng Văn Bách: Như tôi đã nói ở trên, văn bản này của Bộ Y tế không yêu cầu tất cả các trường hợp mổ đẻ đều phải thực hiện phương pháp GMNKQ. Chỉ áp dụng phương pháp GTTS trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Bên cạnh đó, các phương pháp vô cảm (GMNKQ hay GTTS) trong phẫu thuật mổ lấy thai đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Cụ thể như:
- Khi thực hiện phương pháp vô cảm bằng GTTS thì có ưu điểm là tê nhanh, trẻ sơ sinh không bị ảnh hưởng bởi thuốc mê, ít bị hít phải dịch trào ngược từ dạ dày, dễ thực hiện ở nhiều tuyến bệnh viện. Nhược điểm của phương pháp này là có một số tác dụng không mong muốn thoáng qua như: tụt huyết áp, chậm nhịp tim, đau đầu buồn nôn...
Tuy nhiên những tác dụng phụ này đều có thể khắc phục được bằng các phác đồ điều trị cho từng tình huống cụ thể. GTTS có lợi cho cả người bệnh và đơn vị y tế, nhất là các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa chưa có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị về GMHS.
Hiện trên thế giới và Việt Nam vẫn đang áp dụng phổ biến phương pháp GTTS cho tất cả các trường hợp mổ đẻ trừ những trường hợp chống chỉ định như dị ứng thuốc tê, viêm dính đốt sống không thể gây tê hoặc người bệnh không đồng ý GTTS...
- Đối với phương pháp gây mê NKQ để phẫu thuật lấy thai có ưu điểm rất thuận lợi với các ca mổ khó, thời gian mổ có thể kéo dài. Tuy nhiên thời gian để hoàn thành việc gây mê lâu hơn và phải sử dụng nhiều loại thuốc.
Một số thuốc mê, thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh do truyền từ người mẹ qua nhau thai. Đáng lo ngại nhất là những trường hợp khó đặt NKQ khi gây mê, điều này có thể dẫn đến suy hô hấp, giảm oxy máu gây nguy hiểm cho mẹ và con.
Chính vì mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng nên cá nhân tôi cũng thấy băn khoăn, lo lắng, chưa biết xử lí như thế nào ở những trường hợp theo quy định không được thực hiện kĩ thuật GTTS nhưng lại không thể thực hiện kĩ thuật GMNKQ.
Ví dụ trường hợp sản phụ bị rau bong non có chỉ định phải mổ lấy thai. Theo quy định ca phẫu thuật này không được áp dụng phương pháp vô cảm bằng GTTS nhưng tiên lượng bệnh nhân khó hoặc không đặt được NKQ trong lúc khởi gây mê do bị bướu cổ, cổ ngắn, mở miệng hạn chế hay chấn thương hàm mặt... thì phải làm như thế nào?
Có lẽ đối với những trường hợp này chúng tôi sẽ chuyển lên tuyến trên (nếu có thể), còn trong trường hợp không thể chuyển viện vì đang trong tình trạng cấp cứu thì chúng tôi sẽ phải xin ý kiến trực tiếp từ các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực GMHS và Sản khoa để xử lý đảm bảo an toàn cho mẹ con sản phụ.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài nếu không có quy định cụ thể, rõ ràng hơn thì chúng tôi rất khó thực hiện nhiệm vụ. Đấy là chưa kể đến những khó khăn của các cơ sở y tế tuyến dưới khi thực hiện công văn này.
Cũng trong tình huống sản phụ cấp cứu, thai suy trong khi ở cơ sở tuyến dưới chỉ có thể GTTS và không đủ phương tiện để đặt được NKQ thì sẽ rất khó cho cả bệnh nhân và đơn vị y tế. Bởi nếu chuyển lên tuyến trên thì người bệnh rất có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng còn nếu thực hiện GTTS có thể cứu được sản phụ và thai nhi thì lại vi phạm quy định trên.
Gây mê hồi sức được xác định là một trong những khâu đặc biệt quan trọng quyết định thành công của mỗi ca phẫu thuật.
PV: Từ những thuận lợi, khó khăn cũng như những băn khoăn, vướng mắc khi thực hiện công văn 3614 của Bộ Y tế về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong việc mổ lấy thai đang diễn ra tại các cơ sở y tế hiện nay, ông có đề xuất, kiến nghị gì với Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cũng như Bộ Y tế không thưa ông?
TS.BS Hoàng Văn Bách: Theo một kết quả nghiên cứu của Australia năm 2008, trong số trên 49.500 ca phẫu thuật lấy thai chỉ có 1095 ca gây mê NKQ, còn lại là GTTS. Trong số 1095 ca gây mê NKQ thì tỷ lệ sản phụ béo phì chiếm khoảng 6-10%, số sản phụ khó đặt NKQ do thay đổi về giải phẫu, cổ ngắn, di động cằm hạn chế chiếm khoảng 3,3% (0,4% trong số này không đặt được NKQ lần thứ 4).
Cũng theo tài liệu trên tỷ lệ tử vong khi áp dụng phương pháp vô cảm bằng gây mê phẫu thuật lấy thai cao gấp gần 17 lần so với GTTS. Tôi chỉ đơn cử một vài số liệu từ nghiên cứu y khoa đáng tin cậy này để thấy rằng GTTS vẫn đang là xu hướng được y tế các nước áp dụng rộng rãi trong phẫu thuật lấy thai. Nhất là đối với các trường hợp sản phụ không thể đặt được NKQ mà không chọn phương pháp vô cảm GTTS thì chẳng còn cách nào.
Vì vậy, theo tôi Bộ Y tế và Hội Gây mê Hồi sức nên cho phép các đơn vị y tế đủ điều kiện và các bác sĩ được phép lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp nhất với tình trạng cụ thể của người bệnh và điều kiện trang thiết bị hiện có của bệnh viện. Mục tiêu cuối cùng là sức khỏe và sự an toàn của mẹ con sản phụ.
Xin trân trọng cảm ơn TS. BS Hoàng Văn Bách!