TP.HCM phát hiện 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới, đã có 7 trường hợp tử vong: Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện gấp

TL,
Chia sẻ

Số ca mắc sốt xuất huyết nặng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 7 trường hợp tử vong.

Hiện nay sốt xuất huyết đang vào mùa. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm với một số sốt virus thông thường nên dễ trở nặng do người bệnh chủ quan, từ đó gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

TP.HCM đang là "điểm nóng" về sốt xuất huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 22 (từ ngày 27/5 - 2/6), trên địa bàn thành phố ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.039 ca).

Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca) và đã có 7 trường hợp tử vong.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.

TP.HCM phát hiện 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới, đã có 7 trường hợp tử vong: Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện gấp - Ảnh 2.

BS. Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp-BV Thanh Nhàn cho biết, thông thường theo khuyến cáo, cứ tầm cứ 5 năm thì sốt xuất huyết Dengue lại bùng lên thành dịch một lần. Dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017.

Theo chu kỳ thì năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại gây ra trận dịch lớn. Tại miền Nam, số người bị mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, đặc biệt là có những trường hợp xuất huyết nặng. Nhưng tại miền Bắc, thời tiết năm nay thay đổi thất thường, nên thời gian mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ đến chậm hơn so với chu trình mọi năm. Dự báo tháng 7, tháng 8 năm nay sốt xuất huyết sẽ bùng dịch.

BS. Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp-BV Thanh Nhàn cho biết, biểu hiện ban đầu của người bệnh sốt xuất huyết cũng tương tự như nhiễm Covid -19. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt. Người bệnh bị sốt xuất huyết thường sốt rất cao có thể lên đến 40 độ C, kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau mỏi người.

Còn người bệnh nhiễm Covid -19 đã tiêm vaccine, theo chúng tôi ghi nhận thì triệu chứng sốt không cao, chỉ từ 37-38.5 độ. Tuy nhiên ngoại trừ những bệnh nhân mắc Covid-19 tổn thương nặng thì vẫn sốt khá cao.

Theo BS Hường, không phải tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều phải nhập viện. Bệnh nhân đến các cơ sở y tế để thăm khám và xét nghiệm.

Nếu tiểu cầu của bệnh nhân sốt xuất huyết ở trong giới hạn cho phép, không có dấu hiệu cô đặc máu và các chứng năng gan thận bình thường thì chúng tôi có thể cho bệnh nhân ở nhà theo dõi và hẹn khám định kỳ sau 2 ngày. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đau đầu, không ăn được và nôn nhiều thì cần phải nhập viện lập tức.

Khi gặp những triệu chứng này, cần nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, khám và điều trị kịp thời.

TP.HCM phát hiện 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới, đã có 7 trường hợp tử vong: Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện gấp - Ảnh 6.

Có ba loại bệnh sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết thể nhẹ, sốt xuất huyết chảy máu và sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue).

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ

- Sốt xuất huyết người bệnh sốt cao 39-40 độ C kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt

- Có thêm các triệu chứng như khó chịu vật vã, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc

- Nhức đầu nghiêm trọng

- Đau phía sau mắt

- Đau khớp và cơ

- Buồn nôn và ói mửa

- Phát ban

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Bệnh nhân có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.

Triệu chứng sốt xuất huyết có chảy máu

Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm:

- Tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ

- Tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím.

- Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)

Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm:

- Tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng:

- Chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

TP.HCM phát hiện 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới, đã có 7 trường hợp tử vong: Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện gấp - Ảnh 8.

Vì chưa có thuốc đặc trị nên hiện nay người bị sốt xuất huyết chủ yếu được điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ chăm sóc.

Dưới đây là một số điều cần lưu ý:

Đối với trường hợp bị nhẹ: Bệnh nhân tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ trong khoảng 3 - 7 ngày cần theo dõi các triệu chứng của bệnh.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu như: lờ đờ, li bì, vật vã, tiểu ít, nôn nhiều, đau vùng gan, xuất huyết trong với biểu hiện đại tiện ra máu hoặc phân đen, nôn máu thì cần khẩn trương chuyển người bệnh đi cấp cứu tại bệnh viện.

Người mẹ nếu bị sốt xuất huyết vẫn cho con bú bình thường được.

Trẻ em khi bị sốt xuất huyết thường biểu hiện nặng như dễ bị sốc hoặc tái sốc hơn so với người lớn. Nếu trẻ em đã dần hết sốt vào ngày thứ 4 và không kèm theo biểu hiện nào khác thì có nghĩa là sốt xuất huyết đã bắt đầu thuyên giảm, nhưng vẫn cần theo dõi tiếp. Trong trường hợp bé bị li bì, lừ đừ, xuất huyết niêm mạc, nôn nhiều, đau vùng gan, tiểu ít,... thì phải đưa bé tới viện.

TP.HCM phát hiện 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới, đã có 7 trường hợp tử vong: Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện gấp - Ảnh 11.