TP.HCM: Hết nghỉ Tết, rau xanh vẫn “đội giá” gấp 7 lần so với giá gốc
Đã qua Tết, nhiều tiểu thương ở các chợ đầu mối ở TP.HCM khẳng định nguồn cung đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng rau củ quả khi ra chợ lẻ vẫn “neo” giá Tết, tăng gấp 7 -10 lần so với giá đầu mối.
Sau 9 ngày nghỉ Tết, người dân đã đi làm bình thường. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Hàng hóa được người tiêu dùng chọn mua nhiều là thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, không vì vậy mà giá các mặt hàng nông thực phẩm trở lại bình thường mà vẫn neo ở mức cao.
Chợ đầu mối giá ổn định, đủ nguồn cung
Rau xanh là mặt hàng bày bán sớm nhất sau Tết tại các chợ, và cũng là mặt hàng bị “đội giá” nhiều nhất, trung bình gấp đôi so với ngày thường. Sáng 16/2, khảo sát tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), một trong những nơi cung cấp thực phẩm lớn của TP.HCM, rau, củ, quả vẫn giữ giá như giá ngày thường hoặc chỉ tăng nhẹ.
Chợ đầu mối Thủ Đức.
Tại khu nhà B chợ đầu mối Thủ Đức, chị Lan Anh (tiểu thương) cho biết, các nguồn cung rau quả gần như đã hoạt động trở lại thường lệ. Theo chị, nguồn cung thực phẩm chủ yếu ở chợ này là từ Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây, lượng hàng nhập về chợ đã tăng nhiều so với mùng 2-3 Tết và giá cả gần như trở lại mức thường ngày.
Các nguồn cung rau quả ở chợ gần như đã hoạt động trở lại thường lệ.
Cụ thể như giá rau xà lách từ 6 -10 ngàn/ký, cà chua từ 10 – 15 ngàn/ký, bắp cải 10 ngàn/ký, các loại cải cay, cải ngọt, cải cúc, su hào, đậu bắp, mùng tơi chỉ có giá 10 ngàn/ký. Riêng cải thảo 20 ngàn/ký, súp lơ 20 ngàn/ký, khoai tây 15 ngàn/ký. Rẻ hơn cả là rau muống 4 ngàn/ký, cà rốt 5 – 10 ngàn/ký, su su chỉ có giá 2 ngàn/ký. Những mặt hàng này hầu hết có giá tương đương so với thường ngày.
Bắp cải bán với giá 10 ngàn/ký.
Gần trưa, cả khu B bán rau củ quả vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Chị Nguyễn Hoài Thương (quận Thủ Đức) cho biết, từ mùng 2 Tết gần như chợ đã hoạt động trơ lại và bình thường từ mùng 6 Tết. “Cũng như mọi năm, khi hết nghỉ Tết thì giá cả bắt đầu ổn định trở lại, chỉ một vài loại như rau sống, bắp cải, cà chua đến giờ là vẫn tăng nhẹ nhưng chuyện này là bình thường vì giá rau luôn biến động theo ngày”, chị Thương cho hay.
Rau về chợ đội giá gấp 7 - 10 lần
Dù ở chợ đầu mối, giá cả dần ổn định do nguồn cung trở lại bình thường nhưng tại các sạp chợ lẻ ở các quận trung tâm thành phố, giá rau đã bị đẩy lên cao. Có loại rau tăng gấp 5 lần, thậm chí 10 lần, bằng với giá bán ngày Tết vì nhiều tiểu thương vẫn cố “neo giá”, nhất là ở những chợ “cóc”.
Tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), giá rau xà lách bán từ 40 – 50 ngàn/ký, trong khi đó chợ đầu mối giá thấp nhất là 6 ngàn/ký, tăng đến 7 lần khi phân phối về các chợ. “Giá này là đã giảm rồi, chứ hồi mùng 3 Tết, tôi bán 70 ngàn/ký mà vẫn không đủ hàng. Thường ngày cũng bán một ký đến 30 ngàn rồi. Loại rau này nó thế, lúc nào cũng cao giá”, một tiểu thương cho biết.
Rau sống ở chợ đầu mối bán 6 ngàn/ký nhưng về chợ lẻ lên đến 40 - 50 ngàn/ký.
Thậm chí, ở những người bán lẻ trong các khu dân cư xa chợ, giá loại rau này lên đến 70 ngàn/ký. Lật đi lật lại những cây rau xà lách đã héo, chị Lê Thị Thanh (đường C1, quận Tân Bình) chần chừ không muốn mua vì rau xấu, giá cao nhưng đành mua 3 cây. “Tôi lười chạy xe ra chợ nên mua ở ngay quán gần nhà cho tiện. Hỏi giá loại rau nào cũng vẫn cao dù đã hết Tết nên chẳng biết mua gì vừa túi tiền”, chị than thở.
Cà rốt có giá gốc từ 5 - 10 ngàn/ký nhưng ở chợ bán 25 - 30 ngàn/ký.
Tương tự, giá chanh bán mối 7 ngàn/ký nhưng về chợ được ban ngàn/ký, tăng gấp 5 lần, cà rốt gía gốc 5 ngàn/ký và bán ở chợ là 25 ngàn/ký, bắp cải giá mối 10 ngàn/ký, bán lẻ là 40 ngàn/ký... Giá các loại rau khác ở chợ Hoàng Hoa Thám cũng tăng ít nhất gấp đôi so với giá chợ đầu. Cụ thể, giá cà chua 30 ngàn/ký, cần 15 ngàn/bó, su hào, cải thảo có giá 40 ngàn/ký, mùng tơi bán 25 ngàn/ký, mướp đắng 15 ngàn/ký, bắp cải 40 ngàn/ký, súp lơ 60 ngàn/ký. Hầu hết các loại rau đều tăng giá mạnh, chỉ giảm hơn so với giá mùng 2- 3 Tết.
Theo nhiều tiểu thương, phải sau rằm tháng giêng thì giá cả thực phẩm mới ổn định
Tình trạng rau xanh “đội giá” được các tiểu thương lý giải một phần do nhu cầu tiêu thụ tăng cao mấy ngày sau Tết của người dân. Ngoài yếu tố khách quan nói trên, trong những ngày sau Tết, lượng người bán tại các chợ ít, hàng ít về số lượng, chủng loại nên các tiểu thương được đà “đẩy giá”. Nhiều tiểu thương cho biết, thường phải sau rằm tháng giêng, giá cả mới trở lại thường ngày.
Trong khi các loại rau xanh bị biến động về giá thì thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm đến nay đã “hạ nhiệt”. Tại các chợ, giá mực ống các loại dao động 260 - 270 ngàn đồng/kg (mùng 5 Tết là 350 ngàn đồng/kg), thịt heo từ 80.000 đồng đến 130 ngàn đồng/kg (ngày Tết 100 - 170 ngàn đồng/kg); thịt bò 200 - 250 ngàn đồng/kg (ngày Tết 250 - 275 ngàn đồng/kg)… Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn cao nếu so với ngày thường.