Tôi từng nghĩ yêu là đủ cho đến khi xem Sex Education và nhận ra sự thật khác cay đắng hơn
Câu nói ấy vang lên như một sự tỉnh thức.
Tôi từng bị ám ảnh bởi một câu thoại trong "Sex Education" – Bộ phim tưởng chừng chỉ nói về tuổi mới lớn, nhưng thực chất lại lột tả rất sâu những khúc mắc trong mối quan hệ yêu đương và hôn nhân. Trong một phân đoạn, Jean Milburn – nhà tình dục học và cũng là một người phụ nữ từng đổ vỡ hôn nhân đã nói: "Bạn không thể sửa chữa ai đó. Họ phải tự muốn thay đổi chính mình".
Câu nói ấy vang lên như một sự tỉnh thức. Trong tình yêu và hôn nhân, chúng ta thường yêu người kia theo cách mà ta kỳ vọng họ sẽ trở thành. Chúng ta nỗ lực thay đổi họ, uốn nắn họ, hy vọng sau khi cưới, sau khi sinh con… họ sẽ "khác đi". Nhưng đến cuối cùng, cái ta ôm ấp chỉ là ảo tưởng về sự cứu rỗi, chứ không phải tình yêu đích thực.

Jean Milburn – nhà tình dục học và cũng là một người phụ nữ từng đổ vỡ hôn nhân.
Yêu nhưng chưa chắc đã hiểu
Có một câu chuyện đời thực khiến tôi không khỏi liên tưởng đến Sex Education. Đó là câu chuyện của chị H., một phụ nữ ngoài 40, là giảng viên Đại học, từng có một cuộc hôn nhân tưởng chừng "chuẩn mực". Chị lấy chồng từ năm 25 tuổi, chồng là kỹ sư, hiền lành, có chí. Họ có với nhau hai đứa con ngoan, nhà cửa đầy đủ, không cãi vã lớn tiếng. Nhưng sau 15 năm chung sống, chị chủ động ly hôn.
Lý do là: "Chúng tôi chưa bao giờ thực sự trò chuyện". Chị nói: "Anh ấy không làm gì sai, nhưng tôi luôn thấy cô đơn trong cuộc hôn nhân ấy. Tôi không được lắng nghe, không được hiểu. Chúng tôi ở bên nhau, nhưng như hai hành tinh xa lạ".
Thật đau lòng. Nhưng đó lại là thực trạng phổ biến. Nhiều cặp đôi đến với nhau bằng tình yêu, nhưng lại không có kỹ năng giao tiếp, không biết cách bày tỏ cảm xúc và không chịu đào sâu vào những "vùng mờ" của nhau. Họ cưới nhau vì "đến tuổi", vì "ổn định", vì "ba mẹ mong muốn", nhưng quên rằng, hôn nhân không thể chỉ dựa vào yêu thương ban đầu.
Một điều tôi rất thích ở Sex Education là nhân vật Otis – một cậu bé có những vấn đề tâm lý, ngại ngùng với chính cảm xúc của mình đã dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám nói sự thật, dám đối mặt với việc bị từ chối. Trong tình yêu, sự trung thực không dễ dàng nhưng lại là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng mối quan hệ bền vững.

Otis từng nói với Maeve: "Chỉ có em thôi. Luôn luôn là em".
Otis từng nói với Maeve: "Chỉ có em thôi. Luôn luôn là em" . Nhưng phải mất rất nhiều thời gian, sự tổn thương, sự chờ đợi và cả sự từ chối để cậu dám thốt ra điều ấy. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta giấu mình sau những câu nói xã giao, những lời "Anh ổn", "Em không sao" và rồi để cảm xúc "thối rữa" trong lòng, thay vì nói ra sự thật.
Như nhà tâm lý học nổi tiếng Esther Perel từng nói: " Hôn nhân ngày nay không còn dựa trên nghĩa vụ, mà dựa trên kỳ vọng. Và chính vì kỳ vọng quá cao, chúng ta dễ thất vọng hơn bao giờ hết".
Hôn nhân không phải là đích đến của tình yêu

Một ngộ nhận phổ biến là: Yêu nhau lâu thì phải cưới. Nhưng cưới không làm tình yêu sâu sắc hơn, nếu bản thân cả hai không trưởng thành. Tình yêu không phải một cảm xúc sẵn có, mà là một công trình được xây bằng sự thấu cảm, trung thực, học hỏi và đồng hành.
Những nhân vật trong Sex Education, từ Jean, Otis, Maeve đến Eric đều phải vật lộn để hiểu chính mình trước khi hiểu người khác. Họ không hoàn hảo, thậm chí rất vụng về nhưng họ dũng cảm đối diện. Và chính điều đó khiến họ đáng yêu.
Tôi nghĩ, câu hỏi quan trọng không phải là "Chúng ta có yêu nhau không?", mà là " Chúng ta có hiểu nhau không?" . Sự hiểu không đến từ vài buổi hẹn hò lãng mạn mà từ việc lắng nghe cả những điều khó chịu, từ việc chấp nhận con người thật của nhau và từ nỗ lực cùng nhau lớn lên.
Tình yêu và hôn nhân không phải là trò chơi đoán ý, càng không phải là một vai diễn. Nó là quá trình dài mà ở đó, bạn phải dũng cảm yêu chính mình, rồi mới đủ sức yêu người khác.