"Tội phạm đạo đức" ở Afghanistan: Khi phụ nữ giết chồng xem cuộc sống trong tù như trên thiên đàng và tự do hơn các cuộc hôn nhân địa ngục
Những người phụ nữ này đã giết chồng và bị nhốt vào tù nhưng tại đây, họ tìm thấy thiên đàng của cuộc đời mình.
Ở Afghanistan, xã hội tồn tại trong một vòng lặp bất tận.
Chồng bạo hành vợ, vợ giết chồng, vợ ngồi tù, rồi càng nhiều người chồng ngược đãi vợ, những người vợ này lại tiếp tục giết chồng.
Ở Afghanistan, các hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã kết hôn cực kỳ nghiêm trọng, nhưng vì nguyên nhân văn hóa nên việc ly hôn rất khó khăn. Chẳng những vậy, luật chống bạo hành gia đình cũng chỉ là "hữu danh vô thực".
Trong tình trạng như thế, giết chồng trở thành cách duy nhất để một số phụ nữ Afghanistan thoát khỏi các cuộc hôn nhân địa ngục. Nếu không thay đổi, những bi kịch tương tự sẽ tồn tại mãi mãi.
Nhà tù nữ ở thành phố Herat, Afghanistan có gần 200 tù nhân nữ và 32 đứa bé được họ sinh ra trong quá trình thụ án tại đây. Một nửa số tù nhân này bị giam giữ vì thứ được gọi là "phạm tội đạo đức". Chẳng hạn như hành vi rời khỏi nhà và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, bao gồm ngoại tình hoặc bị kẻ xấu cưỡng hiếp. Mặc dù các vấn đề đạo đức không liên quan nhiều đến luật pháp nhưng theo luật Afghanistan, đây là những trọng tội.
Còn có những phạm nhân đặc biệt hơn. Tại Afghanistan có một câu nói thế này: "Phụ nữ mặc áo trắng bước vào nhà chồng và cũng phải mặc áo trắng rời khi rời khỏi nhà chồng". Vế thứ 2 có ý nghĩa là, người phụ nữ phải chung thủy với chồng từ lúc mới cưới đến khi qua đời. Đây là số phận mà hầu hết phụ nữ địa phương phải chấp nhận. Nhưng với một số khác thì không. Họ chọn mặc áo trắng rời đi và tay bị còng.
Tại nhà tù nữ Herat, có 20 người phạm trọng tội, họ đều phạm cùng một tội: Giết chồng.
Trên thực tế, tại Afghanistan luôn tồn tại những cuộc hôn nhân sắp đặt. Các cô gái vị thành niên hoặc vừa đủ tuổi đã được gả cho những người đàn ông trưởng thành. Những người may mắn sẽ gặp được người chồng không tệ, có thể đảm bảo cuộc sống an toàn về sau.
Nhưng với nhiều gia đình nghèo khổ khác, để con gái có thể nhanh chóng được gả đi, bố mẹ của họ đã không ngần ngại "tặng" con cho những tên tội phạm khét tiếng, những tên khủng bố, nghiện ma túy hoặc những người khó lấy được vợ.
Chính vì thế, sau khi kết hôn, chuyện người phụ nữ bị lạm dụng tình, đánh đập, chửi mắng, cưỡng bức trong hôn nhân... là hiển nhiên.
Ở đây họ tin rằng, phụ nữ đã kết hôn liền trở thành tài sản của người chồng, cô ấy không được dùng tiền mặt và không có luật pháp nào có thể ngăn chặn bạo lực gia đình vì ly hôn không được chấp nhận.
Mà ngay cả khi chưa kết hôn, ở Afghanistan không có biện pháp xử lý các hành vi bạo lực, bức hại hay lừa đảo phụ nữ.
Theo dữ liệu năm 2008 của Viện Hòa bình Hoa Kỳ, gần 90% phụ nữ tại đây sẽ trải qua một hoặc nhiều hình thức lạm dụng trong suốt cuộc đời của họ.
20 tù nhân tại nhà tù nữ Herat chỉ là giọt nước trong đại dương, trước khi bị kết án, nhiều người đã sống một cuộc sống bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Cuối cùng, sợ hãi qua nhiều năm đã trở thành sự giận dữ và bản năng sống còn biến họ trở thành kẻ giết người. Dù hình phạt rất nặng nhưng rất nhiều người vẫn sẽ lựa chọn hành động như thế nếu thời gian quay trở lại.
Họ là những "phụ nữ giết chóc", là những người sống sót sau bạo lực gia đình. Và sau tất cả, họ đã trở thành những hình mẫu bi kịch trong xã hội Afghanistan.
Parisa, năm nay 20 tuổi, bị bắt vì giết chồng, là một trong 20 tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù Herat. Năm 2018, cô không thể tiếp tục chịu đựng cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm qua nữa.
Khi vừa tròn 14 tuổi, cô đã được "tặng" cho một người chồng lớn gấp đôi số tuổi của mình. Sau khi kết hôn, đối phương luôn đánh đập cô, có lúc còn dùng dao để tấn công cô. Khi không vui, hắn sẽ trói tay Parisa và dùng tấm ván dày đánh vào hai tay hai chân cô. Những lần bạo hành này đã ám ảnh cô, khiến cô không thể có 1 giấc ngủ trọn vẹn.
Sau đó, vì thiếu tiền tiêu xài, người chồng đã lập kế hoạch bán thận của Parisa. Hắn buộc cô phải đến bệnh viện để xét nghiệm máu, nhưng may mắn thay, bác sĩ cho biết thận của cô không phù hợp với người mua. Không có được tiền, người chồng lại tra tấn Parisa mạnh tay hơn.
Không phải cô không nghĩ đến việc ly hôn hoặc tìm đến sự giúp đỡ của bố mẹ, nhưng khi cô bí mật đi tìm họ thì bố mẹ lại không thể quản được chuyện của con cái. Ở tuổi 19, Parisa nhận ra cô và chồng không thể tồn tại trong cùng một thế giới. Vào một đêm bình thường, người chồng lại đuổi theo đánh chửi cô. Trong cơn hoảng loạn, cô chộp khẩu súng ngắn của chồng. Viên đạn bắn vào lồng ngực của đối phương khiến hắn tử vong sau vài phút.
Cảnh sát đã bắt Parisa tại hiện trường, cô bị kết án 16 năm tù. Vì không ai chăm sóc 2 đứa trẻ 1 tuổi và 3 tuổi, theo quy định của Afghanistan, chúng được vào tù sống cùng mẹ trong 16 năm.
So với Parisa, Fatima đã chịu đựng quãng thời gian kinh khủng lâu hơn. Fatima năm nay 39 tuổi, cô đã kết hôn từ năm 13 tuổi và đối phương là anh họ của cô. Năm 13 tuổi, cô sinh con đầu lòng, sau đó tiếp tục sinh thêm 4 người con nữa. Chồng cô là một kẻ bạo lực, hắn rất thích đánh vào đầu Fatima.
Cô từng nghĩ đến việc tự tử nhiều lần nhưng không thành công. Sau cùng, Fatima đã bóp cổ chồng đến chết trong lúc hắn đang ngủ say. Cô bị kết án 20 năm tù. Hiện tại, cô vẫn đang thụ án trong nhà tù Herat, trên người vẫn còn đầy vết sẹo và không thể đi lại do bị đánh đập và lạm dụng trong thời gian dài.
Thỉnh thoảng, cô thường tự đâm mình bằng những vật sắc nhọn. Các nữ tù nhân tại đây chăm sóc cô rất chu đáo, chủ động giặt quần áo và băng bó vết thương giúp cô. Nhưng Fatima sẽ chẳng bao giờ trở lại dáng vẻ yêu đời như lúc trước khi lấy chồng nữa.
Một trường hợp khác là Nahid, 35 tuổi. Trước khi vào tù, cô bị buộc phải kết hôn với một kẻ nghiện ma túy từ lúc nhỏ. Trong cuộc hôn nhân kéo dài 15 năm, cô thường xuyên bị đánh đập, đôi lúc còn bị tấn công bằng dao và súng. Con gái của cô cũng bị chính bố ruột lạm dụng, cô có thể chịu đựng được bạo hành nhưng luôn lo sợ con cái sẽ bị chồng đánh chết.
Trong một lần mất kiểm soát, cô đã bắn chết người chồng vũ phu. Hiện tại cô vẫn hay khóc khi nhìn cánh tay đầy sẹo vì tự tử và những vết thương do chồng gây ra trong quá khứ.
Forzan sinh ra trong một gia đình nghèo, thời thiếu nữ cô đã kết hôn với một người đàn ông hơn mình 25 tuổi. Kết hôn 15 năm, cô chỉ ra khỏi nhà 15 lần. Cô luôn nhẫn nhịn trước các cơn bạo lực của chồng, cho rằng cuộc sống mình chỉ là như thế thôi.
Đến một ngày, Forzan chứng kiến chồng đang cố cưỡng hiếp con gái. Để bảo vệ con, cô đã dùng xẻng liên tục đánh vào đầu hắn cho đến khi bất động. Cô và 3 người con đều phải vào tù.
Hiện tại, khi những đứa trẻ đã trưởng thành và ra tù, Forzan cảm thấy nhẹ nhõm vì đang sống tại một nơi rất an toàn: Nhà tù nữ Herat.
Với nhiều người, nhà tù nữ Herat nghèo nàn và nhàm chán nhưng với 20 người phụ nữ này, nhà tù giống thiên đàng hơn.
Ban ngày, họ thường chơi cùng những đứa bé ở sân chung, một số sẽ giặt giũ, dọn dẹp hoặc may vá. Tù nhân cũng có thể xem TV hay trò chuyện với nhau. Mỗi tuần đều có các lớp đào tạo trang điểm hay cắt tóc.
Các cai ngục hầu như là nữ và chính vì vậy họ đồng cảm với những tù nhân này. Thậm chí họ còn đưa con đến đây để các tù nhân nữ chăm sóc, sau đó trả tiền đầy đủ. Cai ngục cũng chia sẻ thức ăn với tù nhân.
Nếu không có dãy tường cao, lưới điện và cai ngục, nơi đây rất giống sân sau của một khu dân cư bình thường, ngoại trừ tất cả phụ nữ sống tại đó đều có sẹo khắp người. Chính vì sự hòa hợp kỳ lạ đó, nhiều phụ nữ rất muốn được đến đây, thà sống trong nhà tù mà được tự do hơn các cuộc hôn nhân của họ.
Đối mặt với thực tế mỉa mai này, chính phủ Afghanistan đã cố gắng thay đổi. Đạo luật Xóa bỏ Bạo lực với phụ nữ đã được lập ra vào năm 2009, trong đó nêu rõ các điều khoản bảo vệ phụ nữ khỏi cưỡng hôn và 20 hành vi bạo hành khác.
Tuy nhiên, đến năm 2020, Afghanistan vẫn bị đánh giá là một trong những quốc gia ít phù hợp với phụ nữ nhất thế giới.
Nguồn: Zhihu