Cuộc sống của những người phụ nữ mang thai thời dịch Covid-19 ở Trung Quốc: Không có chỗ khám thai, chỉ lo con sẽ chết trong bụng mình

L.T,
Chia sẻ

"Ngày nào tôi cũng lo, tôi sợ con sẽ chết trong bụng mình. Tôi lo lắng nếu mình sinh sớm so với dự kiến, con tôi sẽ không thể sống được" - lời tâm sự chất chứa biết bao nhiêu lo lắng của một người phụ nữ đang mang thai nhưng không dám chắc con mình sẽ được khỏe mạnh chào đời.

Bên trong phòng chờ của một bệnh viện ở Bắc Kinh, hàng chục phụ nữ mang thai mặc đồ bảo hộ tự chế. Mái tóc của họ được buộc chặt dưới chiếc mũ chụp đầu, bên ngoài chiếc áo khoác lại có thêm cả chiếc áo mưa "phòng thủ". Mỗi người một vẻ nhưng tất cả đều đang có chung một nỗi lo lắng vì mang thai giữa mùa dịch. Họ phải chờ hàng tiếng đồng hồ để được bác sĩ thăm khám cho cả mẹ và con.

Cô Vigor Liu (30 tuổi), người đang mang thai đứa con đầu lòng mới được 5 tháng, bày tỏ: "Tôi thực sự không cảm thấy thoải mái". Sau 3 tiếng chờ đợi mòn mỏi, cuối cùng Liu cũng tới lượt được thăm khám, nhưng cũng chỉ được vỏn vẹn có 10 phút và lời khuyên mà bác sĩ dành cho cô là: Ngừng đọc tin tức.

Cuộc sống của những người phụ nữ mang thai thời dịch Covid-19 ở Trung Quốc: Không có chỗ khám thai, chỉ lo con sẽ chết trong bụng mình - Ảnh 1.

Vigor Liu, 30 tuổi, trong căn hộ ở Bắc Kinh. Cô đang mang thai ở tuần thứ 20 tuần và lo lắng về việc đi ra ngoài, đến bệnh viện hoặc trở lại làm việc vì virus SARS-COV-2.

Khi Trung Quốc phải đương đầu với dịch Covid-19 khiến hơn 80.000 người bệnh và hơn 2.600 người tử vong, những người phụ nữ mang thai nói rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe đã quá tải và họ cảm giác như bị "lãng quên".

Các y tá và bác sĩ phụ sản tạm thời phải gác lại công việc thường ngày vì họ được điều động đi chống dịch Covid-19. Hơn một ngàn bệnh viện được chỉ định dành riêng cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-COV-2. Các bệnh viện, phòng khám sản phụ khoa cũng tạm thời đóng cửa vì thiếu nhân viên.

Mọi nguồn lực đều đổ dồn cho công cuộc chống dịch nên những người phụ nữ mang thai cảm thấy hoang mang vì không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tiền sản cơ bản. Bên cạnh đó, một số báo cáo trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc về việc một số bà mẹ bị nhiễm bệnh sinh con càng làm tăng nỗi sợ hãi về nguy cơ người mẹ truyền virus cho trẻ sơ sinh, mặc dù không có bất kỳ báo cáo chính thức nào về việc này.

Cuộc sống của những người phụ nữ mang thai thời dịch Covid-19 ở Trung Quốc: Không có chỗ khám thai, chỉ lo con sẽ chết trong bụng mình - Ảnh 2.

Một số phụ nữ đã sinh con đúng thời điểm dịch bùng phát cũng kể lại cảm giác cô đơn và cả sợ hãi vì thiếu thốn nhiều thứ. Những bà mẹ mới sinh thì không thể tiêm vắc-xin cho con.

Tại thành phố Vũ Hán, những người phụ nữ mang thai phải đối mặt với một nỗi khổ: tìm nơi lâm bồn. Các bệnh viện quá tải, các phương tiện giao thông công cộng của thành phố ngừng hoạt động và không ai được phép rời đi vì những quy tắc kiểm dịch khắt khe. Thậm chí, họ còn không thể đi khám thai định kỳ.

Một nhóm tình nguyện viên ở Vũ Hán đang cố gắng giúp các chị em mang bầu tìm các bệnh viện vẫn cung cấp dịch vụ chăm sóc trước sinh và sau sinh. Nhóm này bao gồm các nhân viên tâm lý và tài xế. Họ đang hỗ trợ cho khoảng hơn 600 phụ nữ mang thai và bà mẹ mới sinh ở nội thành và cả ngoại thành. Họ cũng sẵn sàng 24/24 để giúp giải quyết các trường hợp khẩn cấp.

Jane Huang gần đây đã được kết nối với nhóm tình nguyện viên này. Người mẹ 40 tuổi đang mang thai ở tuần thứ 17, nhưng bệnh viện huyện nơi cô đăng ký theo dõi thai kỳ không còn tiếp đón phụ nữ mang thai nữa. Huang lo lắng rằng nếu cô không sớm tìm thấy một bệnh viện, cả cô và em bé sẽ không sống nổi vì cô bị cao huyết áp và yếu thận.

"Ngày nào tôi cũng lo, tôi sợ con sẽ chết trong bụng mình. Tôi lo lắng nếu mình sinh sớm so với dự kiến, con tôi sẽ không thể sống được", Huang nói với phóng viên qua điện thoại. "Tôi lo lắng về gánh nặng tài chính nếu tôi phải lọc máu hoặc thậm chí thay thận, tôi lo lắng rằng nếu con tôi có bất thường".

"Tôi nghĩ về rất nhiều thứ mỗi ngày", cô nói.

Cuộc sống của những người phụ nữ mang thai thời dịch Covid-19 ở Trung Quốc: Không có chỗ khám thai, chỉ lo con sẽ chết trong bụng mình - Ảnh 3.

Khoảng 1.774 bệnh viện Trung Quốc được chỉ định dành riêng cho các sản phụ bị nghi nhiễm hoặc đã dương tính với virus SARS-COV-2. Tất nhiên, đó cũng là những nơi chị em phụ nữ mang thai bình thường muốn tránh xa.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã chỉ đạo các bệnh viện, được chỉ định làm trung tâm điều trị các ca nhiễm Covid-19, rằng phải sắp xếp hợp lý càng sớm càng tốt cho những phụ nữ mang thai đã đăng ký sinh ở đó. Nhưng nhiều người bày tỏ lo ngại rằng họ không chắc điều đó có nghĩa gì với tình trạng của mình: Họ sẽ bị buộc phải sinh con tại một bệnh viện được chỉ định cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-COV-2? Họ sẽ được chuyển đi nơi khác? Hay là Họ sẽ bị từ chối?

Ông Bin Tu, một tình nguyện viên ở Vũ Hán nói: "Đối với phụ nữ mang thai, việc tìm kiếm thông tin về từng bệnh viện, từng người một, sẽ rất phức tạp".

Cuộc sống của những người phụ nữ mang thai thời dịch Covid-19 ở Trung Quốc: Không có chỗ khám thai, chỉ lo con sẽ chết trong bụng mình - Ảnh 4.

Quần áo mà Liu đã chuẩn bị cho bé. Cô đã mua cả khẩu trang và kính bảo hộ để bảo vệ 2 mẹ con khỏi virus.

Đầu tháng 2, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một trường hợp trẻ sơ sinh ở Vũ Hán được phát hiện nhiễm virus SARS-COV-2. Người mẹ đã bị nhiễm bệnh, nhưng không rõ liệu cô có truyền virus cho con trong khi mang thai hay em bé bị nhiễm bệnh ngay sau khi chào đời.

Cuộc sống của những người phụ nữ mang thai thời dịch Covid-19 ở Trung Quốc: Không có chỗ khám thai, chỉ lo con sẽ chết trong bụng mình - Ảnh 5.

Một phụ nữ mang thai bước ra khỏi một bệnh viện phụ sản ở Bắc Kinh.

Zhang Chong sinh đứa con thứ 2, một bé trai, vào ngày 1 tháng 2 tại một bệnh viện công ở Bắc Kinh. Bệnh viện bị thiếu người, một phần vì một số nhân viên vẫn bị mắc kẹt ở quê nhà sau khi các nhà chức trách thực hiện phong tỏa một số vùng.

Ca mổ sinh con theo lịch trình của cô Zhang đã bị trì hoãn một ngày vì thiếu nhân sự. Không ai trong gia đình Zhang được phép vào phòng sinh, kể cả trong và sau khi phẫu thuật. Zhang sau đó được đưa vào một căn phòng với 40 bà mẹ và em bé mới sinh, nhưng chỉ có 2 y tá và 2 trợ lý ở đó.

Gia đình chỉ được phép đến thăm 1 tiếng mỗi ngày, đây là sự thay đổi lớn so với các quy tắc thông thường - cho phép một thành viên trong gia đình luôn ở bên cạnh người mẹ mới sinh.

Vào đêm đầu tiên sau cuộc phẫu thuật, Zhang cho biết cô hầu như không thể di chuyển cơ thể. Em bé của cô đã khóc và muốn được ăn, nhưng không có ai xung quanh để giúp cô. Trong 4 đêm liên tiếp, Zhang gần như hoàn toàn cô độc. "Một ngày có đến hàng trăm lần tôi muốn khóc", cô nói.

Chồng Zhang đã cố "mua chuộc" một nhân viên bảo vệ để được vào chăm sóc cho vợ nhưng không được.

*Bài viết của tác giả Alexandra Stevenson, đăng trên tờ New York Times ngày 25/02/2020.

Chia sẻ