"Tôi nói thẳng, thực phẩm hữu cơ chẳng an toàn, bổ béo hơn so với thực phẩm thông thường"
Ăn uống thứ gì, trong đầu người Việt lúc nào cũng bị ám ảnh, thành thử mới có chuyện thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn.
PV: Tôi đã và đang sống những ngày rất bi quan về độ an toàn của thực phẩm khi mà nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn… Những năm gần đây mới có thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ ấy, nhưng lại đắt quá…
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Người ta có thể nói đến thực phẩm lành mạnh (healthy food), chứ trên thế giới không có cái gọi là thực phẩm sạch (clean food).
Thực phẩm lành mạnh có thể là rau củ quả, tốt hơn việc ngày nào cũng ăn thịt xông khói, pâté, jambon, xúc xích…
Thực phẩm, một khi đã được phép lưu thông ngoài thị trường, phải là thực phẩm an toàn, nghĩa là phải tuân thủ quy định về an toàn. Đây là vấn đề pháp luật. Nếu không, nhà sản xuất sẽ gặp rắc rối với cơ quan hữu trách.
Ở Việt Nam, một số nhà chế biến thực phẩm không tuân thủ quy định. Lại thêm một số đơn vị báo chí, truyền thông phóng đại vấn đề, nào là nitrate trong rau gây ung thư, bột bánh bao có nhôm gây bệnh mất trí nhớ, nước ngọt có chất bảo quản gây động kinh… làm người tiêu dùng sợ hãi.
Ăn uống thứ gì, trong đầu người Việt lúc nào cũng bị ám ảnh, thành thử mới có chuyện thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn.
(Ảnh minh hoạ)
PV: Ông nói rằng chỉ ở VN mới có khái niệm tréo ngoe là "thực phẩm sạch", nhưng nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta có cái gọi là thực phẩm bẩn, thực phẩm chưa an toàn, đúng vậy không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ở góc độ khoa học, tôi gọi thực phẩm an toàn là thực phẩm đáp ứng được quy định về an toàn thực phẩm, chẳng hạn không nhiễm khuẩn gây bệnh, heo nuôi không dùng hormone tăng trưởng, rau bón phân, dùng thuốc trừ sâu đúng cách…
Còn khái niệm thực phẩm sạch hay bẩn lại là chuyện khác. Phó mát Roquefort nặng mùi bạn ngửi không nổi, chê hôi, lại chê bẩn, nhưng tôi lại thấy ngon và sạch, nếu không muốn nói là bổ béo nữa (cười).
PV: Người làm nội trợ như tôi, với tâm lý bi quan ra ngõ gặp... thực phẩm bẩn, thì hy vọng nhiều vào một nền thực phẩm hữu cơ lắm. Ông có cho rằng thực phẩm hữu cơ là thực phẩm an toàn?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi cần nhấn mạnh, thực phẩm nào tuân thủ quy định an toàn, là thực phẩm an toàn. Thực phẩm gắn mác hữu cơ, hay siêu sạch gì gì đó, mà không tuân thủ quy định thì phải xem là thực phẩm không an toàn.
Nhưng thực phẩm hữu cơ có "luật chơi" riêng của nó, vẫn nằm trong phạm vi quy định về an toàn, nhưng khắt khe hơn.
PV: Luật chơi như thế nào, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Mỗi nước có quy định riêng về thực phẩm hữu cơ, nhưng cũng đại loại gần giống nhau:
- Rau quả hữu cơ là nông sản không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hormon tăng trưởng..., chỉ có phân xanh, phân ủ, rơm rạ mục nát, diệt sâu bọ thì để loài này diệt loài kia, canh tác luân phiên để bảo vệ màu mỡ của đất…
- Động vật hữu cơ phải nuôi ở môi trường sạch (đồng cỏ hay ao hồ), không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học, hóa chất… Thức ăn gia súc phải thuộc loại thức ăn hữu cơ, cũng không dùng hormone tăng trưởng hay thuốc kháng sinh sai quy định.
- Thực phẩm hữu cơ (chế biến) phải dùng nguyên liệu hữu cơ để chế biến, không dùng phụ gia thực phẩm (hóa chất), các loại dung môi công nghiệp và chiếu xạ.
PV: Quy định như vậy rõ ràng là thực phẩm hữu cơ phải an toàn hơn thực phẩm thông thường rồi?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Rất tiếc, điều bạn vừa nói lại không đúng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thực phẩm hữu cơ, xét về mặt dinh dưỡng và an toàn, cũng chẳng khác gì thực phẩm thông thường cùng loại, kể cả mức nitrate hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn trong một số rau quả hữu cơ, cũng không cải thiện các rủi ro về sức khỏe.
Tôi muốn nói, thực phẩm thông thường ở đây là thực phẩm tuân thủ quy định an toàn đấy nhé.
Một khi khoa học đã ấn định mức tối đa của chất nào đó trong thực phẩm, thì họ dựa trên nhiều bằng chứng khoa học để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, trước mắt cũng như lâu dài. Tôi muốn nhấn mạnh, liều lượng mới gây ngộ độc, chứ không phải hễ rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu, ăn vào là bị ung thư, mà không xét đến mức dư lượng của nó.
Không thể phủ nhận dư lượng thuốc trừ sâu ở thực phẩm hữu cơ ít hơn, nhưng Hội Ung thư Hoa Kỳ cho rằng, mức dư lượng thuốc trừ sâu cho phép ở rau quả củ trồng theo kiểu thông thường không làm gia tăng rủi ro ung thư, và thực phẩm hữu cơ cũng chẳng làm giảm rủi ro ung thư. Bạn cũng nên biết, có nhiều nguyên nhân gây ung thư.
(Ảnh minh hoạ)
PV: Ông nói rằng thực phẩm hữu cơ không chứng tỏ được độ an toàn hơn so với thực phẩm thông thường. Tôi sợ, ông mà nói ra điều này sẽ nhận không ít... gạch đá, ít nhất là từ phía những người làm nội trợ như tôi.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi không nghĩ mấy bà nội trợ, dù có đang xài hàng hữu cơ, lại ném đá tôi. Tôi tin thế! (cười). Nhưng một số người buôn bán rau củ quả hữu cơ sẽ làm chuyện đó, mà họ đã làm rồi chứ không phải sẽ làm…(cười).
Nhưng khoa học là khoa học. Tôi sẵn sàng tranh luận dựa trên bằng chứng "cứng" của khoa học, chứ không nói cù nhầy, cảm tính như một số comment trên facebook thì tôi chịu… thua.
Tôi có thể nói luôn, dinh dưỡng của thực phẩm hữu cơ cũng chẳng bổ béo hơn so với thực phẩm thông thường cùng loại.
Nguy cơ nhiễm khuẩn gây bệnh là như nhau. Mà thực phẩm hữu cơ có khi lại dễ nhiễm E. Coli, Salmonella, Listeria… hơn do không dùng chất bảo quản.
Trái cây hữu cơ cũng dễ bị hư hơn do không bọc sáp hoặc phun chất bảo quản. Đó là chưa kể "ngoại hình" của rau quả hữu cơ thường thì không "xinh đẹp" như rau trái thông thường.
PV: Nhưng, ví dụ, nhiều bài báo vẫn nói sữa hữu cơ, sữa chua, phó mát hữu cơ có nhiều omega-3 hơn, có đúng không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Điều này đúng. Nhưng dù omega-3 trong sữa hữu cơ có nhiều hơn gấp mấy lần sữa thường đi nữa, thì cũng không đáng kể. Phải uống cả chục lít sữa hữu cơ mới có lượng omega-3 tương đương với việc ăn 100gr cá biển. Sữa không phải là nguồn thực phẩm chính cung cấp omega-3.
Một số người buôn bán thực phẩm, rau quả hữu cơ, tôi nói một số thôi, không phải tất cả, khai thác sự sợ hãi về an toàn thực phẩm nơi người tiêu dùng, để tung quảng cáo, rỉ tai trên facebook những thông tin sai sự thật về mặt khoa học, hay phóng đại mức dinh dưỡng của hàng hữu cơ như omega-3, như tôi vừa nói.
Đánh lận kiểu này thì không sòng phẳng!
PV: Nếu thực phẩm hữu cơ không chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với thực phẩm thông thường, người ta tốn nhiều tiền của, công sức để phát triển cái gọi là thực phẩm hữu cơ làm chi vậy, thưa ông? Vì theo như tôi biết, một cộng đồng khó tính như châu Âu rất ưa chuộng thực phẩm hữu cơ.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ưu điểm của sản xuất theo kiểu hữu cơ, đó là bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, duy trì hệ sinh thái, bảo vệ nguồn đất và nước.
Phải cải tạo đất trước khi canh tác, kiểm soát nguồn nước, chọn giống, không được dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… thì năng suất kém hơn nhiều, so với trồng theo kiểu thông thường.
Lại phải có hồ sơ, ghi chép, chịu kiểm tra… để có giấy chứng nhận đạt chuẩn nên rất tốn kém, giá thành cao gấp vài lần so với thực phẩm thông thường.
Thực phẩm hữu cơ, nhất là nông sản, đang là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng này chỉ mới khởi động khoảng hơn chục năm trở lại đây thôi, nhưng sớm muộn rồi cũng phải mở rộng.
PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường rau quả hữu cơ hiện nay? Nếu tôi muốn mua thực phẩm phẩm hữu cơ thứ thiệt thì làm thế nào để phân biệt?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Việt Nam sớm muộn rồi cũng phải mở rộng xu hướng thực phẩm hữu cơ. Nhưng đất nước mình còn nghèo, dân nghèo nhiều, lương tháng vài ba triệu, chỉ mong có được bó rau, củ quả… an toàn, mơ mộng gì nổi đến thực phẩm hữu cơ.
Cá nhân tôi rất kính nể những người đang làm nông nghiệp hữu cơ. Họ là những người tiên phong trong việc bảo vệ môi trường và nguồn đất, nước. Một số đã thành công, có giấy chứng nhận để xuất nông sản hữu cơ sang Mỹ, châu Âu …
Họ phải can đảm, và có ý chí lắm, mới đeo đuổi được sản xuất nông sản hữu cơ. Bạn tưởng tượng, vất vả cả mấy tháng trời, có khi cả vài năm cho dự án, sắp thu hoạch, mà sâu bọ bỗng nhiên ở đâu mò tới, thì dễ bị cám dỗ vô cùng…
Sản xuất rau quả hữu cơ đòi hỏi yếu tố cộng đồng cùng làm việc, để bảo đảm việc tuân thủ luật chơi. Khoản này người Việt mình hơi yếu.
Nhưng cao hơn hết là tùy thuộc vào lương tâm của người nuôi trồng. Thật khó để phân biệt hàng hữu cơ thật giả bằng mắt thường, thành thử lương tâm mạng mỡ khá nhiều, không ít người vi phạm "luật chơi" của thực phẩm hữu cơ một cách rất tinh vi.
Việt Nam lại chưa có quy chuẩn quốc gia về thực phẩm hữu cơ. Các tổ chức chứng nhận "nội địa" thì… xin lỗi, nhiều chuyện đáng buồn quá.
Hậu quả là thị trường đầy những thực phẩm mạo danh hữu cơ, thực giả lẫn lộn, thực ít giả nhiều, rồi bán giá cao, đủ để ép giá hàng thiệt… Chính những người buôn hàng mạo danh hữu cơ này mới "to mồm" trên những trang web, hay facebook. Tình trạng này thì làm sao những người sản xuất thực phẩm hữu cơ đàng hoàng có thể cạnh tranh nổi.
Nếu ai có dư giả tiền thì nên ủng hộ rau củ quả hữu cơ thứ thiệt trong nước. Đó cũng là cách thức bảo vệ môi trường.
Mạo danh thực phẩm hữu cơ là gian lận thương mại. Báo chí các bạn nên điều tra, làm rõ những kiểu cách làm ăn "đầu dê thịt chó" này, để người tiêu dùng mua sản phẩm đúng thực chất, và nhất là bảo vệ số ít những người đang làm nông nghiệp hữu cơ chân chính.