Tôi - Người phụ nữ dám đạp lên chông gai để có được hạnh phúc

Ngô Thị Bảy,
Chia sẻ

Phụ nữ là một viên ngọc của tạo hóa, mỗi phụ nữ là một đóa hoa thơm ngát cần được yêu thương và che chở. Tôi sẽ tiếp tục cùng chung tay giúp đỡ cộng đồng và nhất là những người phụ nữ, người mẹ khó khăn có cùng hoàn cảnh giống tôi khi xưa. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi ta biết yêu thương và chia sẻ.

Sáu mươi tuổi đó là thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn với một người phụ nữ đã có cháu nội, cháu ngoại như tôi. Năm mươi sáu tuổi lần đầu tiên tôi viết về bản thân của mình từ sự động viên của các con. Biết đâu qua câu chuyện cuộc đời tôi có thể giúp được ít nhiều cho những người vợ người mẹ hay có thể vực dậy tinh thần cho một ai đó đang mất niềm tin vào cuộc sống.

Bốn mươi năm về trước tôi là một cô gái không quá xinh đẹp nhưng cũng xếp vào dạng ưa nhìn với mái tóc dài chấm gót đen óng ánh. Tôi gặp chồng tôi khi cả hai cùng tham gia vào đội thanh niên xung phong. Mối tình trong quân đội đẹp ngọt ngào kết thúc bằng một đám cưới đơn giản và ấm cúng.

Hai vợ chồng tay trắng lập nghiệp mặc dù cuộc sống nghèo khó nhưng tràn ngập niềm vui của tình yêu đôi lứa. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, một năm sau đứa con đầu lòng ra đời chồng tôi thay đổi hoàn toàn thành một con người khác. Cờ  bạc, rượu chè, ngoại tình, đánh đập vợ con, con thì còn quá nhỏ cuộc sống trước mắt tôi tràn ngập một màu đen tối. Con được ba ngày tuổi cũng nuốt nước mắt vào trong gửi con cho bà ngoại để đi làm, công việc đồng áng thật quá sức với một người phụ nữ mới sinh đúng ra đang còn ở cữ như tôi có nhiều lúc tôi ngất xỉu vì không chịu nổi cái nắng chói chang giữa trưa hè. Nhưng nghĩ đến đứa con bé bỏng vừa chào đời đang khóc vì khát sữa, nên tôi tự nhủ lòng mình không được gục ngã. Chỗ tôi sống là một làng quê nghèo nàn, lạc hậu. Biết gì đâu đến kế hoạch hóa gia đình. Chồng tôi cứ đi rồi lại về, ba mươi lăm tuổi tài sản lớn nhất của tôi là bảy đứa con thơ dại chào đời cách nhau năm một. Nhìn đám trẻ thơ nheo nhóc, bệnh tật, đói rách tim của người mẹ trẻ như tôi quặn thắt.

Một người làm chín miệng ăn, mặc dù tôi làm việc ngày đêm nhưng không thấm vào đâu với một đại gia định lớn. Ba giờ sáng tôi đã thức dậy đi bộ hơn chục cây số để mót đám thuốc mà người ta đã thu hoạch còn sót lại đem về phơi khô bán. Về tới nhà thì trời vừa sáng. Tôi nấu một nồi cháo lỏng lẻo múc cho bảy đứa con mỗi đứa nữa chén ăn lót dạ rồi dắt các con qua gửi bà ngoại rồi tiếp tục với công việc ai kêu gì làm nấy. Một mình tôi cày hết đám ruộng này đến dám ruộng khác, chủ ruộng thích mướn tôi làm vì một mình tôi còn làm nhanh hơn hai người đàn ông gộp lại. Nhưng họ biết tôi cần việc, cần tiền nuôi con nên họ ép tôi. Tiền công sau một ngày lao động mệt nhọc của tôi chỉ là hai đồng lẻ không đủ mua gạo với muối cho các con. Tôi vẫn tiếp tục bất lực nhìn các con khóc la vì đói, ai đã từng làm mẹ và trải qua hoàn cảnh đó như tôi thì mới biết đau như thể nào. Bất lực trước khó khăn trước mắt nên tôi đã có ý định sẽ cùng các con đi về phía bên kia của thế giới để được giải thoát kiếp nghèo hèn. Nhưng khi nhìn lại bảy đứa con của tôi, nhìn vào những ánh mắt trong veo chưa biết sự đời của chúng. Tôi lại ôm các con vào lòng mà khóc,  dù thế nào tôi cũng phải đứng dậy phải thoát nghèo vì các con của mình.

Tôi biết công việc làm thuê cuốc mướn như hiện tại của tôi sẽ không bao giờ lo cho các con tôi đủ ăn đủ mặt thế là tôi đánh liều đi buôn từ Nam ra Bắc. Lúc bấy giờ nhà nước đang làm quản lý theo kiểu tự cung tự cấp. Chưa kể đến nạn cướp bóc, hãm hiếp dọc đường do nạn đói sau chiến tranh nên không ai cho tôi dấn thân vào con đường nguy hiểm này. Nhưng đây là con đường duy nhất để cứu cả một gia đình nên tôi lẳng lặng ra đi trong đêm khuya để không cho ai biết. Một con buôn lần đầu hành nghề nên tôi bị thương lái ép giá, các con buôn khác thì giành giật xua đuổi tôi nên làm cho tôi lúc đó vô cùng sợ hãi.

Sau bao nhiêu khó khăn, có cả nước mắt và tổn thương do bị đánh đập chuyến hàng đầu tiên của tôi cũng thành công. Tôi vui mừng vì số tiền kiếm sau năm ngày xuôi ngược còn nhiều hơn số tiền làm thuê hai tháng của tôi. Đánh liều tôi tiếp tục đi chuyến hàng thứ hai may mắn vì do lần này đã quen nên hàng đợt này giá rẻ hơn, định bụng rằng khi bán hàng sẽ đủ mua lá dừa xây cho các con một ngôi nhà có thể che mưa che nắng nhưng thật bất hạnh cho tôi, được nửa đường vào Nam xe của tôi bị cướp, tôi sợ quá bỏ chạy thật nhanh, nhưng dường như bất hạnh không buông tha cho tôi. Một kẻ cướp tóm được tôi và giở trò cưỡng hiếp, nước mắt lưng tròng, tôi quỳ lạy van xin nhưng tên cướp không những không thương xót cho tôi mà còn cười hả hê thật đáng sợ. Tôi chống cự một cách yếu ớt, nếu không vì bảy đứa con thơ đang đợi tôi ở nhà thì lúc đó tôi đã tự kết liễu đời mình để bảo toàn danh dự. Thật may lúc đó, có một chú bộ đội đã về hưu đi ngang qua, chú bộ đội thấy tôi gặp nguy nan nên la to "công an, công an" vậy là tên cướp bỏ chạy thục mạng. Nhờ vậy tôi vẫn giữ được tấm thân sạch trong đối chồng.

Nỗi đau gánh tiếp nỗi đau, khó khăn chồng chất khó khăn

Vậy là tôi lại quay về với cuộc đời làm thuê cuốc muớn, cuộc sống gia đình lại bữa đói bữa no. Tám mẹ con rau cháo nuôi nhau mơ về ngày mai tươi sáng. Trớ trêu thay chồng của tôi sau một năm bỏ đi biệt xứ giờ lại trở về. Tôi cứ tưởng anh đã thay đổi về lại với vợ con, đỡ đần công việc với tôi đôi phần nhưng tôi đã lầm. Vẫn là anh, vẫn thể xác đó nhưng tinh thần của anh đã bị tổn thương nói đúng hơn là chồng tôi bị căn bệnh mà người đời nghiệt ngã gọi là "điên". Cười ra nước mắt tôi biết làm gì lúc này, biết bấu víu vào ai trước những bất hạnh của cuộc đời. Một mình nuôi bảy đứa con giờ lại thêm người chồng điên dại, tôi như bị dồn vào đường cùng của số phận.

Hành trình chữa bệnh cho chồng chìm trong vô vọng

Đi khám nhiều nơi thuốc thang chạy chữa mà bệnh tình của chồng tôi cũng không hề thuyên giảm. Chỗ thì nói chồng tôi bị thần kinh. Nơi thì nói bị ma ám, chỉ cần nghe ai nói nơi nào có thuốc hay, thầy giỏi tôi đều tìm tới nhưng tất cả đều vô vọng. Chồng tôi nói nhảm cả ngày, đòi ăn liên tục, ăn hết cả phần cơm dành cho các con, ban đầu anh tôi còn tới nhà ngủ cùng gia đình để canh chồng phụ tôi. Nhưng rồi anh tôi sợ quá cũng không đám tới nữa. Nhiều đêm giật mình thức giấc không thấy chồng đâu. Một mình tôi mò mẫm đi kiếm chồng mà tim đập liên hồi vì quá sợ. Đi hết nơi này đến nơi khác, từ đám ruộng này đến đám ruộng kia cuối cùng cũng thấy chồng tôi nằm ướt sũng giữa ruộng lúa đang ngân nga hát.

Đêm nào cũng lặp lại như vậy, tôi đều làm công việc kiếm chồng giữa đêm khuya nên lâu dần tôi trở nên chai lì và không còn sợ hãi. Ban ngày đi làm tôi cũng phải đem chồng đi theo để canh chừng vì tôi sợ những chuyện bất hạnh có thể xảy ra nếu tôi sơ xuất. Gia đình và hàng xóm thấy tôi quá khổ, họ khuyên tôi nên đem chồng đi bỏ ở một nơi xa nào đó mà không ai biết để giảm bớt gánh nặng đi. Nhưng tôi làm sao đành lòng, dù anh đối xử với tôi như thế nào nhưng dù sao anh cũng là chồng tôi, là bố của các con tôi. Vợ chồng sống với nhau không còn tình nhưng dù sao cũng còn nghĩa. Tôi sẽ chăm sóc anh bảo vệ anh đến khi nào tôi trút hơi thở cuối cùng.

Quyết định sai lầm của bà mẹ trẻ khi gia đình rơi vào đường cùng của số phận


Day dứt lớn nhất lúc bấy giờ của tôi là không biết phải làm sao để chồng hết bệnh. Nhiều năm tết đến nhìn đàn con thơ mặt những bộ quần áo chắp vá xin được của người khác mà tôi đau đến cháy lòng. Tại sao gia đình tôi lại khổ sở như thế này. Tại sao mọi bất hạnh cứ nhầm lấy tôi mà trút xuống. Hình như ở tận cùng nỗi đau con người dễ trở nên quẫn trí và tôi cũng như vậy. Có một gia đình hiếm muộn nhưng giàu có thấy đứa con gái thứ ba của tôi xinh xắn nên xin nhận làm con. Sau một đêm suy nghĩ đến bạc trắng cả đầu tôi đồng ý giao con cho họ tôi nghĩ rằng làm con họ thì con gái tôi sẽ có một cuộc sống đầy đủ hơn, con tôi sẽ ăn học đàng hoàng như bao đứa trẻ khác. Họ bế con đi nhìn con khóc ròng trên tay người khác. Người làm mẹ như tôi đau đến ngất lịm, ai đã từng làm mẹ mới hiểu được chính tay cho đi đứa con mình đứt ruột đẻ ra thì còn nỗi đau nào hơn nữa, trái tim của người mẹ phải đứt ruột cho đi đứa con yêu của mình như đang rỉ máu.

Sáng tôi cho con đi xa con chưa đầy tám tiếng mà tôi như một người mất hồn. Tôi đã sai mất rồi, tôi chạy như bay, băng rừng vượt suối giữa đêm khuya đến nhà người ta tìm con. Tới nơi nhìn thấy con đang khóc ngặt nghẽo vì nhớ mẹ, nhìn thấy bộ dạng thất thểu của tôi trong bộ quần áo rách nát do băng rừng, vượt suối. Người nhận nuôi con tôi thương cảm nên đồng ý trả con cho tôi và họ còn tốt bụng cho tôi thêm năm đồng nữa. Ôm chặt con gái vào lòng ánh mắt con đen lánh nhìn tôi cười hạnh phúc, lòng tôi cảm thấy bình yên đến lạ. Tôi đã sai rồi, dù cuộc sống có nghèo hèn đến mấy thì tôi cũng không nên quyết định nông cạn như vậy. Thì thầm vào tai con gái nhỏ "mẹ xin lỗi con, suốt cả cuộc đời này mẹ sẽ không bao giờ tha thứ cho mẹ."

Thành công bước đầu nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ

Vào năm 1990 nhà nước thay đổi cách quản lý không còn chế độ tự cung tự cấp nữa mà để người dân tự do kinh doanh. Tôi đánh kiều vay vốn nhà nước cùng anh trai mở một đại lý xay xát lúa và các loại nông sản khác. Lúc bấy giờ hầu như gia đình nào cũng sống nhờ vào nông nghiệp nên đại lý xay xát của ôi ăn nên làm ra. Các con của tôi giờ đây không phải chịu cảnh đói rách nữa, chồng tôi vẫn tiếp tục uống thuốc và cũng đang có dấu hiệu khả quan.

Nhưng rồi tai họa lại ập đến, một ngày tôi đem chồng đi chữa bệnh vừa về đến nhà thì cả hơn mười chú công an đang đợi tôi. Thật trớ trêu có một đứa trẻ khoảng mười tuổi vào đại lý xay xát của tôi chơi. Thấy máy quay lạ lẫm nên bé đã tò mò thò tay vào máy quay, lúc anh tôi phát hiện thì đã quá muộn màng, đứa bé tội nghiệp đó đã ra đi. Tôi ngã quỵ khi biết tin dữ này, tại sao, tại sao tôi ngồi lẩm nhẩm như người điên loạn. Công an sau khi kiểm tra đại lý của tôi ghi nhận đại lý của tôi làm việc theo đúng quy trình, có xin phép, tai nạn là do bất cẩn của đứa bé nên sau ba ngày tạm giam tôi được tha về. Nhưng dù vậy nỗi sợ hãi vẫn đeo bám lấy tôi, áy náy thương cho sự mất mát của gia đình đứa bé tội nghiệp, tôi nghĩ mình đã gián tiếp làm cho đứa bé ấy ra đi, nếu tôi chịu an phận đừng mở nhà máy xay xát thì chắc là chuyện đau lòng này không xảy ra, tôi cũng đang làm mẹ nên tôi hiểu hơn ai hết sự mất mát lớn lao ấy. Bán hết những tài sản đang có tôi vừa đủ để đóng phạt và bồi thường cho gia đình đứa trẻ ấy. Tiếp tục dắt díu theo người chồng bệnh cùng bảy đứa con chuyển nhà đi nơi khác. Đây là lần thứ 9 nhà tôi chuyển nhà, thương các con khóc ròng vì đã quen cuộc sống ở đây. Dựng một cái lều bên miếng đất mướn của người khác, tối đến các con giật mình thức giấc vì gió lạnh lùa vào, cả nhà ôm nhau khóc trong nước mắt.

Tôi - Người phụ nữ dám đạp lên chông gai để có được hạnh phúc 1

Tiếp tục lập nghiệp ở một vùng đất mới

Cả gia đình chuyển lên vùng núi sinh sống thấy nơi đây gia súc nhiều mà các thương lái thì thu mua với giá rẻ bèo. Những người nông dân như chúng tôi thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Sau vài ngày tìm hiểu nhu cầu thị trường tôi quyết định mở lò mổ gia súc gia cầm và gánh thịt xuống vùng đồng bằng bán kiếm lời. Đồng thời do tôi học được cách làm hầu hết các loại bánh từ mẹ tôi nên tôi mở thêm một cơ sở làm bánh thủ công do chính tay tôi làm để bỏ mối cho các chợ. Hai công việc song song nhờ vậy tôi vừa tăng cao thu nhập gia đình vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong vùng. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Bằng lòng với kinh tế ổn định, con ngoan, chồng điên khờ nhưng lúc nào cũng ở bên cạnh tôi và các con.

Và rồi nỗi đau kéo tới khi chồng hết bệnh

Hình như được sống ở vùng cao với không khí trong lành, cộng thêm uống thuốc bằng theo toa mà một người cao tuổi trong vùng chính tay cho thuốc. Một năm sau ngày định cư ở đây, một buổi sang chồng tôi ngủ dậy và tỉnh hẳn. Không còn nói nhảm, không còn bỏ đi lung tung giữa đêm khuya chồng tôi trở lại với cuộc sống bình thường như trước đây. Niềm vui của một người vợ chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh như tôi vỡ òa trong sung sướng. Tôi tin chắc từ đây chồng tôi sẽ thay đổi sẽ cùng tôi chung tay chăm sóc gia đình nhưng tôi thật sự đã lầm. Sau bao ngày mang bạo bệnh chồng tôi vẫn tiếp tục như xưa, vẫn rượu chè, bài bạc, ngoại tình và đánh đập vợ con. Đàn con thơ nhìn ba chúng trong sợ hãi, chúng nói với tôi thà nhìn ba điên loạn còn hơn nhìn ba đáng sợ như thế này. Nghe các con gào khóc mà trái tim người làm mẹ như tôi như xát muối. Tôi ra sức khuyên chồng nhưng kết quả tôi nhận được là một cái tát như trời giáng. Một người phụ nữ yếu đuối như tôi ngã gục trước sức mạnh của người chồng vô tâm.

Tôi bất lực nhìn chồng bán hết tài sản của gia đình để ném tiền vào cờ bạc, đem tiền của gia đình đi cho người phụ nữ khác. Bao nhiêu tài sản của gia đình mà chỉ qua vài ngày nhìn lại căn nhà không còn gì đáng giá. Ba mẹ, anh em và cả các con ép tôi ly hôn, thậm chí còn viết sẵn đơn ly hôn ép tôi ký, cầm lá đơn ly hôn trên tay tôi xé toạch. Mẹ tôi vì quá thương tôi nên đòi từ tôi nếu tôi tiếp tục sống với chồng, anh em trong nhà thì hầu như giận tôi đến nỗi không thèm nhìn mặt. Nhưng có ai hiểu cho tôi, không phải tôi yếu đuối càng không phải tôi quyết tâm giữ chồng cho mình, lý do duy nhất tôi không chịu ly hôn là vì tôi muốn giữ bố cho các con. Tôi tin rằng sau này các con lớn lên thì các con sẽ hiểu cho nổi lòng của một người mẹ như tôi.

Tôi - Người phụ nữ dám đạp lên chông gai để có được hạnh phúc 2

Lần cuối cùng chuyển nhà cuộc sống gia đình tôi thật sự bước sang trang mới

Chuyển nhà quá nhiều lần nên mọi thứ đối với gia đình tôi thật dễ dàng. Tài sản thì đâu có gì chỉ vài bộ quần áo cũ với vài cái chén, cái nồi sứt quai cả nhà tôi dọn về đất Vũng Tàu sinh sống. Thuê một miếng đất toàn là cỏ tranh, tôi và các con chặt cây làm tạm một cái nhà để ở. Mười mấy năm sống ở vùng quê nghèo nàn lạc hậu, giờ dọn nhà tới đây tôi choáng ngợp bởi vì phát triển văn minh của nơi này. Mọi người nhìn vào gia đình tôi với anh mắt dò xét một vài ánh mắt khinh bỉ nhìn chúng tôi. Đàn con tôi đưa mắt nhìn quanh đầy sợ hãi.

Ở đây nhà nào có từ một đến hai con, nhà nào đông nhất cũng chỉ có ba đứa nên cuộc sống nhà ai cũng đầy đủ. Nhìn con của người ta rồi quay lại nhìn con mình lòng tôi không khỏi xót xa. Người dân quanh đây nhìn gia đình tôi như người ngoài vũ trụ, họ luôn đề phòng và dặn con cái tránh xa không được tiếp xúc với gia đình tôi. Họ thì thầm với nhau rằng "nhà nó nghèo đói, đông con như thế, thì chỉ có cách kiếm sống bằng nghề ăn cắp". Tôi giận sôi người như nghe câu nói đó, tức giận trào dâng tôi lao đến đám đông đánh liên tiếp vào đám người đang xì xào nói xấu gia đình tôi. Họ bất ngờ không nghĩ tôi lại hành động như vậy nên họ nhanh chóng giải tán. Cho dù cuộc sống gia đình tôi khó khăn thiếu thốn đến đâu thì tôi vẫn luôn dạy cho các con phải sống thật trong sạch. Sống bằng chính đồng tiền mồ hôi nước mắt do chính mình kiếm được. Tôi không thể nào đứng yên nhìn người khác xúc phạm nhân cách của tôi và nhất cả xúc phạm các con tôi.

Tiếp tục bắt tay xây dựng gia đình từ con số không, việc đầu tiên tôi làm là tìm trường cho các con đi học. Sau mấy ngày ngược xuôi trình bày hoàn cảnh gia đình cuối cùng các con tôi cũng được nhập học. Do đi học trễ nên các con tôi đứa nào cũng hơn hai đến ba tuổi so với các bạn cùng lớp. Nhiều khi thấy các con đi học về ôm tôi khóc vì các bạn cười các con học dốt nên mới học sau bọn chúng. Tôi nghe mà thương các con vô cùng, chỉ con biết động viên các con khuyên các con bỏ ngoài tai những lời trêu chọc của bàn bè tiếp tục đến trường để sau này đừng khổ như mẹ.

Chuyện học hành của các con tạm ổn tôi lại tiếp tục bắt tay phá rẫy để trồng cà phê. Một thân một mình tôi ra sức đào bới, ươm giống, trồng trọt. Mùa mưa thì còn đỡ, còn mùa nắng tôi phải xách từng thùng nước đi tưới cho từng gốc cà phê. Đôi vai của tôi sưng vù vì gánh quá nặng. Thương tôi vất vả bảy đứa con tôi sau giờ học đều xúm xít lại giúp mẹ một tay. Những việc làm nhỏ thôi nhưng đủ để tôi thấy ấm lòng và tạo thêm động lực để tôi cố gắng không ngừng nghỉ.

Trồng cà phê thì ít nhất sau bốn năm mới thu hoạch, trong khi trước mắt có cả trăm thứ phải lo. Nào là tiền ăn, mặc, tiền học cho con, tiền phân bón đủ thứ dồn lên một người lao động như tôi. Vậy là tôi quyết định lấy ngắn nuôi dài, thuê mười mẫu đất nữa tôi trồng bắp chỉ cần ba tháng là cho thu hoạch. Xây dựng mô hình kinh tế vườn ao chuồng. Vừa có gia súc gia cầm bán, vừa có phân bón cho cây, vừa có thêm con cá để bổ sung vào bữa ăn hàng ngày, cuộc sống gia đình cũng dần dần có khởi sắc. Chồng tôi vẫn không thay đổi gì sau bao biến cố của cuộc đời, vẫn sáng đi tối về lúc tỉnh táo thì không sao nhưng lúc xỉn say thì la hét chửi rủa đuổi hết tám mẹ con ra khỏi nhà. Sống với chồng lâu dần nên tôi quá quen với những việc đó. Tôi vẫn nhẹ nhàng với chồng, vẫn tôn trong anh tôi tin bằng tất cả tấm chân tình của một người vợ như tôi thì sau này anh sẽ thay đổi và quay về với gia đình.

Bốn năm sau những hạt cà phê đầu tiên được thu hoạch. Có tiền tôi mua thêm đất và trồng tiêu mở rộng kinh tế. Sau năm năm lập nghiệp gia đình tôi thật sự đã thoát nghèo. Nhưng tôi không hiểu sao bà con nơi đây vẫn giữ khoảng cách với gia đình tôi. Tìm hiểu tôi mới biết được rằng do tôi không biết chữ và suốt ngày vùi đầu vào công việc nên có bao giờ tôi tham gia vào các cuộc họp dân cư và họp phụ nữ. Nhìn lại mình tôi cũng thấy tôi thật nhàm chán và rồi tôi khi kinh tế gia đình không còn là nỗi lo tôi quyết tâm thay đổi để tìm lại con người năng động, trẻ trung khi xưa của mình.

Những buổi học đầu tiên của người phụ nữ tuổi 50


Các con của tôi bất ngờ lắm khi nghe tôi nói rằng tôi muốn được các con dạy viết chữ, dạy làm toán. Buổi học của tôi bắt đầu vào lúc 8 giờ tối và kết thúc vào 10 giờ đêm, tôi thật là một học trò may mắn khi có đến bảy người thầy luôn bên cạnh động viên và ủng hộ - đó chính là các con tôi. Chỉ sau một tuần học hành chăm chỉ tôi đã có thể tự tay viết tên cuả mình. Tôi có thể làm toán cộng trừ nhân chia thật là thú vị. Khi đã biết chữ tôi nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng, tôi tích cực tham gia vào các hoạt động của dân cư và phụ nữ. Một năm sau tôi được bầu làm tổ trưởng phụ nữ ấp và tổ phó dân cư của ấp. Bà con lối xóm kính nể tôi, yêu thương quý mến đại gia đình của tôi. Tôi nhận ra rằng một phụ nữ sống trong thời hiện đại thì không những phải chu toàn việc gia đình mà phải tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Sau một thời gian công tác tôi liên tiếp nhận được giấy khen của xã Huyện và cả Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tôi - Người phụ nữ dám đạp lên chông gai để có được hạnh phúc 3

Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi biết sẻ chia


Năm mươi tuổi tôi may mắn có thêm một đứa con nữa. Một đứa trẻ khoảng 15 tuổi không cha không mẹ từ ngoài Bắc lạc vào Nam và định mệnh đã đưa đứa trẻ ấy vào gia đình tôi. Nhìn thấy đứa trẻ gầy sọp sắp ngất vì đói không hiểu sao hình ảnh của đứa trẻ không may ra đi ở nhà máy gạo của tôi năm xưa hiện về. Mở rộng vòng tay tôi đón đứa trẻ ấy tham gia vào làm thành viên của gia đình tôi và làm con của tôi. Thời gian trôi qua thật nhanh mới đó mà giờ đây con đã có gia đình riêng và rất hiếu thuận với cha mẹ, rất yêu thương anh em. Tôi chưa bao giờ nghĩ nó là con nuôi của tôi cả, tôi thương nó với tất cả tình thương của một người mẹ dành cho đứa con ruột thịt của mình.

Từ kinh nghiệm sống của bản thân tôi sẵn rằng giúp đỡ cho những phụ nữ trong ấp thoát nghèo, tôi đến tận nơi hướng dẫn họ xây dựng mô hình kinh tế, sẵn sàng hỗ trợ vốn cho những hộ gia đình quá khó khăn. Nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt của họ tôi thật sự thấy ấm lòng. Cuộc sống này cần lắm sự yêu thương và chia sẻ, từ những khó khăn bất hạnh của cuộc đời mình nên tôi không muốn thấy ai phải khổ như tôi. Phụ nữ là một viên ngọc của tạo hóa, mỗi phụ nữ là một đóa hoa thơm ngát cần được yêu thương và che chở. Tôi sẽ tiếp tục cùng chung tay giúp đỡ cộng đồng và nhất là những người phụ nữ, người mẹ khó khăn có cùng hoàn cảnh giống tôi khi xưa. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi ta biết yêu thương và chia sẻ.

Tôi - Người phụ nữ dám đạp lên chông gai để có được hạnh phúc 4

Và rồi sự hối hận muộn màng của chồng cộng với sự thành đạt của các con làm cho cuộc sống gia đình tôi vô cùng viên mãn.

Sáu mươi tuổi chồng tôi trở về xin lỗi gia đình ông ấy xin lỗi tôi và mong được quay về với tôi. Ông ấy đó bỏ phí cuộc đời, trượt vào vũng bùn của tội lỗi với một khoảng thời gia quá dài. Nhìn ông ấy bây giờ nỡ lòng nào mà tôi trách cứ và hờn giận, mở rộng vòng tay tôi đón nhận ông ấy số phận đã ràng buộc chúng tôi lại với nhau vì dù thế nào tôi cũng không thể nào chối bỏ.

Bảy đứa con của tôi hiện tại đã có sáu đứa lập gia đình. Các con đều đã có nhà riêng, có công việc ổn định. Tôi hạnh phúc vì gia đình các con đều ở gần nhà cha mẹ. Vui lắm vào những ngày cuối tuần gia đình nhỏ của các con tập trung về gia đình lớn, tôi lại được vào bếp chính tay nấu những món ăn mà các con, các cháu thích. Nhìn các con ăn uống ngon lành đối với tôi đó là khoảnh khắc thiêng liêng và đáng trân trọng nhất.

Một vài kinh nghiệm sống mà tôi muốn sẻ chia

Muốn có được hạnh phúc thì chúng ta phải nỗ lực từng ngày từng giờ. Không có con đường nào thẳng tắp để chúng ta chỉ việc bước tới, cuộc sống không phải chỉ toàn màu hồng mà còn có lắm chông gai. Để có được một gia đình hạnh phúc thì mỗi thành viên trong gia đình phải chung tay xây dựng mà quan trọng nhất là sự khéo léo vun vến của người phụ nữ.

Hôm nay lần đầu tiên tôi có thời gian rảnh rỗi để kể về cuộc đời của chính bản thân mình. Đâu mong gì giải này giải nọ, những dòng nhật ký vụng về của một người phụ nữ đã bước qua tuổi sáu mươi thì có gì hấp dẫn. Chỉ mong những trải nghiệm thực tế về cuộc sống, về đạo làm vợ, làm mẹ của một người phụ nữ đang sắp về phía bên kia của cuộc đời có thể giúp được phần nào cho những người vợ người mẹ. Hay có thể vực dậy tin thần cho những ai đang mất niềm tin vào cuộc sống.


Chia sẻ