Tôi lấy vợ - vơ lấy tội
Lấy được người mình yêu thương làm vợ là một điều hạnh phúc. Nhưng cũng có những ông chồng đã phải thốt lên: “Tôi lấy vợ đúng là tự vơ lấy tội”.
Vợ là “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”
Câu chuyện mà anh Hiển (Quận Gò Vấp – Thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự với chuyên gia tâm lí được mở đầu bằng một câu cảm thán: “Tôi lấy vợ đúng là vơ lấy tội vào mình”. Quả thực, khi nghe anh chia sẻ trọn vẹn câu chuyện người ta thấy anh “tội” thật nhưng “tội” là do chính anh tự “vơ” vào. Trước nay khi lấy vợ người ta vẫn thường khuyên nhau tránh “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”, ấy thế mà vợ anh Hiển lại hội tụ đủ cả 3 yếu tố đó. Bởi thế mà cái “tội” của anh càng lớn.
Như anh Hiển kể, ngày mới ra trường anh được người thầy dạy môn kinh tế trong trường mời về công ty riêng của thầy để làm việc. Còn chưa hết mừng vì tìm được một công việc như ý, trong buổi liên hoan chia vui, anh gặp chị Mai là vợ chưa cưới của anh Nam – bạn thân anh Hiển. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng lại mở đầu cho một loạt những biến cố phía sau của cuộc đời anh. Trong tuần đầu tiên đi làm, anh Hiển gặp lại chị Mai, lúc này anh mới ngỡ ngàng khi biết chị Mai làm cùng công ty với mình và là con gái của thầy giáo kiêm giám đốc công ty của anh.
Anh Hiển cưới chị Mai và vị trí của anh trong công ty cũng ngày một thăng tiến vù vù. Tất nhiên, cái sự thăng tiến đó của anh có được là nhờ “bàn tay ma thuật” của ông bố vợ. Anh Hiển cảm thấy vô cùng xấu hổ, tuổi trẻ vừa mới ra trường, anh khao khát lập nghiệp và khẳng định bản thân bằng chính sức mình nhưng mặc kệ cho anh khước từ mọi sự đề bạt, bố vợ anh vẫn “ấn” vào tay anh những vị trí mà anh phải đảm đương. Kết quả là vừa mới vào công ty chưa được bao lâu, anh nhanh chóng giữ vị trí quản lí trong khi chưa làm được gì nhiều. Mọi người trong công ty tỏ thái độ coi khinh anh ra mặt.
Nhiều lần anh Hiển thẳng thắn nói với bố mong để anh được phấn đấu bình thường như bao người khác nhưng bố vợ anh gặt phắt đi: “Con rể tôi không thể giữ vị trí bình thường được, đó là sự dơ xấu với dòng họ nhà tôi. Mà tôi không thấy ai lạ như anh, nghiễm nhiên được thăng tiến lại còn kêu ca, phàn nàn”. Khổ một nỗi dù anh bị bắt ép phải thăng tiến nhưng mỗi khi họ hàng bên ngoại, bên nội gặp gỡ, ông lại luôn lấy cái chiến tích nâng đỡ con rể của mình ra mà kể lể để mọi người thấy được cái công của ông lớn thế nào.
Còn chuyện vợ chồng, anh lúc nào cũng như bị gắn cái camera đằng sau vì vợ quản lí anh từ câu nói, ánh mắt… Anh bực mình yêu cầu vợ: “Anh tự biết mình phải làm gì, em đừng có lúc nào cũng giám sát anh như thế. Anh cũng phải có một chút tự do của riêng mình chứ”. Chị Mai trơ trẽn nói lại: “Tôn trọng anh khác nào đẩy anh cho người khác. Chính tôi cũng trải qua rồi làm sao tôi không hiểu. Anh mà tự biết phải làm gì thì ngày trước biết tôi là vợ sắp cưới của bạn anh mà anh đã không lên giường với tôi. Giờ tôi phải cảnh giác cao độ”.
Cuộc sống của anh Hiển không khác nào địa ngục. Trong công việc, anh quá mệt mỏi vì phải gồng mình lên làm những việc mà anh tự thấy chưa đủ tầm để đảm đương. Với đồng nghiệp thì người ta coi khinh ra mặt. Với họ hàng bên vợ anh lúc nào cũng phải ở trong tư thế “phải biết ơn công lao trời bể của gia đình vợ”. Còn chuyện vợ chồng anh luôn bị coi như người đàn ông “xểnh” ra là hư hỏng. Nhiều lúc anh muốn tìm một người bạn để dốc bầu tâm sự cho vơi đi mọi ấm ức những cũng không thể. Tất cả những người bạn thủa trước của anh đều “cạch mặt” anh vì cái tội anh đã từng “cướp vợ bạn”. Anh như một người bị cô lập hoàn toàn.
Chịu trách nhiệm bị cho là “tội danh chiếm đoạt vợ”
Câu chuyện mà anh Triển kể lại có nhiều cảm xúc đan xen. Khi kể về quá khứ, anh tự hào anh và vợ đã có quãng thời gian yêu nhau sâu đậm như thế nào. Đỉnh cao của tình cảm đó là hành động “vượt quá giới hạn” của cả hai. Nhưng ngay khi biết chị Vy có bầu, anh Triển cùng bố mẹ đã sang thưa chuyện để hai người có thể nên duyên vợ chồng. Hành động thể hiện việc “có trách nhiệm với việc mình làm và tình cảm chân thành” của anh Triển những tưởng phải được sự đồng cảm của gia đình bên vợ nhưng sự thật lại hoàn toàn khác.
Vì muốn giữ chút danh dự cho con gái của mình, bố mẹ vợ của anh luôn thường trực lời than thở trên môi khi ai đó khen anh Triển là một người con rể tốt, hiếu thảo: “Nói thật cho mọi người thông cảm, thằng Triển nó mê con bé Vy quá nên bày ra cái trò ‘ván đã đóng thuyền’ để lấy được con bé đấy chứ. Vậy nên giờ về làm rể nó phải đối xử tốt với gia đình tôi là đúng thôi”. Mỗi buổi tụ họp họ hàng bên vợ, anh Triển còn chưa kịp nói gì, mấy ông chú, bà bác đã vỗ vai: “Cháu đúng là cao thủ nhỉ, cũng may mà dùng cái ‘võ’ đấy thế mà cưới được vợ như ý đấy. Nếu không giờ chẳng biết có làm rể nhà này không? Thôi giờ được như ý rồi thì liệu đường mà ăn ở với bố mẹ vợ cháu ạ”.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, khi đã thành vợ thành chồng rồi, nghe lời “dạy dỗ” của bố mẹ, chị Vy cũng “giữ cho mình một tâm thế” nên mỗi khi ai đó hỏi về chồng là chị lại làm cao: “Ngày đó anh Triển ‘dụ dỗ’ mình chứ nếu không chưa chắc mình đã lấy đến anh ấy”. Nghe vợ và gia đình nhà vợ nói những lời như thế, anh Triển cảm thấy ức chế vô cùng: “Vẫn biết chuyện ‘vượt rào’ không phải là điều hay ho gì nhưng mình dám làm, dám chịu. Vả lại đó là việc cả hai cùng tự nguyện đến với nhau. Ai không hiểu đã đành, vợ mình phải là người hiểu hơn ai hết chuyện đó. Hơn nữa vợ chồng sống với nhau, con cái với bố mẹ cốt là ở cái tình cảm chứ đâu cần phải vì giữ ‘thể diện’ mà cần phải làm bẽ mặt mình như vậy. Làm như thế, tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ, con cái đâu còn nữa”.
Không biết rồi đây, anh Hiển và anh Triển sẽ làm gì để khắc phục tình huống oái oăm trong cuộc sống của mình. Nhưng chắc hẳn cả hai anh sẽ đều tự trách những “dại dột”, những sai lầm của mình trước đó để dẫn tới bi kịch ngày hôm nay. Vẫn biết vợ chồng là cái duyên, cái số nhưng đôi khi cái “duyên tiền định” đó lại mang tới những “tội” thật đáng thương. Giờ đây, có lẽ một sự bày tỏ chân thành và thẳng thắn là giải pháp tốt nhất để những người như anh Hiển, anh Triển cứu vãn cuộc hôn nhân của mình.