Chồng… “đàn bà”
Mỗi lần nhắc tới anh Triển – chồng chị Hà, cả khu phố quanh đó đều lắc đầu ngán ngẩm: “Rõ là ngược đời, vợ hiền lành ít nói mà chồng thì ngoa ngoắt hơn đàn bà”.
Hai từ “Đàn bà” không phải dùng để chỉ điều không tốt nhưng có đôi lúc người ta sử dụng nó để ám chỉ cái bản tính “nói nhiều, nói dai, nói lắm” của phụ nữ. Việc đó cũng thật bình thường bởi đó là bản tính của nhiều chị em. Nhưng khi đàn ông cũng có cái “bản tính” này thì thật đáng buồn biết bao.
Ngoa ngoắt
Mỗi lần nhắc tới anh Triển – chồng chị Hà, cả khu phố quanh đó đều lắc đầu ngán ngẩm: “Rõ là ngược đời, vợ hiền lành ít nói mà chồng thì ngoa ngoắt hơn đàn bà”. Không phải người dân quanh đó ác mồm hay xấu tính mà chính bản thân chị Hà cũng nhiều phen xấu hổ trước sự “đánh đá” của chồng.
Nhìn cái dáng vẻ cao to, vạm vỡ khá đàn ông của anh Triển không mấy ai nghĩ rằng anh lại có thể chu lên vì những việc cỏn con kể cả đó là khi trước đông đảo bàn dân thiên hạ. Từ việc đứng chờ đổ xăng hay rút tiền ở cây ATM có ai đố cố tình len lên trước, đến việc tổ dân phố giục thu tiền sớm quá anh đều lớn tiếng… giành lại sự công bằng.
Chị Hà nhớ, lần hai vợ chồng tan làm về tới cổng. Vẫn còn đèo vợ phía sau, nhưng thoáng thấy bà hàng xóm quét cổng “vô ý” hất rác sang nhà mình. Nhanh như sóc anh tắt máy chạy vội lại, nắm chặt tay bà ta mà hăm dọa: “Hôm nay thì bắt tận tay day tận trán nhé. Bà toàn quét rác hất sang cổng nhà tôi, bà thích gì nào?”. Bà hàng xóm cũng chẳng phải vừa, bà ta vênh mặt lên cãi trả. Thế là anh Triển chẳng nề hà, mặc cho lưng vẫn còn đeo chiếc cặp đi làm, anh xắn tay áo lên đứng… chửi nhau tay đôi với bà hàng xóm. Thiên hạ chỉ đợi có thể là đổ xô ra nghe ngóng. Không cần biết ai đúng, ai sai, riêng việc anh Triển là đàn ông, là trí thức hẳn hoi mà tay chống nạnh “đấu khẩu” với một mụ đàn bà thì không gì có thể khen ngợi được.
Nịnh bợ
Một trường hợp khá điển hình cho những ông chồng có cái miệng hơn cả đàn bà đó là thói quen nịnh bợ. Nhắc đến hai từ “nịnh bợ” đó không khỏi làm chị Ngọc (Hoàng Mai) cảm thấy sượng sùng, xấu hổ vì đó là tính cách nổi trội của anh Lâm – chồng chị.
Cho tới tận hôm được cùng anh Lâm tới nhà sếp của anh ăn cơm, chị Ngọc mới hiểu vì sao anh lại nhanh chóng thăng tiến trong công việc đến vậy. Chị biết rõ trình độ và năng lực của anh chỉ có hạn. “Tài năng” của anh lại chính từ cái miệng mà ra. Suốt bữa ăn anh hết “ngợi ca” sếp tài năng, đẹp trai, phong độ lại chuyển sang khen vợ sếp nấu ăn tuyệt không gì bằng: “Em vẫn bảo với vợ em là chị nấu ăn ngon tuyệt, hôm nay em phải dẫn cô ấy đi cùng để được thưởng thức những món chị nấu cho cô ấy tâm phục khẩu phục đấy chị ạ”. Trước những lời ca tụng của chồng, chị Ngọc chỉ còn biết cố…mỉm cười tỏ vẻ đồng tình dù trong miệng chị, miếng sườn xào mặn chát.
Chồng siêu... kể lể
Không dùng cái miệng để “đấu đá” với người ngoài như hai ông chồng ở trên, anh Đức chồng chị Hòa lại mắc bệnh nói nhiều và kể lể. Vợ chồng sống cùng nhau, không tránh được những lúc xô xát, va chạm điều đó cũng rất bình thường. Nhưng mỗi khi giận dỗi anh Đức bắt đầu kể về đủ thứ “thành tích”, “công lao” của mình: “Em xem đi, trên đời này có ai sướng bằng em không? Trong nhà, việc gì có thể làm được là anh làm cho em khỏi vất vả. Chưa hết nhé, chuyện bố em ốm đi bệnh viện anh cũng ra thăm, cho tiền. Thằng em em học đại học thỉnh thoảng gặp anh cũng cho tiền nó luôn…”.
Cái điệp khúc kể công của anh Đức còn dài nữa khiến chị Hòa không còn muốn nghe. Những tưởng chỉ lúc có hai vợ chồng đã đành nhưng khi có bạn bè, anh em họ hàng thậm chí là bố mẹ vợ sang chơi, chỉ câu trước câu sau anh lại lái về cái chủ đề: “Con ngẫm trên đời này không ai sướng bằng vợ con bố mẹ ạ. Làm gì có ai lấy được người chồng chu toàn làm đủ mọi việc cho vợ và gia đình nhà vợ như con. Này nhé…”. Sau câu “này nhé…” của anh là hàng loạt những minh chứng cụ thể mà dù nó đã diễn ra từ rất lâu rồi anh vẫn nhớ không sai một chi tiết.
Chị Hòa tâm sự: “Mình may mắn khi lấy được người chồng chu đáo, cái gì cũng xông xáo làm cho vợ cho con. Nhưng khổ một nỗi, mỗi lần có gì không vừa ý là anh ấy bắt đầu kể lể tràng giang đại hải những việc mà anh ấy đã làm, rồi nói mình vô ơn không biết điều. Nhiều lúc mình đinh tai nhức óc vì cái tật kể lể của chồng, bao nhiêu sự cảm kích trước đó tan biến thành sự bực dọc hết cả. Không những vậy, người thân bên gia đình mình từng nhận sự giúp đỡ của anh ấy lâu dần cũng xa lánh vì sợ phải nghe đi nghe lại cái công lao mà anh ấy đã làm cho”.
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý thì đôi khi trong cuộc sống, người đàn ông cũng mắc phải những tật xấu mà tưởng chừng chỉ chị em phụ nữ mới có. Và tất nhiên, những ông chồng như vậy không chỉ làm mất thiện cảm trong mắt những người xung quanh mà còn làm giảm bớt tình yêu đối với người vợ. Nếu không kịp thời nhận ra “khuyết điểm” của mình để hạn chế và khắc phục, cánh mày râu sẽ tự mình làm mất đi sức mạnh nam tính và bản lĩnh đàn ông của mình trong mắt người bạn đời.