Tôi không cần được khóc trên vai chồng nữa
Từ lúc bị trận đòn đó cho đến bây giờ, hơn 2 tháng sống ly thân, tôi không hề nhỏ một giọt nước mắt đau buồn, hối tiếc hay ân hận. Tôi cũng không thể lý giải được vì sao và tôi không cần được khóc trên vai chồng nữa?
Tôi, là một cô gái bi lụy và ủy mị, đa sầu đa cảm. Bất cứ ai quen biết tôi đủ thân đều đã từng nhìn thấy tôi khóc. Tôi khóc vì buồn, vì giận dỗi, vì stress, đôi khi vì cả... vui quá.
Tôi luôn tự hỏi không hiểu vì sao tôi có lắm nước mắt đến vậy, luôn sẵn sàng rơi bất cứ khi nào có cảm xúc. Tôi đã dằn lòng mình không biết bao nhiêu lần rằng: "Tôi ơi, mạnh mẽ lên!" hay có những lần cắn môi đến bật máu mà cũng không thể kìm những giọt nước mắt rơi xuống. Bạn bè tôi từng đùa: Chỉ cần đếm từ 1 đến 3 là tôi có thể rơi nước mắt. Tôi nghĩ là tôi làm được điều đó đấy.
Vì quá ủy mị nên tôi luôn mong muốn một vòng tay đủ rộng để bao bọc. Luôn mơ mộng có một hoàng tử bạch mã che chở tôi với tất cả tình yêu và sự bao dung của một người đàn ông... trong phim Hàn Quốc. Tôi đòi hỏi sự chiều chuộng không giới hạn, đòi hỏi "yêu là không cần đáp trả", đòi hỏi "không cần lắng nghe mà luôn luôn thấu hiểu". Tôi nũng nịu, tôi hờn dỗi và tôi khóc ngay khi có gì không vừa ý.
Với những giận dỗi, hờn mát vô cớ của tôi, anh im lặng ôm tôi vào lòng. Nhưng anh sẵn sàng bỏ lại tôi với đống giấy ăn của mình nếu tôi đuổi anh đi (Ảnh minh họa)
Với dáng vẻ yếu đuối bên ngoài, tôi luôn nhận dành được sự ưu ái, quan tâm của các bạn khác giới, ngay từ khi còn học phổ thông. Họ muốn che chở, chăm sóc cho tôi. Rất nhiều người đến với tôi, yêu thương, chiều chuộng nhưng rồi họ đều ra đi sau một thời gian ngắn hẹn hò. Họ ra đi không phải vì họ hết yêu thương, mà vì không chịu nổi những giận hờn vô cớ, những nũng nịu không đúng chỗ và đặc biệt là những giọt nước mắt không bao giờ ngừng rơi của tôi.
Và rồi, anh đến. Anh chiều chuộng, anh bao dung, nhưng anh không quýnh quáng mỗi lần tôi rơi nước mắt. Với những giận dỗi, hờn mát vô cớ của tôi, anh im lặng ôm tôi vào lòng. Nhưng anh sẵn sàng bỏ lại tôi với đống giấy ăn của mình nếu tôi đuổi anh đi.
Sau đó chỉ 1-2 ngày, anh lại quay lại như chưa từng có khúc mắc gì trước đó. Anh phân tích, anh an ủi, dỗ dành cho tôi nguôi đi và chúng tôi lại vui vẻ như chưa từng có những giận hờn hôm trước. Cứ thế chúng tôi yêu nhau. Tôi vẫn được giận dỗi, tôi vẫn được khóc.
Nhưng quá giới hạn của anh là tôi... cứ việc ngồi một mình gặm nhấm. Lâu dần tôi quen với việc khóc một mình chứ không khóc trước người yêu. Vì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Anh sẽ quay đi, sau đó quay lại. Cứ thế cứ thế... Có đôi lúc, không chấp nhận được việc này, tôi đòi chia tay. Nhưng anh không bao giờ đồng ý. Cứ đi, rồi lại quay lại. Cứ cãi nhau, rồi lại hòa bình, như không có gì. Cứ khóc, rồi sẽ nín.
Chúng tôi yêu nhau như thế hơn 2 năm. Qua những mảng màu hồng của tình yêu, tôi phát hiện ra có quá nhiều mâu thuẫn trong lối sống và văn hóa của cả hai. Qua những chiều chuộng, vỗ về ban đầu, dường như anh không có điểm chung với tôi.
Anh, nói thế nào nhỉ, có quá nhiều thói hư tật xấu mà qua cái giai đoạn đong đưa rồi nên không cần giả vờ hay giấu diếm nữa. Với anh, bạn bè luôn đứng trước người yêu. Người yêu gọi thì có thể cân nhắc nhưng bạn gọi thì không bao giờ phải lăn tăn quá 1 giây. Nhưng anh luôn ở đó, khi cơn giận của tôi đi qua, anh luôn ở đó, khi tôi không khóc. Và dĩ nhiên, dù có bất kỳ lý do gì, anh không bao giờ chấp nhận chia tay.
Tôi không biết mình có hạnh phúc hay không. Tôi chỉ biết rằng, tôi vẫn ủy mị và hay khóc nhưng tôi không bị lên án hay chán ghét vì khóc quá nhiều. Vì lúc đó, anh thường để tôi một mình. Anh nói rằng đó là cách tốt nhất để tôi tự cân bằng lại mình.
Yêu nhau đủ lâu để chúng tôi quyết định đám cưới. Tôi mơ hồ nghĩ rằng, giờ đây, khi về chung một nhà, chắc chắn anh sẽ không có cơ hội để tôi lại một mình khi tôi khóc. Khi có mẫu thuẫn, chúng tôi sẽ không xí xóa hay cố tình quên đi mà cùng nhau giải quyết vì chúng tôi sẽ phải gặp nhau hàng ngày mà.
Và thật sai lầm khi tôi vẫn giận hờn, vẫn đa cảm và dễ rơi nước mắt vì nghĩ anh không thể bỏ tôi lại. Về chung một nhà nhưng anh sẵn sàng đi đến sáng nếu buổi tối tôi giận dỗi gì đó mà khóc lóc với anh. Anh sẵn sàng quên ngay những gì vừa "thỏa thuận" với vợ về cách giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống gia đình.
Với anh, những suy nghĩ, bận tâm chả có gì là to tát, chả có gì đáng phải gay gắt cả. Em cứ là em, là dâu hiền vợ thảo. Anh sẽ là anh, người đàn ông "trụ cột gia đình theo nếp của thế kỷ trước". Chồng tôi là hiện thân tiêu biểu của các đức tính cố hữu của đàn ông: Gia trưởng, ích kỷ, không có nhu cầu quan tâm đến người khác.
Càng ngày, tôi thấy khoảng cách giữa 2 vợ chồng ngày càng xa. Anh bù khú với bạn bè sau giờ làm, anh giải trí với bạn bè vào cuối tuần. Vợ anh - là tôi, cứ việc giận dỗi, ủ rũ ở nhà. Khóc lóc mãi rồi cũng phải nín, giận dỗi thì cũng không thể... bỏ đi khỏi nhà của anh được.
Rồi tôi sinh con, anh vẫn như một đứa trẻ chưa kịp lớn. Không biết bế con, không biết cho con ăn, thậm chí, anh không thể ngồi trông đứa bé quá 20 phút. Tôi nghỉ hẳn đi làm để ở nhà chăm con - Một quyết định được anh ủng hộ nhiệt tình.
Và từ khi đó, tôi dường như không biết đến thế giới bên ngoài trong khi anh, vẫn phơi phới như trai chưa vợ. Không một cuộc hẹn hò nhậu nhẹt nào anh vắng mặt. Vợ sắp đến ngày đẻ, anh đi du lịch với cơ quan "để giải tỏa stress". Con anh chưa đầy tháng, anh vẫn để mẹ con tôi ở nhà ôm nhau, anh đi đám cưới bạn cách xa gần 400km.
Tôi vẫn như một con nhóc ngây thơ, đòi hỏi chồng chăm sóc, yêu thương, cưng nựng. Tôi như con cá mắc câu, nằm trong rọ chờ đợi đến giờ hành quyết. Tôi nhận ra, việc anh để tôi một mình lúc tôi khóc khi chúng tôi còn yêu nhau, lý do không phải ở tôi, mà là ở anh: Bản thân anh không có nhu cầu yêu thương người khác.
Cho đến một ngày, khi sự chịu đựng của tôi đã đến giới hạn. Con ốm, anh bỏ mặc vợ con để đi nhậu tới khuya. Khi anh đẩy cửa bước vào cũng là lúc cơn điên của tôi bùng lên. Thay vì khóc lóc mong thương hại như mọi lần, tôi la hét, đập phá, chửi bới.
Và, cái gì đến cũng phải đến. Sẵn hơi men và chắc cũng sẵn nỗi bực dọc vì bà vợ quá ủy mị, lắm lời, anh giáng xuống đầu một trận đòn khủng khiếp. Đánh, đấm, tát, dẫm đạp, tôi như con chó cắn càn bị trừng phạt. Đến khi mẹ anh chạy sang la hét, anh dường như tỉnh ra, nhìn thấy "sản phẩm" dưới bàn tay của mình. Anh chết đứng!
Và tôi, cũng chết hoàn toàn cảm xúc của mình từ lúc đó. Tôi bình thản bế con cho con ngủ, để anh lau máu và bôi thuốc vào những vết thương do anh gây ra. Cả đêm tôi không ngủ, nhưng đầu óc hoàn toàn trống rỗng, tôi không thể nghĩ được gì cả. Sáng dậy, cho con ăn và xếp túi đồ nhỏ, tôi rời khỏi căn nhà đó, trở về với bố mẹ của tôi. Với tôi, những gì anh "dành" cho tôi đã là quá đủ.
Anh đã sang xin lỗi, sang cầu xin tôi tha thứ. Bình thản đối diện, tôi từ chối hàn gắn. Không chỉ vì trận đòn mà tôi quyết định chia tay vì tôi biết, anh không thể thay đổi.
Anh không phải yêu bản thân mình nhất, mà anh yêu bạn bè, yêu bù khú nhất. Anh chơi bời, nhậu nhẹt quên xác, anh không biết bố mẹ anh ốm đau ra sao, vợ con anh cần anh như thế nào. Với một người như thế, liệu có phải lựa chọn tốt cho cuộc sống gia đình?
Một lý do chính mà tôi quyết định dứt khỏi anh. Vì tôi đã không rơi nước mắt mỗi khi nhìn thấy chồng. Trước đây, tôi khóc vì tôi cần anh, tôi mong được anh ôm ấp, chở che. Bây giờ, khi anh đã làm tôi quá đau, cả về thể xác lẫn tinh thần mà tôi lại không hề khóc.
Từ lúc bị trận đòn đó cho đến bây giờ, hơn 2 tháng sống ly thân, tôi không hề nhỏ một giọt nước mắt đau buồn, hối tiếc hay ân hận (Ảnh minh họa)
Từ lúc bị trận đòn đó cho đến bây giờ, hơn 2 tháng sống ly thân, tôi không hề nhỏ một giọt nước mắt đau buồn, hối tiếc hay ân hận. Tôi cũng không thể lý giải được vì sao. Nhưng có khi nào tất cả đã quá giới hạn của tôi và tôi không cần được khóc trên vai chồng nữa?
Hiện tại, tôi và con không ở cùng anh. Rảnh thì anh ghé qua thăm, mua cho con gói bánh. Không rảnh thì cả tuần anh không ghé. Nhưng nhắc đến chuyện ra tòa thì anh gạt đi, anh không đồng ý con anh thiếu bố thiếu mẹ, nói thánh tướng như anh biết yêu thương lắm đó.
Trong thời gian này, con tôi phải đi viện cấp cứu vì khó thở trong đêm. Anh biết nhưng không đến và vẫn ngủ ngon đến sáng mới vào “thăm”. Một tuần con nằm viện thì bố vào thăm được 5 lần. Vẫn biết một gia đình thiếu hụt bố hoặc mẹ sẽ không phải là môi trường hoàn hảo cho sự phát triển của con cái. Song nếu sống trong căn nhà đủ bố đủ mẹ nhưng không có tình thương thì có tốt hay không?
Tôi quyết định dừng lại cuộc hôn nhân này, dừng lại những sai lầm tôi đã liên tiếp mắc phải!