Tôi bị bố chồng tát đau điếng vì không để ông xúc cơm cho cháu
Xót con, tôi vội vã bế cháu lên vỗ về và nói: “Cháu đã ăn được cơm đâu”. Lời vừa dứt bố chồng tôi đã thẳng tay tát vào má tôi đau điếng.
Tôi năm nay gần 32 tuổi, chồng tôi 36 tuổi. Lấy chồng muộn nên bây giờ 2 chúng tôi mới có một đứa con trai gần một tuổi. Khi con được 4 tháng, vợ chồng tôi về ở với bố mẹ chồng để ông bà phụ đỡ trông cháu. Đây là ý của chồng tôi.
Căn nhà hai vợ chồng đang ở thì chồng tôi cho thuê, mỗi tháng cũng được 5,6 triệu. Số tiền này tôi gửi hết cho mẹ chồng để bà mua thức ăn hàng ngày. Sau khi hết 6 tháng nghỉ thai sản, tôi quay trở lại làm việc. Vì trong 2 tháng ở cùng bố mẹ chồng, tôi nhận thấy mẹ chồng tôi là người sạch sẽ, cũng khéo chăm cháu nên vô cùng yên tâm đi làm. Bố chồng tôi tuy không phải là người siêng năng nhưng cũng rất thích bế cháu đi chơi.
Mấy tháng đầu, tôi và gia đình nhà chồng vô cùng êm đẹp, không xảy ra xích mích hay điều gì mất lòng. Nhưng đến khi tôi đi làm được 1 tháng thì mọi việc bắt đầu trở nên khó chịu.
Mẹ chồng tôi kêu ca số tiền tôi đưa bà không đủ tiêu dùng hàng tháng. Thực ra, chi tiêu trong nhà tôi cũng nắm sơ qua được, nhưng mẹ chồng đã nói vậy thì mỗi tháng tôi gửi bà thêm 2 triệu. Tôi nghĩ, có lẽ bà thấy tôi đã đi làm lại nên cũng yêu cầu tăng thêm chút tiền sinh hoạt.
Chuyện tiền nong này tôi không giữ trong lòng lắm. Nhưng chuyện con cái thì tôi luôn để ý và lo lắng. Nhiều lần đi làm về, tôi nhìn thấy bố chồng tôi ôm cháu ngồi chơi cờ với bạn ở trước sân chung của tòa chung cư. Điều này sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như những người ở đấy không hút thuốc lá nhiều như vậy. Có lần tôi còn nhìn thấy một ông bác mặt mũi đỏ bừng vì say rượu, đang vừa ôm vừa khề khà hôn hít con trai tôi. Ông nội cháu thì cười vui vẻ vì có người bế giúp cháu để được rảnh tay đánh cờ.
Tối hôm đó, tôi rất bực mình. Sau bữa cơm, tôi nói bóng gió với bố chồng rằng trẻ con mà ngửi mùi thuốc lá còn nguy hiểm hơn cả người trực tiếp hút thuốc. Với cả bây giờ nhiều bệnh tật lây qua tuyến nước bọt, trẻ nhỏ chưa hoàn thiện hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh lắm.
Tôi nói hoàn toàn lễ phép, không một câu cao giọng, nhưng đột nhiên bố chồng tôi đặt cộp chén trà xuống bàn thủy tinh rồi quát tôi: “Từ mai chị đi mà giữ con chị nhé, không phải nói móc mỉa xỉa xói gì tôi. Người ta có quý con cháu mình thì người ta mới bế mới yêu”.
Bố chồng tôi còn nói vài câu nữa, nhưng mẹ chồng tôi lập tức dập tắt. Bà bảo bố chồng tôi cũng nên tránh xa chỗ bàn cờ ra, ở đó toàn dân đốt thuốc, hại phổi cháu… Chồng tôi cũng nói xen vào vài câu bênh tôi. Có lẽ vì thế mà bố chồng tôi càng ghét tôi hơn.
Ở trong nhà, cứ khi nào có bố chồng là tôi luôn phải khép nép. Vì chỉ cần tôi nói câu nào là ông lập tức hằn học câu đó. Chẳng hạn khi tôi nói “Mẹ trông cháu giúp con chút để con làm nốt sổ sách tháng này”. Mẹ chồng tôi vừa đưa tay đón cháu thì bố chồng tôi đã nói: “8 tiếng ở cơ quan chị làm gì mà không làm? Có tí buổi tối còn bắt mẹ chồng chị trông con cho?”.
Khi tôi nhờ mẹ chồng cho nhỏ tiếng ti vi để cháu ngủ, thế là bố chồng tôi sửng cồ lên: “Nó là cháu hay chúng tôi là cháu mà phải chiều theo thế hả? Trẻ con thì ngủ say như chết, biết cái gì đâu mà giật mình”. Sau đó, ông cố ý cho to tiếng thêm. Mẹ chồng tôi nhắc thì ông bảo: “Tôi già rồi, tai bị lãng”.
Nhiều lần tôi kể với chồng, bàn với anh trở lại nhà cũ ở, thuê giúp việc trông con, chứ sống ngột ngạt thế này thì khó chịu quá. Chồng tôi liên tục an ủi, vỗ về bảo tôi ở thêm thời gian nữa, con lớn hơn chút thì cho đi nhà trẻ. Anh sợ giúp việc lại giống mấy bà bảo mẫu trên báo thì còn khổ hơn.
Tôi cố gắng ít xuất hiện trước mắt bố chồng hơn. Tối về nhà là ôm con nằm trong phòng ngủ. Song, thỉnh thoảng tôi vẫn bị bố chồng quát mắng vì những việc rất nhỏ nhặt.
Tuần trước, nhà có giỗ. Tôi xin nghỉ phép, ở nhà sửa soạn cùng mẹ chồng làm 2 mâm cơm mời cô bác trong họ. Đến bữa, bố chồng tôi đòi cho cháu ngồi cạnh mình. Ông tỏ ra rất quý cháu, ân cần vồn vã lấy bát cơm xúc cho cháu ăn, trong khi con tôi mới có 4 cái răng và vẫn đang ăn bột. Vừa thấy ông đưa thìa cơm vào mồm con, tôi vội nói “Bố ơi, cháu chưa ăn được cơm đâu ạ”. Bố chồng tôi phớt lờ, vẫn xúc cơm cho cháu.
Không ăn được nên thằng bé nhè ra bẩn hết áo. Bố chồng tôi mắng yêu nó một câu rồi lại xúc tiếp. Lúc này, cô ruột của chồng tôi bảo “Nó bé xíu đâu đã ăn được cơm hả anh”. Bố chồng tôi vừa cười vừa nói “Ngày xưa làm gì có bột, đứa nào chả ăn cơm từ khi mới 6 tháng”. Rồi ông lại đưa thìa cơm chan canh vào cháu. Lần này thằng bé bị sặc, ọe phun cả cơm ra đằng mũi. Nó vừa sợ vừa đau, gào khóc lên.
Xót con, tôi vội vã bế cháu lên vỗ về và nói: “Cháu đã ăn được cơm đâu bố ơi...”. Lời vừa dứt bố chồng tôi đã thẳng tay tát vào má tôi đau điếng. Mặt ông đỏ bừng nói tôi chiều nó làm nó hư, gần 1 tuổi mà cơm không biết ăn, tè chưa biết bảo. Rồi ông ném thẳng bát cơm ra sàn nhà làm cơm văng tung tóe. Cô bác trong họ phải can ngăn bảo bố chồng tôi bớt giận, ông mới hậm hực ngồi xuống.
Tôi ôm con ngồi trong phòng tủi thân rơi nước mắt. Mẹ chồng tôi vào an ủi tôi vài câu rồi bảo tôi ra ăn cơm kẻo cô bác cười cho. Tôi lau nước mắt đi ra, nhưng cả bữa tôi không hề động đũa chút nào. Tôi cảm thấy rất khó sống tiếp trong căn nhà này cùng bố chồng, nhưng chuyển ra ngoài thì tôi cũng chưa tìm ngay được giúp việc.
Tôi buồn và chán nản quá mà không biết tâm sự cùng ai. Nói với mẹ đẻ chỉ làm mẹ tôi thêm nặng nề, bực bội trách móc thông gia. Nói với chồng thì anh cũng bênh bố chồng chằm chặp. Tôi biết làm gì bây giờ hả mọi người?