Tò mò khám phá loài sinh vật cắt đầu vẫn có thể tái sinh
Hải quỳ gần như là sinh vật bất tử, chúng có thể mọc lại bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.
Hải quỳ là sinh vật xuất hiện rất nhiều tại các bờ biển. Các nhà khoa học đã từng phát hiện hải quỳ có chung tổ tiên với loài người và đặc tính “bất tử” của loài sinh vật biển này có thể áp dụng lên con người?
Giấc mơ bất tử của con người đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, càng sống lâu trên thế giới, cơ thể con người sẽ dần biến đổi. Khả năng nghe, di chuyển, cơ bắp, tinh thần sẽ yếu hơn. Các tế bào chết dần và cơ thể cũng chết.
Các sinh vật trên thế giới đều có vòng đời như vậy. Nhưng riêng hải quỳ thì không. Hải quỳ từng được coi là thực vật. Nhưng thực tế, đây là loại động vật thân mềm thường bám trên đá, san hô ở vùng nước nông. Hải quỳ có khả năng tiêm nọc độc vào cá hoặc tôm, khiến chúng tê liệt rồi nuốt chửng. Miệng của hải quỳ cũng có chức năng như hậu môn. Hiện thế giới có khoảng 1000 loại hải quỳ, có kích thước từ vài centimet đến hơn 1 mét.
Hải quỳ biển – một loài sinh vật gần như bất tử với khả năng tái tạo mạnh mẽ.
Thông thường, vòng đời của hải quỳ khá ngắn. Tuy nhiên, trong điều kiện đặc biệt, chúng bất tử. Tiến sĩ Dan Roskhsar, chuyên ngành di truyền, Đại học Berkeley, California, cho biết: “Hải quỳ có thể sống rất lâu, có tài liệu khẳng định chúng có thể sống 100 năm. Chúng lớn lên nhưng không bị lão hóa.”
Nếu bạn cắt xúc tu của hải quỳ, nó sẽ mọc cái mới. Kể cả khi cắt đầu chúng vẫn có thể tái sinh. Hải qùy chỉ chết khi chúng bị nhiễm độc hoặc bị các loài khác ăn thịt. Hải quỳ biển có một khối u và nó không bao giờ phát triển thành ung thư.
“Nếu tôi thấy một con hải quỳ hôm nay và so sánh nó với tuần trước đó, sẽ chẳng có gì khác biệt. Tuy nhiên, sự thực là rất nhiều tế bào trong cơ thể nó đã được thay thế.” – Tiến sĩ Rokhsar nói. Ông cũng tin rằng việc nghiên cứu hải quỳ có thể phát hiện ra một bộ gen để tránh lão hóa.
Hải quỳ có nguồn gốc sâu xa với con người.
Thực tế, hải quỳ có quan hệ với con người.
“Hải quỳ biển là một trong những sinh vật đơn giản nhất có hệ thần kinh. Mặc dù không có cấu tạo phức tạp như con người nhưng hệ thần kinh của hài quỳ vẫn có mạng lưới nơ ron cho phép chúng phản ứng lại kích thích bên ngoài.” – Tiến sĩ Rokhsar nói.
Xúc tu của chúng có thể làm con mồi bất động, miệng có thể đóng mở theo ý muốn, có ruột để tiêu hóa thức ăn – có thể nói chúng có nguồn gốc tổ tiên với loài người.
Các nhà khoa học tin rằng, hải quỳ có thể là chìa khóa hướng đến sự bất tử của con người trong tương lai.
“Hải quỳ đã cung cấp nhiều thông tin cho chúng tôi. Chúng tôi thấy nhiều điểm tương đồng của con người với hải quỳ, nhiều hơn cả khi so sánh với ruồi giấm.” – Tiến sĩ Rokhsar cũng cho rằng, liên kết này có thể tồn tại từ 700 triệu năm trước.
(Nguồn: BBC)