6 sinh vật được coi là “hóa thạch sống” của Trái đất
Cá nhám phơi nắng, thú mỏ vịt, ếch tía... là những sinh vật xuất hiện trên Trái đất hàng trăm năm qua nhưng vẫn tồn tại tới ngày nay.
Con người hiện đại mới chỉ xuất hiện từ khoảng 200.000 năm nay, nhưng những dạng sống đầu tiên trên Trái đất của chúng ta thì đã hình thành từ hàng trăm triệu năm trước với rất nhiều biến đổi.
Sau những giai đoạn vận động nhất định của địa cầu, các loài sinh vật không thích nghi được với môi trường sẽ bị diệt vong để nhường chỗ cho các sinh vật cao cấp hơn.
Tuy nhiên có những sinh vật cổ đại vẫn tồn tại cho đến tận ngay hôm nay và trở thành những “hóa thạch sống” - giúp các nhà khoa học viết lại lịch sử địa cầu.
1. Ốc anh vũ
Những chú ốc anh vũ (Nautilus) dường như đã từ chối việc "tiến hóa" trong suốt 500 triệu năm qua khi cơ thể, bộ gene của chúng vẫn y nguyên như xưa.
Vỏ ốc anh vũ có hơn 30 buồng khí, cơ thể ốc chỉ chiếm một gian ngoài cùng, các gian còn lại đều bỏ trống. Giữa các buồng có ống thông dùng để điều tiết sự phân bố khí, giúp cho ốc nổi hoặc chìm.
Nhà văn Jules Verne lấy tên ốc anh vũ (Nautilus) đặt tên cho chiếc tàu ngầm trong tiểu thuyết của mình.
Bởi chiếc vỏ cứng rất đẹp với vằn lượn sóng và lớp xà cừ trắng bạc bên trong, loài ốc này hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt.
2. Sam biển
Được tìm thấy trong khu vực ven biển thuộc Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam nhưng ít ai ngờ, những chú sam biển này đã tồn tại trên Trái đất từ khoảng 450 triệu năm.
Cơ thể sam có cấu trúc đặc biệt với miệng nằm ở giữa các chân và một con mắt to trên lưng. Sam thường đi "có đôi có cặp" và con đực nằm trên lưng con cái.
Chính bởi nhận biết được máu của sam biển chứa nhiều hoạt dược có tác dụng kháng khuẩn tốt nên chúng đang bị khai thác để chế biến thực phẩm.
Cùng với đó, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra một chi khác của sam là so biển lại chứa tetrodotoxins - chất độc thần kinh cực mạnh gây tử vong cao mà đến nay vẫn chưa tìm ra thuốc giải đặc hiệu.
3. Cá nhám phơi nắng
Sở dĩ loài vật này được gọi là cá nhám phơi nắng vì chúng thường được phát hiện khi kiếm ăn ở gần mặt nước trong tư thế "phơi” mình dưới ánh nắng Mặt trời.
Loài vật này được coi là "cụ tổ" đầu tiên của loài cá mập ngày nay mặc dù chúng có vẻ ngoài không thực giống cá mập mà là một dạng lai giữa cá mập và cá đuối.
Theo các chuyên gia, bộ gene của loài cá này hầu như không thay đổi gì trong suốt 420 triệu năm qua. Với chiếc miệng rộng, lược mang phát triển cao, nhưng cá nhám phơi nắng rất hiền lành - chỉ là một loài trung chuyển thụ động, lọc động vật phù du, cá nhỏ và động vật không xương sống.
Cá nhám phơi nắng từ lâu đã là loài cá thương mại, chúng bị khai thác để lấy vây, làm thức ăn gia súc và chiết xuất dầu gan cá mập. Việc khai thác quá mức đã làm giảm số lượng quần thể cá nhám phơi nắng đến mức ở một số nơi, loài cá này đã hoàn toàn biến mất.
4. Thú mỏ vịt
Ở một góc khác của Trái đất, loài thú mỏ vịt (Platypus) này đã xuất hiện được 167 triệu năm trước. Theo các chuyên gia, đây là một trong những loài linh trưởng đẻ trứng duy nhất còn tồn tại trên Trái đất ngày nay.
Thú mỏ vịt có vẻ ngoại hình khá “buồn cười” với chiếc mỏ vịt, đuôi hải ly, chân rái cá . Chuyện kể rằng, những người tìm ra chúng lần đầu đã cố gắng kéo chiếc mỏ vịt ra để xem đây có phải là một trò bịp bợm tinh vi hay không. Và họ đã vô cùng bất ngờ trước hình dáng sinh vật này.
Đây cũng là một trong số ít động vật có vú có nọc độc, con đực có một cái cựa ở chân sau chứa một chất độc có khả năng gây ra những cơn đau khủng khiếp cho loài khác.
Tuy nhiên, khác với những côn trùng và các loài bò sát có nọc độc, Platypus dùng độc của mình để thể hiện khả năng trong mùa sinh sản chứ không dùng để giết cũng như gây bất lợi cho con mồi.
5. Ếch tía
Những con ếch tía này được cho là thủy tổ của loài ếch ngày nay khi đã tồn tại ít nhất 130 triệu năm. Sau sự tan rã của lục địa Ấn Độ, loài ếch tía đã tiến hóa riêng biệt.
Tuy nhiên con người mới biết đến loài này chỉ từ khoảng 2 năm nay. Trước đó người ta chỉ ghi nhận chúng là một giống nòng nọc lạ mà thôi.
Ếch tía còn có tên gọi khác là ếch mũi lợn bởi chiếc mũi kỳ dị của chúng. Chúng có cơ thể phình to như bong bóng, con đực nhỏ hơn nhiều so với con cái, độ tuổi được xác định qua màu da, càng già da sẽ càng tím sậm.
Chúng được tìm thấy lần đầu ở Ghat Tây, Ấn Độ. Mặc dù sống và sinh sản ở những nơi ẩm ướt nhưng ếch tía không sống dưới nước giống như loài "lưỡng cư ộp ộp" đang thống trị thế giới ngày nay, ngược lại chúng đào hang sâu tới 4m khiến người dân địa phương tưởng rằng chúng đến từ địa ngục.
6. Vi sinh vật trên đá Stromatolite
Những vi khuẩn trên viên đá trầm tích Stromatolite là một trong những mẫu vật quan trọng trong nghiên cứu sự hình thành sự sống trên Trái đất. Theo ước tính, các loài vi khuẩn này đã tồn tại tới nay được khoảng 34 triệu năm.
Phần lớn đá stromatolite cổ có nguồn gốc sinh học, chúng được hình thành với sự tác động của các lớp vi sinh vật phát triển ở đáy đại dương. Bề mặt của các vi sinh vật được bao phủ bởi một lớp chất nhầy để “bẫy” các hạt cặn trôi qua.
Thêm vào đó, các vi sinh vật cũng mọc lên những sợi dây tơ “chộp” lấy hạt này khi chúng đi qua. Việc tích tụ này lâu ngày sẽ hình thành các lớp đá như ngày nay. Ban đầu chúng có dạng lớp uốn sóng, qua thời gian, những sóng này chia tách ra thành các khối trụ riêng biệt phát triển cao dần.