Tròn mắt ngạc nhiên với những loài sinh vật kì dị dưới lòng đại dương
Chúng là những loài sinh vật có hình thù khác lạ và rất hiếm khi xuất hiện.
1. Cá lưỡi rìu (Hatchetfish)
Nằm sâu dưới đáy đại dương, các nhà khoa học sẽ rất khó khăn mới có thể tìm thấy loài cá này. Tuy nhiên hình thù đáng sợ của loài cá nhỏ tí xíu này đã không ngăn nổi sự tò mò của các nhà khoa học. Vẻ ngoài ủ ê cùng thân hình dẹt như dao cạo của chú cá này chính là lí do vì sao nó có cái tên là “cá lưỡi rìu”.
Thân hình của loài cá này được bao phủ bởi lớp màu như bạc và có khả năng phát quang, vì vậy giúp đỡ chúng rất nhiều trong việc lẩn tránh những kẻ săn mồi dưới đáy đại dương.
Tuy có vẻ ngoài như quái vật và khiến người khác khiếp sợ khi nhìn thấy, loài cá này lại chỉ dài khoảng 2,5 đến 12,7 cm. Muốn nhìn tận mắt sinh vật này, bạn cần đến Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương hoặc Đại Tây Dương và lặn sâu xuống đáy biển ít nhất 50 mét so với mực nước biển.
2. Cá giọt nước (Blobfish)
Sự xuất hiện của loài cá này thu hút sự chú ý của hàng triệu người trong những năm gần đây. Thậm chí Blobfish còn được bình chọn là loài động vật xấu xí nhất thế giới năm 2013.
Bạn sẽ nghĩ rằng cơ thể èo uột không được tạo nên bởi chút mô cơ nào là một bất lợi đối với loài cá này phải không? Nhưng ngược lại, cuộc sống của cá Blobfish thực sự nhàn hạ như “trong mơ” vậy: Không phải tiêu tốn năng lượng cho vận động gì cả, chỉ việc há miệng, trôi trong nước, các sinh vật biển sẽ trôi vào và nó chỉ việc tiêu hóa chúng.
3. Cá răng nanh (Fangtooth Fish)
Trái với vẻ ngoài dữ tợn của loài cá này, chúng thực sự rất hiền lành. Đặc biệt thị lực kém khiến cho những chiếc răng nanh sắc nhọn của chúng chẳng mấy phát huy được tác dụng như của một con thú săn mồi mà chỉ chạm vào con mồi khi chúng muốn kiếm ăn.
Những chiếc răng của loài cá này chìa hẳn ra ngoài tạo nên hình thù hoàn toàn khác biệt, và đây cũng loài sinh vật có hàm răng lớn nhất so với bất cứ loài cá nào có cùng tỷ lệ kích thước cơ thể trong đại dương.
Loài cá răng nanh cư trú ở một độ sâu kỉ lục, khoảng gần 4000 mét so với mực nước biển và cũng ngang tầm độ dài của 55 sân bóng đá Mỹ xếp liền kề với nhau.
4. Dưa chuột biển (Sea Cucumber)
Thiếu đi hẳn một bộ óc hoàn chỉnh và những cơ quan cảm giác khác, nhưng loài dưa chuột biển này lại được ông trời phú cho khả năng rất tốt về giác quan cảm tính của mình.
Không chỉ vậy, loài sinh vật này còn là một phần của hệ sinh thái biển đa dạng sắc màu với vẻ ngoài rực rỡ và khả năng nghiền nhỏ những mảnh vụn đất đá mà chúng gặp hay tái sử dụng các chất dinh dưỡng.
Không giống với những quả dưa chuột chúng ta làm salad hàng ngày, "quả dưa chuột biển" này nổi tiếng là một món ăn nhiều chất dinh dưỡng và giàu collagen, rất tốt cho bộ não đồng thời giúp làm đẹp da.
Khi tình huống nguy hiểm xảy đến, loài sinh vật này sẽ thực hiện sự phân tách và đưa một vài bộ phận bên trong cơ thể ra ngoài qua lỗ hậu môn để xua đuổi kẻ thù.
5. Cá mập yêu tinh (Goblin Shark)
Được các nhà khoa học ví như một “hóa thạch sống”, cá mập yêu tinh sống tách biệt và khác hoàn toàn những con cá mập đồng loại. Chúng có cuộc sống tương đối bí ẩn, lặn sâu thăm thẳm dưới đáy đại dương xanh.
Thuộc họ cá mập đầu tiên xuất hiện trong đại dương 125 triệu trước, và là loài duy nhất còn tồn tại đến ngoài nay, cá mập yêu tinh thực sự vừa độc đáo vừa... xấu xí. Khác biệt các con cá mập khác với chiếc mõm dài, dẹt và hàm răng nhô hẳn ra ngoài, cá mập yêu tinh chẳng có vẻ đẹp gì nổi bật cho lắm.
Dựa vào vẻ ngoài cồng kềnh của nó, các nhà bác học cho rằng chúng có lối sống khá chậm chạp, chẳng phải di chuyển nhiều. Bạn rất khó có cơ hội được nhìn tận mắt một con cá mập yêu tinh bởi chúng thực sự rất hiếm khi xuất hiện và sống ẩn sâu dưới đáy đại dương. Người ta đã từng đưa một con cá mập yêu tinh tới bể thủy cung ở Nhật Bản vài năm trước, nhưng nó đã chết ngay sau đó.
6. Sên lưỡi hạc (Flamingo Tongue Snail)
Sinh sống ở vùng biển Đại Tây Dương và biển Ca-ri-be, thức ăn chính của sên lưỡi hạc là loài san hô quạt có độc tố. Tuy nhiên, nó không những bị nhiễm độc mà còn hưởng lợi rất nhiều từ nguồn thức ăn này. Trên thực tế, con sên xảo quyệt này đã hấp thụ chất độc vào cơ thể và tiếp tục sử dụng chúng như một vũ khí phòng thân, trở thành loài sên độc. Nếu bạn gặp một con sên lưỡi hạc trên bờ biển, tốt nhất là hãy tránh xa chúng.
7. Cá vảy chân (Angler Fish)
Cá vảy chân có lẽ là một trong số những sinh vật biển kì dị và cuốn hút nhất được con người biết đến. Không những nổi tiếng bởi kỹ thuật săn mồi xảo quyệt với cái “cần câu” phát sáng (một chiếc gai ở đỉnh đầu sẽ phát triển thành chiếc “cần câu”, dụ dỗ con mồi tới gần miệng của chúng và rồi chỉ việc nuốt gọn một cách dễ dàng), cá vảy chân còn nổi tiếng bởi thói quen giao phối có một không hai của mình.
Khi phát hiện ra cá vảy chân lần đầu tiên, các nhà khoa học rất ngạc nhiên khi tất cả chúng đều là con cái và… có rất nhiều sinh vật kí sinh bám sát phần bụng sau của chúng.
Nhưng sự thật rất bất ngờ, loài vật nhỏ bé kia thực chất là những con cá vảy chân đực, sống ký sinh để chia sẻ thức ăn và giao phối với con cái. Khi tìm được một “đối tác” phù hợp, con đực cắn ngay vào phần da con cái để gắn liền hai con vào nhau. Từ lúc này, con đực sống dựa hoàn toàn vào con cái,và cùng chia sẻ một hệ thống tiêu hóa. Con đực sẽ trả “tình phí” bằng cách luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu “yêu đương”, khi con cái có nhu cầu giao phối.
(Nguồn: all-that-is-interesting)