Tình yêu không làm nên tất cả
Bỗng dưng, cả hai vợ chồng chợt vỡ lẽ: Hóa ra để sống được với nhau hạnh phúc, thì không phải chỉ tình yêu sẽ làm nên tất cả.
Tình yêu tự nó không bao giờ là đủ
Một cặp vợ chồng nhà nọ, lấy nhau được 3 năm, nhưng đã thay đổi được... 9 cô giúp việc. Có những người giúp việc chỉ ở được với hai vợ chồng chưa nổi một tuần đành... tiếc nuối ra đi. Lý do không phải vì công việc nặng nhọc hay bị o ép, quản thúc mà đơn giản chỉ vì “nhà ấy ngày nào không cãi nhau vài hiệp là không chịu được”.
Một buổi sáng, anh chồng đùng đùng xách xe ra khỏi nhà, miệng ầm ầm quát tháo: “Mẹ con cô, muốn làm gì thì làm”. Hóa ra trong cách dạy dỗ, chăm nuôi con cái, hai vợ chồng cộc lệch. Chồng muốn thế này, nhưng vợ lại muốn thế kia. Rồi thành cãi vã và “hình sự” với nhau.
Một buổi sáng khác, chị vợ xô sầm cánh cổng, mắt đỏ hoe, miệng quát tháo đứa con. Nguyên nhân sâu xa là bởi vợ muốn chỉ có hai vợ chồng đi “đổi gió” nhưng chồng thì kiên quyết không thể để con ở nhà. Thế là vợ quy kết chồng tham vọng, không thể đặt gia đình lên trên nên kiếm cớ. Và “chiến tranh” lại bùng nổ.
Yêu nhau là thế, nhưng cãi nhau, khóc lóc cũng không kém phần và chung quy lại, mỗi lần rời nhà, cả chồng và vợ đều lầm bầm: Tình yêu tự nó không bao giờ đủ để làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Đừng hỏi tại sao chia tay
Thời còn yêu say mê, đắm đuối, cô gái nào cũng chung một điệp khúc: “Người yêu của mình là nhất”; “Người yêu của mình tuyệt vời”. Thế nhưng, vài tháng sau đó hoặc có thể lâu hơn, cũng từ khuôn miệng xinh xắn của con người ấy nhưng dáng vẻ, điệu bộ lúc này không còn thùy mị, bỗng gào lên: “Cái lão chồng nhà này sao khó chịu thế! Sao lắm thói hư, tật xấu đến vậy”; “Không thể chịu đựng nổi nữa rồi”... Vô khối những điều không phù hợp được lôi ra để mổ xẻ.
Còn đối với cánh mày râu, lúc yêu họ thấy cô nàng đó xinh xắn, dễ thương. Tuy có nhiều điểm đối lập với mình nhưng nghiễm nhiên tự biến nó thành nét độc đáo khiến mình bị thu hút và cho rằng sự khác biệt mới làm nên một cặp vợ chồng “bù trừ” hoàn hảo. Để rồi, kết hôn xong, sau tân hôn, mật ngọt là chuỗi ngày chỉ thấy nước mắt, những câu ca thán, càu nhàu, kèm khuôn mặt bí xị của vợ. Thế là chán, là bất mãn, là coi nhà thành nơi đáng sợ, vợ là kẻ “tắc te” nhất trên đời.
Và rồi hai nửa bỗng không thể chấp nhận được mục đích, lối sống... của nhau. Hạnh phúc tan rã vì mình không thể hiểu chồng/vợ mình thực sự là ai. Rồi cả hai chợt vỡ lẽ: Hóa ra để sống được với nhau hạnh phúc, ngoài tình yêu thì sự tương thích trở thành điều cực kì quan trọng.
Tự dịch chuyển để phù hợp, cuộc sống sẽ hạnh phúc
Đôi khi, trong cuộc “chiến đấu” bảo vệ quan điểm, tư tưởng của cá nhân mình, các cặp vợ chồng không tránh khỏi những tình huống va chạm, mâu thuẫn và bất đồng. Vợ hay dùng lời lẽ cay độc, nghiệt ngã kèm theo nước mắt để thể hiện sự bất mãn hoặc để “trị” chồng, buộc chồng phải nghe theo mình.
Thế nhưng với các ông chồng thì “nói lắm dễ bị thủng tai cho nên tốt nhất không nghe làm gì. Khóc lóc chỉ là nước mắt cá sấu. Các bà chỉ giỏi dùng để dọa chồng. Và giờ thì đã bóc mẽ được thì nó chỉ... manh tính minh họa”.
Và thế là, tất cả phản tác dụng. Vợ thì cho rằng chồng cố tình không hiểu, chồng đểu, chồng lọc lừa... Chồng thì giữ quan điểm “cứ để mặc thế, nói/khóc chán rồi phải thôi. Cô ấy xứng đáng bị thế”. Mâu thuẫn không thể giải quyết khi cả hai không chia sẻ suy nghĩ về một kết quả chung, cũng như những dòng tư tưởng khác nhau. Và tất yếu, cả hai không thể hạnh phúc nếu không chịu dành một chút thời gian để cùng ngồi xuống và nói chuyện.
Ngay cả trong những cuộc hôn nhân bền vững nhất, tiền vẫn có thể là vấn đề gây rạn nứt