Không biết từ bao giờ, cô tự hạn chế “quyền” được về nhà ba mẹ mình. Đã có lần, vợ chồng giận nhau chỉ vì chuyện Tuyết cho con... sang chơi nhà ngoại.
Tối thứ bảy, Hùng nói sáng mai có việc phải đi ăn trưa với một đối tác mới ở tỉnh về chuẩn bị cho ngày làm việc vào đầu tuần sau, nên Tuyết dự tính sẽ đưa bé Mi lên ông bà ngoại chơi. Biết Hùng vốn không thích lên nhà ngoại, trừ những khi có việc cần, nên Tuyết hay tranh thủ lúc chồng bận mới dành thời gian thăm ba mẹ. Nói là thăm chứ thực ra mỗi lần tới cô đều được ba mẹ chiều chuộng hết mực, chẳng phải động tay động chân việc gì.
Sáng chủ nhật, Hùng xách xe đi được một lúc thì Tuyết cũng chở con đi. Tất nhiên cô không quên nhắn tin “báo cáo”, và hẹn chiều sẽ về sớm để hai vợ chồng cho bé Mi đi ăn bên ngoài. Thế mà chiều về, vừa bước vào nhà Tuyết đã nhận thấy có gì đó khang khác. Một bầu không khí nặng nề tỏa ra từ dáng ngồi chúi đầu vào máy tính và kiểu trả lời nhát gừng của Hùng. Chẳng hiểu lý do gì. Trên kệ bếp là tô mì gói ăn dở để bừa bộn cùng những vỏ trứng. Đến khi bé Mi thỏ thẻ: “Ba ơi đi ăn gà rán”, thì Hùng gắt lên: “Lên nhà ngoại thích gì được ăn nấy rồi còn đòi cái gì”.
Vậy là Tuyết hiểu. Vì lý do gì đó, buổi hẹn của Hùng bị hủy bỏ, anh về sớm từ trưa, tự nấu mì gói ăn. Và chuyện hai mẹ con đi chơi, nhất là lại lên nhà ngoại, thành cái cớ khiến anh khó chịu.
Xưa nay tính Hùng không khéo ăn nói, mà ba mẹ Tuyết lại quan niệm rể là khách, nên Hùng không thoải mái khi lên thăm ông bà. Đã vậy, có lần anh còn bày tỏ quan điểm rằng Tuyết cũng không nên thăm bố mẹ nhiều (!) vì “phụ nữ hay kể lể tội lỗi của chồng” cho ba mẹ, rồi ba mẹ xét nét, làm “ảnh hưởng” uy tín con rể. Anh cũng hay chỉ trích chuyện ông bà ngoại chiều con gái, chiều cháu quá làm cả hai... khó dạy! Nhiều lần anh tỏ thái độ, kiểu như “đồ ăn thì nấu lấy mà ăn, em mang từ nhà bà về làm gì, mình có thiếu đâu”, hay “con bé Mi tự nhiên có cái điệu bộ vênh mặt lên hư quá, lên chơi nhà ông bà có mấy hôm...”. Có lần Tuyết đấu tranh: “Ngày nay đâu phải thời xuất giá tòng phu”, nhưng lâu lâu “chuyện cũ vẫn lặp lại”.
Ấm ức nên Tuyết đưa ra phép so sánh: “Ba mẹ ảnh từ ngoài quê vào chơi nhà mình, mình chiều các cụ hết mực, cơm bưng nước rót (mình ít khi tự tay nấu cho ba mẹ mình những món ngon như thế). Còn anh ấy là con rể, ở ngay thành phố này mà cũng ít thăm nom bố mẹ mình, đã vậy hễ mình về nhà ngoại là anh ấy tỏ vẻ khó chịu! Mình thấy thật… bất công”. Nghe Tuyết tâm sự, Hà nhớ hồi mới lấy chồng, ông xã cô cũng “ngại” nhà ngoại, nhưng cô kiên quyết mặc định chuyện thăm bố mẹ là điều cần thiết, nên sau này anh ấy cũng quen, lâu lâu vợ chồng không cùng đi được thì Hà cho con đi. Ngược lại với nhà Tuyết, mỗi dịp Hà bế con về nhà ngoại chơi, chồng cô lại tranh thủ dành thời gian cho riêng mình, như đi chụp ảnh ở ngoại thành - thú vui của anh; hoặc tận hưởng một ngày nhà vắng vợ, yên tĩnh thoải mái. Có lẽ đó cũng là cách tự điều chỉnh cho hòa hợp của mỗi người.