Mẹ chồng cay nghiệt
Những lời van xin của Phượng dường như không lọt vào tai mẹ chồng. Cú ngã mạnh khiến Phượng bị thương cũng không khiến bà mảy may thương xót, vẫn không nương tay, bà lẳng chiếc chổi ra xa rồi hầm hầm bước tới, túm lấy mái tóc của Phượng rồi kéo cô ra giữa phòng khách.
Mắng chửi té tát vào mặt con dâu dường còn chưa hả dạ, bà Thoa sấn sổ xông tới vơ lấy cái chổi dựng ở góc nhà, xoay ngược phần cán chổi lại rồi dùng hết sức lực còn lại quật túi bụi vào người Phượng. Vừa đánh, bà vừa chửi bới ầm ỏm cả khu phố: “Cô ăn gan hùm phải không? Cô tưởng đây là nhà trọ, ăn nhờ ở đậu, thích làm gì thì làm, nói gì thì nói à? Hôm nay tôi phải dạy cho ngữ mất dạy như cô một bài học. Đồ mất dạy này…, mất nết này…”. Mải né tránh đòn roi của bà Thoa, Phượng luống cuống vấp phải cái ghế, cô ngã nhào, đầu va phải cạnh bàn, máu bắt đầu rỉ ra thành dòng đỏ chảy xuống ngang nơi khóe mắt đang ướt đầm, miệng run rẩy, Phượng van xin: “Con xin mẹ, ý con không phải vậy, con không cố ý. Con xin mẹ!”.
Nghe mẹ chồng sỉ và từng lời cay nghiệt, Phượng cúi gằm mặt xuống đất, nước mắt cứ thế rơi xuống lã chã, nấc nghẹn. Nào phải Phượng là đứa con dâu hỗn hào gì cho cam, đằng này từ ngày về làm dâu, biết tính mẹ chồng khó khăn, Phượng nhất mực im lặng, nhẫn nhịn chịu đựng. Không phải Phượng ngu dốt không biết đối đáp hoặc phản kháng lại sự ngược đãi bất công của mẹ chồng, cũng không phải chồng Phượng hờ hững hùa vào cùng mẹ gây khó khăn cho cô… mà với bản tính hiền lành hơn nữa lại là giáo viên nên Phượng luôn “một điều nhịn” để “chín điều được lành”. Mẹ chồng nói gì cô cũng một dạ, hai vâng. Quá rõ bản tính cay nghiệt của mẹ, bởi từ nhỏ cho tới lớn rồi đến tận bây giờ khi đã lấy vợ và có hai con, Long không ngày nào là không thoát được thói hà khắc quá đà của mẹ. Đôi lúc, thấy vợ oan uổng, Dũng định nói chuyện lý lẽ với mẹ để giành lại chút công bằng cho vợ thì hoặc là Phượng can ngăn, hoặc là cảm giác không thể thay đổi được gì khiến Dũng cũng chịu thua, bất lực.
Sống với mẹ hơn ba mươi năm có lẻ, Dũng chứng kiến cảnh bố mình ngồi im lặng nghe bà quát tháo, chửi rủa. Sự nhẫn nhịn và sức chịu đựng của ông cho đến tận những ngày cuối đời cũng phần nào tác động đến Dũng. Anh nhận thấy, mẹ mình không giống như những người vợ, người mẹ khác mà bà độc đoán, chuyên quyền, miệng chao chát, chua ngoa và lắm luận điệu buộc tất cả mọi người trong gia đình phải nhất nhất nghe theo. Là con trưởng, Dũng không thể như cậu em trai, lập gia đình, muốn yên thân, dọn ra ngoài ở. Hơn thế, dù Dũng có muốn thì không đời nào bà cho phép. Cứ thế từ tuổi ấu thơ, đến lúc trưởng thành, Dũng quen với nếp sống “quá 10 giờ đêm là không được có tiếng động, không có ánh đèn”.
Là giáo viên, ngày lễ, ngày Tết, học trò quý cô đến đầy nhà, cười đùa vui vẻ, Phượng liếc nhìn vẻ mặt khó đăm đăm của mẹ chồng, nén lo sợ vào lòng, hồ hởi tiếp đón học sinh để rồi khi đám học sinh ra về, Phượng lại phải hứng chịu một màn ca cẩm quá đáng: “Nhà này đâu phải cái chốn không người để ra ra vào và la hét, cười đùa. Cô nhìn lại cái bản mặt mình đi, giáo mác gì mà tơn tớn như thế…”. Suốt bảy năm về làm dâu, sinh cho bà hai đứa cháu kháu khỉnh, nhưng Phượng luôn nơm nớp một nỗi sợ hãi rằng cứ với kiểu đối đãi, cấm cản con cháu cười đùa, chạy nhảy, vui chơi thì hai đứa con của Phượng có ngày cũng phải nhập viện vì chứng tự kỉ….
Cũng như hôm nay, nhà có khách nước trong phích lại hết mà chưa kịp đun, Phượng nhanh nhảu sang nhà hàng xóm mượn cái ấm điện về đun nước cho nhanh. Vậy là khi khách vừa về, bà Thoa bắt đầu lên giọng mắng mỏ Phượng: “Đồ phụ nữ chảy thây, hàng ngày có mỗi việc dùng bếp than đun nước cũng làm không nên hồn, nhà cô vương giả lắm phải không…”. Muốn làm dịu cơn bực tức của mẹ chồng, Phượng nhẹ nhàng: “Con lỡ quên, cũng chỉ có một ấm nước thôi mà mẹ”. Lời nói thiện chí bỗng chốc biến thành sự đối đầu, bà Thoa bắt đầu như phát điên…
Đánh đập, chửi rủa chán chê, bà bỏ mặc Phượng ngồi đau đớn, ê chề. Phượng đưa tay sở lên vết thương trên đầu khiến cô đau buốt tới tận óc, cô mệt mỏi đứng dậy, nghĩ đến nỗi cơ cực, tủi nhục của mình, nước mắt cô cứ thế lăn dài trên má…