Lấy được chồng tốt, vợ sinh hư
“Nếu chồng em giống chồng người ta, tan sở tụ tập bạn bè, về nhà làm bạn tivi, thỉnh thoảng cãi cọ với vợ, chắc em đã không như thế này”, Tuyến nức nở.
Hải vốn nổi tiếng là anh chàng đảm đang, yêu thương vợ con hết mực. Tan sở, Hải vội vàng đón con, ghé qua chợ mua kịp đồ ăn tươi, tranh thủ nấu nướng đợi vợ về. Nhưng, được chồng cưng nựng, Tuyến không những không yêu thương, phụ giúp chồng, cô lại tranh thủ thời gian rảnh đi spa, mua sắm, tụ tập bạn bè. Chuyện con cái, nhà cửa cô giao hết cho Hải, coi đó là nghĩa vụ của anh. Nhiều đêm cô về muộn, Hải vẫn đợi cửa, chỉ trách mắng nhẹ vài câu, xong đâu lại vào đấy. Anh vẫn chuẩn bị nước tắm và đồ ăn nóng cho cô, khiến cô càng ngày càng ngang ngạnh.
Cu tý tròn 2 tuổi, mẹ chồng lên chăm nuôi. Thương mẹ vất vả, Hải không dám để mẹ đụng tay chuyện gì. Tuyến thì vẫn “rảnh rang” đi sớm về khuya, mẹ chồng nhắc nhở Hải thì cô giận ra mặt hoặc lấy cớ bận làm thêm việc ngoài giờ, bận gặp mấy đứa bạn, không có thời gian làm việc nhà.
Một hôm vừa về đến nhà, thấy xe vợ để trong sân, Hải chưa kịp mừng thì đã nghe Tuyến to tiếng: “Trời ơi, mẹ có biết cái bình này quý thế nào không mà lại làm vỡ. Mẹ không làm được thì đừng đụng vào, anh Hải không nói với mẹ à?”.
Nhìn thấy Hải, Tuyến làm bộ: “Anh xem có gì thì nói để mẹ biết, chứ đồ đạc trong nhà mẹ không biết lại làm vỡ, vợ chồng tốn tiền sắm sửa”. Hải chỉ đỡ lời: “Lần sau mẹ cẩn thận chút, em đi tắm đi rồi anh dọn cơm tối”. Sau lần ấy, Tuyến như mở cờ trong bụng. Hải rất yêu cô, không dám làm cô phật lòng nên ngay cả trước mặt mẹ, Hải vẫn bênh vực vợ.
Hải đi công tác một tuần, cơm nước, nhà cửa lại đến tay mẹ. Về nhà ăn cơm xong, bát đĩa cô vẫn để nguyên trên bàn rồi lên phòng đọc sách, cu Tý đòi mẹ thì cô đùn đẩy cho bà trông, vậy mà nhiều khi cơm canh không ngon miệng, cô lại khó chịu, ngúng nguẩy không chịu ăn.
Ở được hai tuần, mẹ đòi về quê, Hải thương mẹ nhưng nghĩ mẹ chồng - nàng dâu có vẻ không hợp nhau nên anh để mẹ về quê cho thoải mái. Tuyến chỉ tỏ vẻ: “Vậy là không có ai trông cu Tý rồi, lại khổ anh thôi”.
Lấy được người chồng quá tốt nhưng Tuyến đã không biết trân trọng sự may mắn đó (ảnh minh họa).
Nghĩ vợ chỉ ngang ngạnh chút nhưng được cái thật thà, hay nói, bụng để ngoài da, nhưng anh “choáng” khi vợ buôn điện thoại với bạn bè mà oang oang như cho cả thiên hạ biết: “Bà lão ấy về quê rồi. May quá, bà ấy mà ở đây thì đồ đạc cứ kéo nhau đổ vỡ hết, chẳng hiểu sao anh Hải cứ muốn bà ấy lên, mỗi lần nhìn thấy vẻ già nua là tao thấy mệt mỏi rồi”.
Mặt anh nóng bừng. Những lần trước, anh đã cố gắng kiềm chế để giữ yên ấm cửa nhà. Tuyến có thể ngang ngạnh hoặc làm những điều khác, nhưng sự xúc phạm của Tuyến đến mẹ thì Hải không thể chấp nhận được. Anh bước vào nhà, Tuyến giật mình, nhưng cô vẫn không thay đổi thái độ: “Anh nấu cơm nhé, em bận qua chỗ cái Hương”.
“Sao cô có thể suy nghĩ về mẹ như vậy, mà dù cô có suy nghĩ thì tại sao lại nói cho cả thiên hạ biết như thế”, Hải quát lớn. Tuyến được đà trút giận: “Thế anh nghĩ cái nhà này là một tay anh làm nên sao mà mẹ muốn làm hỏng cái gì cũng được? Tôi cũng phải nhẫn nhịn lắm khi chiếc bình quý tôi được tặng mà mẹ làm vỡ. Tôi chỉ vì cái nhà này mà mới tham công, tiếc việc, còn nếu không tôi cũng chẳng làm cho mệt thân”.
“Nếu cô thích thì cứ ôm cái bình quý đó mà sống cả đời, tôi với con sẽ về quê”, Hải nói trong cơn tức giận tột độ. Tưởng thế Tuyến tỉnh ngộ, ai ngờ cô cũng không chịu thua: “Anh về thì cứ về, tôi cũng chán lắm cái cảnh này rồi”.
Nghĩ chồng chỉ nói miệng, cô không ngờ Hải làm thật. Một lúc sau nhìn lá đơn li dị trên bàn, cô mới tá hỏa. Tuyến cuống quýt gọi điện cho chồng nhưng Hải tắt máy.
“Nếu chồng em giống chồng người ta, tan sở tụ tập bạn bè, về nhà làm bạn tivi, thỉnh thoảng cãi cọ với vợ, chắc em đã không như thế này”, Tuyến vừa khóc vừa ngụy biện với chị bạn thân khi chồng để lại lá đơn li dị sau những chuyện mà cô đã làm.
Nhà người, chồng xỉn vợ can, người đàn bà lúc ấy chắc chắn vừa buồn vừa tủi. Nhà anh, vợ hư anh cũng não ruột và chán chường...