Yêu gái hư... cưới tiểu thư làm vợ
Hầu hết đàn ông đều thích "yêu" gái hư nhưng chỉ muốn cưới tiểu thư về làm vợ
Gái ngoan là phải ở dưới?
Tôi có một cô bạn mới lấy chồng. Nàng yêu anh A cơ, nhưng vì cuộc sống khó lường nên kết thúc cuộc chơi, nàng phơi phới nước lên xe hoa về nhà anh B (không biết móc ở đâu lên). Âu cũng là cái số. Chồng nàng công ăn việc làm ổn định, gia đình cơ bản. Chỉ ngặt một nỗi, chàng phong kiến và gia trưởng thôi rồi.
Bạn tôi vốn tư tưởng tung tẩy bay nhảy, lại thoáng đúng kiểu “như một chàng trai” nên cưới xong, nàng ngay lập tức bị dính chưởng sốc “văn hóa làm vợ”. Ngay đêm tân hôn, vì muốn chồng bất ngờ, nàng đã lên một kế hoạch hoàn hảo cho một đêm mất ngủ. Nhưng kết cục thật thảm hại, chồng nàng la oai oái khi thấy vợ chuẩn bị vào vai “cô y tá nóng bỏng”. Bao nhiêu kỹ năng bấy lâu học hỏi, coi như cất tủ dài ngày, vì chồng nàng không có nhu cầu thấy vợ “bay”. Chàng thủ thỉ, phụ nữ là phải đoan trang thùy mị, ngay cả trong chuyện vợ chồng. Từ một cô nàng phóng khoáng và luôn hết mình với sex, nàng đành nói lời tạm biệt với “bản năng gốc” của mình. Với chồng nàng, gái ngoan là phải ở dưới! Nàng tặc lưỡi, ừ thì ngoan!
Một người bạn khác của tôi, may mắn không bị kìm kẹp chuyện ấy, nhưng lại vướng vào một cục nợ khác đau đầu hơn. Chồng cô ấy cả năm nay nghỉ ở nhà vì công ty cắt giảm biên chế. Bạn tôi làm cho công ty liên doanh nước ngoài, kinh nghiệm đầy mình, thu nhập hằng tháng luôn ở mức khủng đến nỗi chỉ cần mình cô ấy đi làm cũng đủ để cả nhà tiêu xài dư dả. Nhưng (lại nhưng), đó cũng chính là nguyên nhân gây nên bao cơn sóng gió.
Ai đó đã nói, đàn ông kiếm nhiều tiền cho vợ tiêu, đó là nét đẹp văn hóa; nhưng phụ nữ mà kiếm nhiều tiền cho chồng (ở nhà) tiêu, thì đúng là thảm họa! Chuẩn không được phép chỉnh! Và đương nhiên, không đời nào có chuyện chồng chịu ở nhà tề gia nội trợ để cho vợ tung tăng ra ngoài “trị quốc, bình thiên hạ” được rồi. Ai lại đổi vai như thế bao giờ?! Thế là chồng nàng đường hoàng ra nghị quyết (như vua!), rằng kiếm tiền cũng được nhưng cấm được bỏ bê việc gia đình. Thế nên mới có cảnh bạn tôi, sáng dậy sớm đi chợ, cả ngày hùng hục đi làm, tối lại sấp ngửa về nhà cơm nước để chồng sau khi đi “bàn chuyện lớn” về là phải có cơm dẻo canh ngọt đợi sẵn. Vậy ra, gái ngoan không những phải ở dưới, mà ngay cả khi đường đường chính chính hơn phân, cũng phải âm thầm chịu thiệt?
Nguyên lý chìa khóa và ổ khóa
Tôi mang chuyện gái ngoan – gái hư và chuyện nằm trên nằm dưới đi hỏi khá nhiều. Một anh bạn cùng công ty tôi nghe xong cười khà khà “Em ơi, thế em đã nghe chuyện chìa khóa và ổ khóa chưa? Chìa khóa mà mở được càng nhiều ổ khóa, đó là chiếc chìa khóa vạn năng. Còn cái ổ khóa mà chìa nào cho vào cũng mở được ấy mà, chỉ có là ổ hỏng, đáng cho vào sọt rác! Chuyện trên dưới cũng vậy mà thôi. Cái gì trái với tự nhiên đều không tốt cả”. Ồ. Vậy ra quan niệm kia cũng có gốc rễ sâu xa của nó.
Cánh đàn ông từ lâu vấn đánh đồng gái hư với sự dễ dãi, với những hiểu biết quá sâu rộng ở quá nhiều lĩnh vực mà không phải chốn hoạt động của các cô (các anh bảo thế). Tóm lại, gái càng giỏi, càng quái bao nhiêu, càng dễ bị dán mác “không ngoan” bấy nhiêu. Các anh thích yêu gái hư, nhưng chỉ muốn cưới công chúa với tiểu thư về làm vợ. Thế thì ai cho phụ nữ chúng tôi lương thiện bây giờ? Nếu cánh đàn ông đo chỉ số chuẩn men dựa vào trình độ phá khóa thì đã đến lúc, phụ nữ cần nhắc các anh nhớ một điều: Người cần chiếc chìa khóa vạn năng ấy, có chăng chỉ là kẻ trộm.
Đàn ông vẫn thường đánh đồng gái hư với sự dễ dãi (Ảnh minh họa)
Tôi hậm hực “ghim hận” từ ngày ấy, luôn trách cánh đàn ông là ích kỷ và không chịu cảm thông cho phụ nữ. Nhưng một cậu bạn đã khiến tôi tỉnh ra chỉ với một câu hỏi: Truyền thống bao đời nay là thế rồi. Mày có đồng ý lấy một anh chàng thích mặc váy đi chợ nấu cơm rửa bát hơn là mặc comple thắt cà vạt không? Ừ nhỉ. Thì ra đã từ rất lâu rồi, ngay chính phụ nữ cũng đã ngầm thỏa hiệp với quan niệm đó. Các mẹ các bà vẫn chẳng rất hăng hái xông pha nấu bếp, chỉ để nghe được lời khen của chồng, của con cháu hay sao? Suy cho cùng, phụ nữ dù mạnh mẽ đến mấy, cũng vẫn là một nửa yếu đuối của thế giới mà và vẫn cần một nơi đủ vững chãi để dựa cậy lúc yếu lòng. Ai làm chuyện ấy tốt hơn đàn ông?
Trang trí cho truyền thống
Cô bạn cùng phòng mới khoe một bài báo về phát minh siêu độc: Dụng cụ trợ giúp để phụ nữ có thể… đứng đi vệ sinh như đàn ông. Nghe thì có vẻ chuối cả buồng và hết sức thiếu muối, nhưng bạn có nhận ra không? Ít nhất, người phát minh ra nó đã nỗ lực xóa nhòa đi khoảng cách, sự phân biệt giữa đàn ông và phụ nữ, dù theo một cách rất hài hước! Nhưng thực ra, phụ nữ không cần những dụng cụ hỗ trợ ấy để cảm thấy mình bình đẳng với đàn ông. Yêu thương và coi trọng chính bản thân mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mới là lời khẳng định đanh thép nhất mà các nàng có thể làm. Đồng ý thỏa hiệp và nhún nhường trong mọi tình huống, đó mới là liều thuốc độc giết chết sự tự tin và vẻ đẹp rất đàn bà trong tâm hồn của người phụ nữ.
Một câu nói trong Sex and the city mà tôi rất tâm đắc: Hãy chấp nhận truyền thống, và trang trí nó theo cách của bạn. Thế nên, khi ai đó hỏi rằng “Ai cho em nằm trên?”, thì cứ cười duyên mà nói nhỏ vào tai họ “Em không thích nằm, trên hay dưới cũng vậy thôi. Em ngồi có được không?”. Lựa chọn luôn nằm trong tay bạn, chứ không phải lời nói, hay định kiến của bất kỳ ai khác.
Dù thế nào đi nữa, phụ nữ cũng vẫn là phụ nữ. Và các nàng Cáo, đừng quên câu này nhé, “Well-behaved women seldom make history” (Gái ngoan hiếm khi làm nên lịch sử) – Laurel Thatcher Ulrich.