Dâu phố
Phương nguýt dài đay nghiến: “Anh làm chồng kiểu gì chả biết bênh vực vợ. Mình ở xa về được là tốt rồi, còn bắt vào bếp nấu nướng. Bếp không ra hồn bếp, sờ đến cái gì cũng thiếu thì em chịu thôi...".
Tùng vừa bước vào phòng ngủ vừa lớn tiếng gọi vợ: “Nhanh lên em, chuẩn bị xong chưa còn đi không trễ quá rồi”. Đập vào mắt Tùng là Phương đứng chống tay vào hông, lúng túng đảo mắt từ trái qua phải, rồi lại từ phải qua trái đống quần áo đủ màu sắc, kiểu dáng mà cô cất công lôi từ trong tủ bầy đầy ra giường. Tùng nhăn nhó kéo tay vợ: “Bà cô của tôi ơi. Mình về quê ăn giỗ mà, có phải đi dự tiệc khách sạn đâu mà em lựa kĩ thế. Chọn bừa một bộ đơn giản thôi rồi đi cho anh nhờ”. Phương càu nhàu lườm chồng rồi cũng chặc lưỡi chọn ra một bộ váy ngắn.
Con đường về quê sao mà lắm ổ gà, ổ voi đến thế. Chốc chốc chiếc xe máy lại chồm lên, sập xuống khiến chiếc váy ngắn Phương đang mặc trên người và tư thế ngồi một bên trở nên bất tiện. Phương hét thật to át đi tiếng gió ù ù thổi bên tai: “Đường này giờ xấu hơn ngày xưa nhiều thế. Đi thế này hơn là hành xác”. Tùng phì cười: “Đâu có, con đường này trước giờ vẫn thế. Ngày xưa yêu nhau, anh chở em về, chả thấy kêu câu nào…”. Phương đỏ mặt quay đi tránh ánh nhìn tò mò của những người đi đường đang nhòm ngó mình như một vật thể lạ.
Phương lò dò bước sau lưng chồng vào nhà, mẹ chồng ngồi gác một chân lên ghế, miệng nhai trầu bỏm bẻm cất giọng sang sảng:“Anh chị đã về đấy à. Từ sớm đến giờ chúng tôi cứ mong mãi”. Tùng nhanh nhảu: “Đường xá giờ đông đúc khó đi, chúng con về hơi muộn. Thế cơm nước chuẩn bị đến đâu rồi hả mẹ?”. Phương lấy tay xoa xoa phần ghế còn trống cạnh đó, toan ngồi xuống thì mẹ chồng đã nhổ toẹt bã trầu xuống đất, thứ nước trầu đo đỏ bắn vào một bên tất màu da chân của Phương lấm tấm trông thảm hại. Tay bà vuốt vuốt, quệt nước trầu quanh miệng thản nhiên: “Thì đợi vợ chồng anh trưởng về xem lo giỗ thế nào. Chứ hai ông bà già chúng tôi chậm chân chậm tay làm được gì nữa nào” rồi bà quay sang Phương: “Ấy chị dâu trưởng sang bên nhà thằng út xem, sáng bảnh mắt vợ nó đi chợ mua bán thịt thà rồi. Các chị bảo nhau mà làm cỗ”. Tùng nháy mắt hất hàm, Phương bực bội đứng dậy... Vừa lúc hai bà chị chồng đã lấp ló ngoài cổng. Tiếng dép loẹt quẹt hòa theo tiếng nói oang oang: “Cậu mợ về rồi đấy phỏng, các chị sang xem cỗ bàn thế nào, hai mợ làm, các chị giúp một tay đây”. Phương ngoảnh mặt lại, nhìn từ đầu xuống chân hai bà chị chồng trong trang phục đi làm ruộng về. Hai gấu quần xoăn tít cuộn lên làm hở ra hai cẳng chân khẳng khiu và đôi dép nhựa mòn vẹt bám đầy bùn đất.
Có tiếng lay gọi ồn ã bên tai, Phương bực bội mở mắt. Tùng đứng bên gắt gỏng: “Giời ạ, về làm cỗ mà em lên đây ngủ tít là sao, trốn việc thế này thím ấy cười cho. Dậy đi!”. Phương nguýt dài đay nghiến: “Anh làm chồng kiểu gì chả biết bênh vực vợ. Mình ở xa về được là tốt rồi, còn bắt vào bếp nấu nướng. Bếp không ra hồn bếp, sờ đến cái gì cũng thiếu thì em chịu thôi. Thím ấy quen rồi cứ để thím ấy làm, mà anh xem bộ dạng em giờ có ra làm sao không? Quần áo đầu tóc người ngợm bẩn thỉu tinh những bụi bặm. Hèn chi ngày trước mẹ em cứ gàn không cho lấy chồng nông thôn...”. Tùng điếng người nghe từng câu chát chúa của vợ: “Thì ra em suy nghĩ như vậy. Chả trách… lần nào bảo về em cũng trốn. Coi thường nhà chồng thì cũng một vừa hai phải thôi chứ. Em tưởng anh không hối tiếc vì lấy vợ thành phố hay sao?” rồi tức tối đi ra ngoài.
Phương biết mình lỡ lời, vội vàng chạy theo. Cô em dâu lúi húi rửa bát ngoài thềm nhà, ngước lên cười hiền: “Cả nhà thấy chị ngủ ngon quá không nỡ gọi dậy. Em còn phần cơm chị trong kia, chị vào mà ăn nhé!”. Phương gật đầu ngần ngại, phía bên kia của khoảng sân rộng hơn cả cái nhà ngói cũ kĩ, mẹ chồng Phương lại bỏm bẻm nhai trầu. Tiếng dép khua loẹt quẹt của hai bà chị chồng đã ra đến cổng mà ánh nhìn chê trách vẫn như còn đọng lại trên gương mặt đang mỗi lúc một đỏ bừng lên của cô em dâu thành phố.