Dâu đoảng “lột xác”

Thu Giang,
Chia sẻ

Hồi còn ở nhà với mẹ, nàng chẳng bao giờ ngó vào đến cái bếp, chứ đừng nói đến động chạm vào đám bát đũa, nồi niêu, dầu mỡ. Thế nhưng lấy chồng được gần 1 năm, nàng đã gần như “lột xác” hoàn toàn!

Hồi chưa chồng, mỗi lần nàng thò mặt ra đến chợ thì đích thị là bám đuôi xách làn cho mẹ. Mà mỗi lần ra đến đó, nàng cứ như lạc vào một thế giới khác vậy, vì hình như cái gì cũng xa lạ với nàng. “Rau gì đây mẹ?”, “Con gì kia mẹ?”… là những câu hỏi mà lần nào nàng cũng hỏi nhưng chẳng lần nào ghi nhớ nổi câu trả lời. Nhìn nàng cứ mắt chữ O mồm chữ A thắc mắc hết thứ nọ đến thứ kia, những người ở chợ không ai là không được phen kinh ngạc: “Con bé này nó mới từ rừng sâu ra hay sao ấy nhỉ!”. 

Có lần cùng mẹ ghé vào mua cá, nàng hồn nhiên chỉ con cá quả mà rằng: “Con cá rô phi này béo quá mẹ nhỉ, người tròn lẳn thế này cơ mà!”. Lần đó, mẹ nàng nhìn nàng mà xấu hổ không để đâu cho hết, bà bán hàng thì che miệng cố nén cười, còn mấy người cạnh đó thì chả kiêng nể gì cười phá lên. Nói thế để thấy rằng tất tần tật những gì liên quan đến bếp núc, nội trợ, nấu nướng thì nàng đều mù tịt.

Ngày nàng đi lấy chồng, mẹ nàng mất ngủ cả mấy đêm liền. Con gái chẳng luộc nổi nồi rau cho ra hồn thì có người mẹ nào không lo lắng khi nó sắp về làm dâu nhà người ta chứ? Tất nhiên trong thời gian yêu nhau, nàng cũng đã đến nhà chồng tương lai chơi. Nhưng đa phần nàng toàn căn giờ gần đến bữa cơm là cáo bận mà về. Một vài dịp không đừng được, ở lại ăn cơm thì mẹ chàng vẫn coi nàng như khách, một tay bà đạo diễn tất cả, nàng có chăng cũng ở bên cạnh làm chân chạy vặt mà thôi. Vì thế, sắp về sống hẳn ở nhà chàng, nàng lo sốt vó, cuống quýt bảo mẹ dậy “vài đường cơ bản” nhưng thực sự là chẳng thấm tháp vào đâu.

Dâu đoảng “lột xác” 1
Khi chứng kiến độ đoảng vị vô đối của con dâu, mẹ chồng nàng cũng phải ảo não không thôi (Ảnh minh họa).

Ngày cưới nàng, bên cạnh niềm vui mừng cho hạnh phúc trăm năm của nàng thì cả họ nhà nàng đều lo ngay ngáy nàng sẽ là một cô con dâu “cái gì cũng không biết” khi về nhà chồng. Cậu nàng theo đoàn nhà trai đi đưa dâu, lúc ra về mà vẫn còn cố bắt tay bố mẹ chồng nàng và các bác, cô chú đằng nhà chồng nàng: “Mong ông bà bên này dạy bảo cháu thêm, vì thực ra đến tầm tuổi này rồi mà cháu nó vẫn chưa biết gì cả, đến bữa cơm còn chưa nấu được trọn vẹn!”. Bố mẹ chồng nàng lúc đó thì gật lấy gật để, vui vẻ đáp ứng ngay. Nhưng có lẽ mọi người thoải mái như thế là vì ai cũng nghĩ đó chỉ là cậu nàng nói vài câu xã giao, đám cưới nào chả thấy nói thế, chứ nếu biết cậu nàng nói là sự thật không thêm chỉ có bớt thì chắc không ai cười nổi nữa mất!

Sau đám cưới, khi chứng kiến độ đoảng vị vô đối của con dâu, mẹ chồng nàng cũng phải ảo não không thôi. Chả lẽ lại lót lá chuối dắt trả nàng về nơi sản xuất? Hay phàn nàn, ca cẩm, mắng chửi nàng, thế thì có mà nói suốt ngày à! Thôi thì giờ nàng đã là dâu con trong nhà, đuổi không đuổi được, đánh chả đánh nổi, chỉ còn cách đào tạo lại nàng chứ biết làm sao! Nghĩ là làm, mẹ chồng nàng liền lên kế hoạch dạy dỗ lại nàng cho đến nơi đến chốn. Mỗi lần bà đi chợ, nàng luôn phải bám càng theo, mỗi bữa bà vào bếp, nàng cũng không được rời bếp nửa bước. Mà quái lạ, những gì mẹ đẻ nàng chỉ bảo thì nàng toàn nghe từ tai nọ rồi lại chui qua tai kia bay ra ngoài theo gió, nhưng từng lời mẹ chồng hướng dẫn, nàng lại ghi nhớ răm rắp và làm theo rất chuẩn.

Dâu đoảng “lột xác” 2
Ở nhà chồng các món nàng nấu giờ đây ai cũng thật lòng khen ngon (Ảnh minh họa).

Chỉ một tháng đi chợ với mẹ chồng, nàng đã nhận mặt được các loại thực phẩm - điều mà mấy chục năm ở với mẹ đẻ, nàng chẳng hề làm được! Tiếp đó nàng nhanh chóng biết mặc cả giá, chọn lựa nguyên liệu thế nào cho ngon, cho tươi. Các món thông thường trong bữa cơm gia đình nàng nấu dần thành thạo, ban đầu chưa ngon lắm nhưng dần dà đã được bố mẹ chồng và chồng tấm tắc khen. Nhận được cái gật gù hài lòng của mọi người, nàng càng thêm hứng khởi và hăng máu, tự nhủ phải quyết tâm cố gắng hơn nữa để không phụ sự tin tưởng và mong chờ của cả nhà.

Cứ thế, đến khi nàng lấy chồng được gần 1 năm thì nói nàng gần như “lột xác” hoàn toàn cũng chẳng ngoa. Về nhà mẹ đẻ chơi, nàng xung phong đi chợ, vào bếp, sửa soạn cả mâm cơm đầy đãi mọi người khiến ai cũng phải mắt tròn mắt dẹt, mừng vui khôn xiết, thầm tạ ơn trời phật đã rủ lòng thương cho nàng hết đoảng. Nàng cười tít mắt, mọi người ở nhà ngạc nhiên cũng phải thôi, ở nhà chồng các món nàng nấu giờ đây ai cũng thật lòng khen ngon. Mỗi ngày rằm, mồng một nàng đều có thể 1 mình xách giỏ đi chợ mà chẳng cần mẹ chồng đi theo quân sư nữa. Nàng có thể mua gà ngon nhoay nhoáy, về lại nhanh nhẹn nấu cả mâm cơm cúng tươm tất không chê vào đâu được. Thậm chí, mỗi dịp giỗ chạp nàng cũng có thể lo mua bán, nấu nướng được, mẹ chồng chỉ đứng cạnh phụ giúp.

Mẹ chồng nhìn nàng đầy tự hào với mấy người bà con: “Tôi được nhàn rồi! Con dâu tôi đảm đang lắm nhé!”. Nàng nghe được mà lòng như nở hoa. Thực ra có được sự “lột xác” ngoạn mục đó, ngoài bản thân nàng cố gắng thì công lao đầu tiên phải thuộc về mẹ chồng – rõ ràng rồi, sư phụ của nàng mà! Bên cạnh đó, chính tình yêu dành cho chồng và sự quý trọng dành cho gia đình chồng mới là động lực chủ chốt để nàng hoàn thành xuất sắc khóa học làm người phụ nữ đảm đang do mẹ chồng đứng lớp. “Đúng là làm việc mà có cái tâm, cái tình thì nhất định sẽ thành công thôi!” – nàng mỉm cười nghĩ thầm.
Chia sẻ