Trả vợ về "nơi sản xuất"

,
Chia sẻ

Mấy lần bị ê mặt với mẹ người yêu, nhiều chàng trai tính nước “lặn mất tăm”. Đến khi Hương gần bước vào tuổi “băm”, mẹ cô mới “tá hỏa”, gật đầu để con gái đi lấy chồng.

“Ngày xưa tôi chấp nhận thứ con rể như anh là vì con Thảo nhà tôi nó mù mắt. Tôi đã bảo anh có tướng sát vợ là cấm có sai, ai lại lấy chồng mới được một vài năm mà nó đã như thân tàn ma dại thế kia?”.

“Con lấy vợ chứ có lấy mẹ vợ đâu?”

Tuy Hương không xinh lắm nhưng trong mắt của mẹ thì cô là nhất, là “lá ngọc cành vàng”. Thế nên khi con gái có người yêu, bà để mắt thấy không ưng là yêu cầu phải bỏ ngay.

Hương ra trường rồi đi làm mà vẫn phụ thuộc mẹ từng ly từng tý. Chuyện tình cảm của cô cũng đều phải thông qua mẹ, nếu mẹ “duyệt” thì mới được tiếp tục.

Vậy nên, năm lần bảy lượt đưa bạn trai về nhà “ra mắt” gia đình mà thực chất là “ra mắt” mẹ, Hương khổ sở vì mẹ yêu cầu cao quá. Mỗi lần bị mẹ người yêu “soi”, các chàng trai đều “chạy mất dép”.

Lần thì mẹ Hương chê là “con trai gì mà dáng nhỏ thó, không vừa mắt”. Anh chàng học giỏi, có chí nhưng lại sống cùng bố mẹ, sợ con gái sau này phải làm dâu khổ sở cũng bị “loại” không thương tiếc. Thành ra lúc này không phải Hương kén chồng mà là mẹ cô “kén” rể.

Mấy lần bị ê mặt với mẹ người yêu, nhiều chàng trai tính nước “lặn mất tăm”. Đến khi Hương gần bước vào tuổi “băm”, mẹ cô mới “tá hỏa”, gật đầu để con gái đi lấy chồng.

Của hồi môn mà Hương nhận được ở mẹ còn có thêm một cô giúp việc. Vì sợ con gái phải động tay động chân vào việc nhà nên bà phải lo đi trước. Sau đó là “trấn an” con rể phải sống biết điều.

Ban đầu, anh Tường còn nể mẹ vợ vài phần. Nhưng sau đó thì anh hết chịu nổi. Nhiều lúc nghe mẹ vợ nói, anh cứ ngỡ vợ mình là “bà hoàng”. Đến mức mẹ Hương còn không muốn con gái là ủi quần áo cho chồng.

Tất tần tật mọi việc đã có ô sin đảm nhận làm hết để cho Hương có thời gian nghỉ ngơi, làm đẹp. Vì gia đình anh Tường không phải “cơ bản” nên trong mắt của mẹ vợ dù anh có tốt mấy cũng “chưa bằng ai”.

Trước đây, mẹ Hương “chấm” Tường vì con gái trót yêu chứ không phải anh có đủ mấy yếu tố “bố làm to, nhà mặt phố…”! Vậy nên mỗi lần mẹ vợ đến chơi, anh Tường đều bị “muối mặt”.

Thi thoảng mẹ Hương lại mang cho con gái nhiều đồ ăn thức uống, sắm đồ đạc trong nhà, nhưng miệng không khỏi chỉ trích con rể: “Con gái tôi là người danh giá hẳn hoi, vậy mà lấy anh chẳng khác nào đang ở cái sông lại ra cái ngòi, thật nhục hết chỗ nói”. Những lúc ấy, anh Tường chỉ im lặng. Còn Hương nhìn chồng khổ sở. Hai vợ chồng đôi lúc cũng lạnh tanh chỉ vì anh Tường tự ái với những lời “kết tội” bất tài của mẹ vợ.

Mấy hôm Hương đi công tác xa, mẹ cô còn qua ở để trông chừng con rể. Nhất cử nhất động gì của con rể đều không lọt mắt mẹ vợ. Tự nhiên lại bị mẹ vợ “quản thúc”, anh Tường bực bội vô cùng.
 


 
Mẹ vợ cũng chả kém: “Anh là con rể của tôi. Là mẹ, tôi phải có trách nhiệm giữ gìn hạnh phúc cho con gái. Cái Hương nhà tôi xưa kia có khối anh xin chết, nó vớ phải là anh may cho anh đấy. Trên đời có mấy đứa con gái đẹp người đẹp nết như nó đâu? Số anh may mắn mới được làm rể của tôi lại còn không biết hưởng”.

-    “Con có ép buộc Hương phải lấy con làm chồng đâu?”, anh Tường nhăn nhở.

-    “Này, tôi nói cho anh biết nhé…”

Cứ như vậy, anh Tường “vuốt mặt” không kịp khi bị mẹ vợ xối xả hết chuyện này đến chuyện khác. Chính anh còn chưa bao giờ phải chịu đựng những lời ấy của vợ, vậy mà lại bị mẹ vợ xơi xơi tỏ thái độ, một lời là “con gái tôi”, hai lời là “Con Hương của tôi là…”

Không chịu nổi mẹ vợ, anh Tường phản ứng gay gắt: “Con lấy vợ chứ có lấy mẹ vợ đâu?”. Đã có lúc anh nghĩ đến việc tự giải thoát cho mình.

Bị “chỉnh” thì… trả vợ!

18 tuổi, Thảo đã là hoa khôi của trường cấp 3, mẹ cô kênh kiệu khi bạn trai của con gái đến nhà. Chàng trai nào nhòm ngó cũng phải đẳng cấp ngang ngửa, nếu không thì “đừng hòng”.

Biết Thảo yêu một anh chàng thư sinh, học giỏi nhưng lại nghèo nên mẹ cô quy cho là nhăng nhít, rẻ tiền. Do bị mẹ cấm đoán, ngăn cản nên hai người đành chia tay.

Đến khi Thảo 20 tuổi, bạn trai nhiều hơn. Lúc này tự nhiên mẹ cô như đang mở “chiến dịch” tuyển người yêu cho con gái vậy. Mẹ Thảo có hàng tá định kiến như tránh xa con trai “nhất lé, nhì lùn”, không ưng người có giọng the thé, không chấp nhận loại con trai nói nhiều…
 
Thế là lại chia tay, nếu không thì Thảo phải yêu lén lút, giấu giếm mẹ. Đến khi Thảo đã 25 tuổi rồi mà mẹ vẫn chưa ưng ai trong số những anh mà cô dẫn về.
 
Rồi cũng đến lúc mẹ Thảo sốt ruột cho con gái. Bà “hạ thấp” những tiêu chuẩn chọn rể xuống vài bậc. Cũng có vài chàng trai muốn gắn bó với Thảo nhưng khi bị mẹ vợ “nâng lên đặt xuống” khiến các chàng hoảng, chán lên tận cổ nên phải “chuồn lẹ”. Thảo không ít lần khóc lóc, khổ sở vì mẹ yêu cầu con rể cao quá.

Thảo bước sang tuổi 27 tròn trĩnh, cô quyết định lên xe hoa. Sau mấy lần ngăn cản không được nên cuối cùng “đất phải chịu trời”, mẹ Thảo chấp nhận cho cô lấy một anh chàng “thường thường bậc trung” nhưng hình thức “tạm được”.

Thấy thu nhập hàng tháng của con gái còn hơn cả con rể nên mẹ Thảo cho là bất bình thường, là không công bằng và bất công. Thi thoảng mẹ cô qua “nói mát” con rể mấy câu: “Anh là chồng mà không biết luồn lách kiếm tiền à? Sao anh nỡ để vợ vất vả bên ngoài như thế?”

Dù Thảo đã nhiều lần góp ý với mẹ nhưng đều bị cho là “ngu”, không biết “cầm dao đằng chuôi”. Khi thấy bố vợ thân thiết với con rể, mẹ Thảo đều nói kháy: “Ông mà cứ xuề xòa với nó thì lại nhờn thuốc đi”
 
Thấy Thảo gầy hơn khi lấy chồng, mẹ cô lại đổ lỗi cho con rể cái tội “làm khổ vợ” hoặc “để vợ vất vả, làm chồng mà vô dụng, không biết chăm sóc vợ”…

Nhiều khi bị mẹ vợ “phàn nàn” vô lý, anh Liêm cũng thấy ức lắm nhưng là đàn ông, không chấp vặt những chuyện cỏn con nên anh đành im lặng. Nhưng hết lần này đến lần khác, tuy không “chui gầm chạn” nhưng chả khác nào anh đang bị mẹ vợ “hành lên hành xuống”.

Xót con gái nên mẹ Thảo thường xuyên đến để “chỉnh” con rể. Một lần lại bị mẹ vợ “lên gân lên cốt” chuyện lương chồng ít hơn lương vợ, sau đó là: “Tôi chấp nhận thứ con rể như anh là vì con Thảo nhà tôi nó mù mắt. Tôi đã bảo anh có tướng sát vợ là cấm có sai, ai lại lấy chồng mới được một vài năm mà nó đã như thân tàn ma dại thế kia? Ngày còn ở với tôi, nó có bao giờ yếu ớt, xanh xao như thế đâu? Anh thử nghĩ mà coi, tôi là mẹ nó, sao lại không xót cho được?’

Tai ù lên, anh Liêm tự trấn tĩnh mình rồi nói nhỏ nhẹ: “Thế con trả nhà con cho mẹ đấy”! 
 
Theo Eva
Chia sẻ