Chồng nhu nhược, vợ “được đằng chân, lân đằng đầu”

T.H,
Chia sẻ

Có không ít anh chàng coi việc lấy vợ là một thành công, nhưng cũng không ít lại cho rằng đó là một bi kịch khi trót lấy phải cô nàng xấu tính “thảm họa”.

“Lấy vợ là rước nợ vào thân” hay “lấy vợ là đi tu, ở nhà là ở tù” là những câu nói ví von vui vẻ hay được các đấng mày râu nhắc tới trong mỗi cuộc bàn tròn nói về vợ. Sự thực thì có không ít anh chàng coi việc lấy vợ là một thành công, nhưng cũng không ít lại cho rằng đó là một bi kịch khi trót lấy phải cô nàng xấu tính “thảm họa”.

Trong số các anh em bạn bè cùng hội cùng thuyền, Nguyên thường được đưa ra làm ví dụ cho sự “nhu nhược”. 36 tuổi, đẹp trai, là chuyên viên cao cấp của một trung tâm nghiên cứu kỹ thuật, có tiền đồ xán lạn, nhưng cuộc sống gia đình của Nguyên thì có lẽ ít người đàn ông nào dám trải nghiệm. Có lẽ là bởi bản tính hiền lành nên Nguyên không mấy khi mất thời gian tranh cãi với mọi người, và thường thì chính vì điều đó nên anh luôn là người nhận phần thua thiệt.

Đám cưới của Nguyên, cả trung tâm ai cũng bất ngờ rồi đến háo hức tò mò vì trước đó chưa một lần thấy anh công khai mối quan hệ. Có tin đồn rằng Nguyên bị một cô bé học khóa dưới ở trường Đại học “úp sọt”, rồi cô nàng này nổi tiếng ghê gớm và chuyên chăn dắt đàn ông… Cho đến khi gặp Hằng – vợ Nguyên rồi, tất thảy đều xì xào: “Trông con bé đáo để ấy là biết, kiểu này chỉ có nước luồn dây rồi dắt mũi chồng!”. Y như rằng, chỉ vài tháng sau đám cưới, ai nhìn Nguyên cũng phải thương hại vì trông anh lúc nào cũng u sầu, xơ xác đến tả tơi. Nguyên ít khi chia sẻ chuyện nhà với người khác, đặc biệt là đồng nghiệp nhưng chẳng cần anh nói, ai cũng có thể nhận ra nguyên nhân chính của sự thay đổi này. 

lấy vợ
Trong số các anh em bạn bè cùng hội cùng thuyền, Nguyên thường được đưa ra làm ví dụ cho sự “nhu nhược”. (ảnh minh họa)

So với điều kiện của Nguyên, Hằng lép vế hơn hẳn khi học thức và ngoại hình đều bình thường, gia đình sớm ly tán nên Hằng không được dạy dỗ đến nơi đến chốn về cách sống, ứng xử. Bố mẹ Nguyên cũng nhận thấy khoảng cách này nhưng vì tôn trọng quyết định của con trai, nên cũng vui vẻ mang mâm lễ đến xin Hằng về làm dâu với hy vọng thôi thì miễn là hai đứa sống trọn tình, hiếu nghĩa là được. Không ngờ, bao hy vọng trong ông bà nhanh chóng sụp đổ ngay trong ngày đầu tiên Hằng về nhà chồng.

Vừa xong xuôi đám cưới, ai nấy trong nhà đều đã mệt rã rời, nhưng mẹ Nguyên vẫn vào bếp chuẩn bị bữa muộn để mọi người ăn lấy lại sức. Thấy mẹ chồng lúi húi nấu nướng, Hằng chẳng nói chẳng rằng, một lúc sau thì kêu mệt rồi thừa cơ lỉnh vội lên phòng, đóng kín cửa, leo lên giường. Một lúc sau thấy chồng lên, Hằng than đói bụng rồi đòi chồng ra ngoài mua đồ ăn. Biết vợ mệt nên Nguyên cũng không trách móc gì, chỉ nhẹ nhàng nhắc vợ rằng không ăn cùng bố mẹ thì thôi nhưng lát nữa mọi người ăn xong thì em nên xuống phụ dọn dẹp, rửa bát để mẹ vui lòng. Hằng cau có mặt mày, giận dỗi: “Em mệt thế này, anh không thương em thì thôi lại còn bắt em làm thêm việc! Em không ăn ở nhà thì sao phải dọn dẹp. Thôi, để e tự ra ngoài ăn, anh ăn ở nhà đi rồi lát nữa dọn cùng mẹ”.

Nói rồi Hằng tự xuống nhà lấy xe máy lao đi. Nguyên không nói không rằng, lủi thủi vào bếp phụ mẹ nấu ăn, tự phân bua về sự vắng mặt của Hằng: “Vợ con nhớ ra là quên đồ ở nhà đẻ nên chạy qua lấy, mọi người cứ ăn trước, chắc cô ấy sẽ ăn luôn bên đó rồi mới về”. Nghe con trai giải thích, mẹ Nguyên không nén nổi tiếng thở dài. Bữa ăn muộn đã mệt mỏi sẵn, nay lại càng nặng nề hơn…

Sau sự việc đêm tân hôn, Nguyên và vợ không nói chuyện mất mấy ngày. Sau vì nhân dịp sinh nhật mẹ nên mọi chuyện cũng tạm êm xuôi vì Nguyên không muốn không khí trong nhà căng thẳng mãi. Nhường nhịn được một lần, tưởng đã xong, ai ngờ Hằng càng được đà, tưởng rằng chồng sợ nên mỗi lúc một thêm lấn tới.

Tiền lương của Nguyên, bình thường vẫn đưa cho mẹ quản lý. Cưới vợ rồi, Nguyên vui vẻ chuyển lại cho Hằng, không quên nhắc mỗi tháng gửi mẹ ngần này để chi tiêu mọi thứ trong nhà. Ông bà đã nghỉ hưu nhưng lương mỗi tháng cũng khá, tuy chưa đến mức phải xin các con nhưng vẫn muốn hai con đóng góp tiền sinh hoạt, “đi đâu mà thiệt, cuối cùng cũng là tiết kiệm cho hai đứa chúng nó!”. Nhưng Hằng lại không nghĩ như thế, thấy kinh tế trong nhà dư dả, Hằng cho rằng hai vợ chồng có ăn uống cũng không đáng là bao vì chỉ có một bữa tối ở nhà, tiền điện nước lại càng không đáng kể, trong khi bố mẹ vẫn có tiền, vậy tội gì phải đóng góp. 

Nghĩ là làm, Hằng không cần bàn bạc gì nhiều, cứ lặng lẽ ỉm tiền cất riêng một chỗ. Mỗi tháng, Hằng đưa lại cho chồng một số tiền nhỏ để đổ xăng xe, điện thoại, ăn sáng thì mẹ chồng dậy sớm nấu còn ăn trưa đã có nhà ăn cơ quan lo. Mỗi khi có việc gì cần tiền, Nguyên lại ngửa tay nì nèo xin vợ. Vốn tính keo kiệt, việc chi tiêu mọi thứ trong nhà, Hằng còn nghiễm nhiên cho đó là trách nhiệm của bố mẹ chồng

Một buổi tối, anh chị họ Nguyên đến nhà chơi, đem theo cô con gái nhỏ mà bình thường Nguyên rất quý. Đang ngồi nói chuyện vui vẻ, Nguyên chợt nhớ ra sinh nhật cháu đúng dịp anh đi công tác, liền chạy qua bế cháu lại gần chỗ Hằng đon đả: “Sắp sinh nhật cháu Cốm rồi, mà chú lại không qua được. Cô Hằng thay chú cho mừng tuổi cháu trước nhé!”. Ai ngờ, vừa dứt lời thì mặt Hằng biến sắc, cô cau có: “Cháu còn bé thế, cần gì đến tiền, chú chỉ vẽ chuyện. Hôm sinh nhật, cô sang chơi với cháu là được rồi”. 

Nghe vợ nói, Nguyên khựng người lại, ngơ ngác, may sao có chị hiểu chuyện, vội vàng cười to chữa ngượng cho em: “Cô Hằng nói đúng đấy ạ, cháu còn bé thế, đã biết tiền như thế nào đâu mà tiêu. Hôm ấy, cô chú sang chơi với cháu là bố mẹ cháu vui lắm rồi”. 

Nghỉ một lát thì cả nhà ngồi vào bàn ăn cơm tối, đang dỡ bữa thì có người tới thu tiền điện, Hằng chạy ra mang hóa đơn vào và hồn nhiên đưa cho mẹ chồng. Nguyên ngồi đấy chỉ biết nhìn vợ mắt tròn mắt dẹt. Lát sau, hai vợ chồng dọn dẹp, Nguyên góp ý thì Hằng lâp tức trả treo: “Anh thích thì tự bỏ tiền riêng mà đóng góp, lương có vài triệu bạc mà bày đặt sỹ diện”. Chưa từng thấy thái độ đó trước đây của vợ, Nguyên hơi có chút ngỡ ngàng. Chưa kịp đáp lại thì mẹ chồng thấy có tiếng con dâu quát tháo vội chạy xuống nói đỡ: “Thôi con ạ, có đáng là bao đâu, người một nhà cả, ai trả mà chẳng được!”, đoạn kéo tay Nguyên ra khỏi bếp. Không khí của buổi tối hôm ấy nhạt dần, một lúc sau thì hai anh chị cũng đứng lên xin phép về, không quên ném một cái nhìn khó hiểu sang Nguyên. Lần đầu tiên trong suốt hơn 30 năm cuộc đời, Nguyên cảm thấy nóng mặt và giận giữ đến thế…

Nửa đêm rồi nhưng Nguyên vẫn không tài nào ngủ được. Cầm ly rượu trên tay, Nguyên ngồi im lặng trước bàn làm việc và nghĩ ngợi. Chỉ vừa bước vào hôn nhân được vài tháng ngắn ngủi, Nguyên đã không biết bao nhiêu lần phải lâm vào cảnh không biết giấu mặt vào đâu vì vợ. Mọi người hay bảo hiền lành thì ắt sẽ gặp may mắn, nhưng có lẽ ở vị trí của Nguyên lúc này, sự may mắn không đi liền với hiền lành thì phải.

Chia sẻ