Khổ vì mẹ chồng… hiền quá

,
Chia sẻ

Nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng nếu Hà không gợi ý nói chuyện thì mẹ chồng cô cũng chỉ lặng thinh, cứ như là hai mẹ con có chuyện giận nhau, mà thực ra không phải vậy.

Chị Hà chuẩn bị sinh con mà chồng lại phải đi công tác xa mất vài tháng, nên anh Minh - chồng chị quyết định “điều động” gấp mẹ anh lên thành phố để chăm vợ mình.

Từ ngày có mẹ chồng lên chăm sóc, các chị đồng nghiệp trong phòng để ý thấy Hà có vẻ kém tươi, không cười nói nhiều như mọi khi, bèn sinh nghi, hỏi:

- Sao, dạo này mặt mũi cứ “buồn rười rượi” thế? nhớ chồng hay là có chuyện với mẹ chồng?

Hà chưa kịp trả lời thì một chị đã chen ngang:

- Chắc là mẹ chồng ghê quá hả em? Chấp nhận thôi em ạ, đa số mẹ chồng nào cũng thế.

Hà thở dài, lắc đầu:

- Không, mẹ chồng em không ghê, ngược lại quá hiền ấy chứ.

- Thế thì nhất em còn gì.

Mấy chị xuýt xoa. Còn Hà thì cười gượng, bởi cô chẳng biết nói sao, nhưng thực sự cô đang cảm thấy stress vì tính cách… quá hiền lành của mẹ chồng.

Từ ngày về làm dâu, Hà chỉ ở quê cùng bố mẹ vài ngày, rồi hai vợ chồng ra ở riêng luôn nên cô cũng không có va chạm gì với mẹ chồng. Cô chỉ cảm nhận là mẹ chồng là người hiền lành, nên cô cũng yên tâm phần nào. Bây giờ, mẹ lên ở cùng, cô lại thấy khó chịu vì tính cách đó.

Mẹ chồng Hà là người…quá hiền lành (ảnh minh họa)

Bà thương con dâu đêm mất ngủ vì bụng to, nên sáng ra bà đi chợ sớm giúp cô. Nhưng các món đồ bà mua ở chợ đều đắt hơn gấp hai, ba lần so với giá mọi người mua. Các bà hàng thịt, hàng cá thấy mẹ chị Hà hiền lành, nên cứ ra sức “chặt, chém”, còn bà ngại mặc cả nên cứ gật đầu mua liền. Chị Hà biết vậy góp ý nhưng bà chỉ “à, ừ” rồi lần sau vẫn vậy, bà bảo:

-  Thôi con ạ, mình mua cho nhanh để được việc mình.

 Hà đành im lặng không nói gì, và chuyện “lạm phát chi tiêu” trong gia đình đương nhiên sẽ xảy ra. Cô tự an ủi: Thôi, để mẹ đi chợ cũng là một hình thức để bà giải khuây, không bà lại nhớ nhà. Hàng xóm thấy Hà không đi chợ mà là mẹ chồng đi thì xì xầm bàn tán, nhưng mẹ chồng chị cũng chỉ im lặng, chẳng thanh minh giải thích gì…khiến Hà cũng ấm ức vì bị mang tiếng với mọi người.

Hà cũng cảm thấy lạ, bố mẹ chồng cô sống ở thị xã, cũng xầm uất đông vui đâu kém gì Hà Nội, vậy mà sao tính cách mẹ chồng cô lại quá hiền lành, ít nói đến vậy?

Những ngày nghỉ cuối tuần, cô rủ mẹ chồng ra ngoài, đi siêu thị mua sắm hay đi thăm một vài nơi ở Hà Nội, mẹ cô cũng từ chối, bà ngại ra ngoài, ngại tiếp xúc với người lạ. Lần nào bà cũng bảo:

- Thôi, con đi một mình đi, mẹ ở nhà trông nhà cho.

Vậy là bà lại ở nhà thui thủi một mình, khiến Hà cũng cảm thấy áy náy khi đi đâu đó.

Nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng nếu Hà không gợi ý nói chuyện thì mẹ chồng cô cũng chỉ lặng thinh, cứ như là hai mẹ con có chuyện giận nhau, mà thực ra không phải vậy. Hà cảm giác buồn tẻ, cô đơn như cô đang sống một mình chứ không phải cùng mẹ chồng.

Mỗi khi đến cơ quan, nghe các chị cùng phòng kể: nào là mẹ chồng hay nói, mẹ chồng hay đi “buôn dưa lê” với hàng xóm, bà đi chợ “siêu” hơn cả mình v.v…khiến cô không khỏi suy nghĩ và thầm ước: Giá như mẹ chồng mình “ghê gớm” hơn một chút có phải tốt không?

Mẹ chồng sợ… ô sin

- Mẹ ơi, mẹ cứ lên nhà nghỉ ngơi, để bát đấy lát nữa cô Mận rửa cũng được mà.

Chị Minh vội vàng bảo khi vừa đi đám cưới cô bạn thân về, tiện thể tạt qua nhà thấy mẹ chồng hì hụi rửa bát ở dưới bếp.

Mọi ngày chị không về nhà buổi trưa, do cơ quan ở xa, hôm nay về nhà chị mới té ngửa: Thì ra, buổi trưa nào mẹ chồng chị cũng phải rửa bát, trong khi Cô Mận - ô sin nhà chị… thảnh thơi nằm ngủ trưa cùng cu Bậu. Cô Mận lý do: Tại bà cứ tranh làm ấy chứ, nào em có dám đùn đẩy?

Minh lại một lần nữa ngán ngẩm tính cách hiền lành quá của mẹ chồng. Hàng ngày, việc nhà bà vẫn thường tranh làm của ô sin, bà thường bảo với cô:

- Con ạ, mình phải “nhịn” người ta một chút, không có sợ họ lại làm khổ cháu mình.

Nhưng chị Minh thì không thể chấp nhận lý do này của bà, chị thuê người giúp việc là để đỡ đần việc nhà, vậy mà mẹ chồng chị lại cứ cặm cụi làm hết, trong khi cô ô sin làm vừa nhanh, vừa sạch chứ có chậm chạp, cẩu thả đâu.

Chị sợ tính quá hiền lành của bà sẽ làm hư các thành viên trong gia đình (ảnh minh họa)

Ông xã chị Minh dạo này rất ham mê điện tử, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ và công việc của chồng nên chị ra sức can ngăn. Khuyên bảo  mãi mà vẫn thấy chồng không thay đổi, chị nhờ mẹ chồng nói giúp nhưng bà lại lặng thinh. Chị giận dỗi:

- Mẹ “mắng” chồng con giúp con một tiếng, không anh ấy lại nghiện game mất thôi.

- Thôi, mình là vợ thì nhịn đi một tí con ạ. Mẹ cũng phải thường xuyên nín nhịn với bố con cho nhà cửa yên ấm đó thôi.

Đến nước này thì Minh chỉ biết “bó tay”, tuy cô biết “1 điều nhịn, 9 điều lành” nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng sự việc, đằng này rõ ràng là chồng cô sai, vậy mà mẹ chồng cô lại khuyên cô làm vậy?

Thường ngày, cô cho cu Bậu ăn uống rất nhàn, chỉ việc đặt cu cậu vào ghế ngồi ăn và xúc. Vậy mà từ ngày về ở cùng mẹ chồng, biết được bà cưng chiều, cu Bậu cứ làm nũng, khóc lóc đòi bà bế đi vừa chơi ngoài đường vừa ăn khiến chị càng căng thẳng hơn.

Chị sợ rồi một ngày nào đó, tính quá hiền lành, nhường nhịn của bà sẽ làm hư chồng chị, cu Bậu và cả người giúp việc vốn dĩ rất chăm làm giờ đã trở nên lười biếng.

Tính cách mỗi con người mỗi khác, đặc biệt là giữa hai thế hệ như các nàng dâu thời nay và những người mẹ chồng. Phụ nữ thời nay thường năng động, có cách sống và làm việc khá khác biệt với “các cụ” ngày trước, nên chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu khi sống chung dưới một mái nhà là khó tránh khỏi.

Chị Hà, chị Minh bị stress bởi tính cách quá hiền lành của mẹ chồng cũng là do lý do trên, có thể trò chuyện với mẹ chồng để đôi bên hiểu nhau hơn. Các nàng dâu nên dành nhiều thời gian để trao đổi nhiều với mẹ chồng, bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng, lễ phép để mẹ chồng vừa hiểu ra vấn đề vừa tránh làm mất lòng nhà chồng. Cuộc sống sẽ không còn ngột ngạt nếu bạn biết dung hoà các mỗi quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với mẹ chồng.
 
Theo Eva
Chia sẻ