Phát khóc vì... chồng hiền

,
Chia sẻ

Nhiều lúc chị bực quá hỏi: “Ừ là ừ thế nào, người ta có hai phương án mà cứ ừ thì biết là ừ cái nào. Anh nghĩ thế nào thì phải nói rõ ràng ra chứ...”.

- Anh ăn cơm bây giờ hay tắm xong mới ăn để em hâm lại thức ăn?
 
- Ừ.

- Anh mang tiền sang cho mẹ hay để em mang sang. Mẹ bảo trong tuần này mẹ cần đấy?

- Ừ.

- Anh bảo chúng mình nên cho con học nhạc hay học vẽ, nó thì thích cả hai nhưng làm gì có thời gian để học cả hai môn...?

- Ừ.

- Công ty em có đứa nó muốn bán cổ phần, nó mời em mua, anh nghĩ sao, mình có nên mua hay không hả anh? Mua có lợi lắm nhưng mua hết của nó thì mình không đủ tiền, anh có vay được ai không?

- Ừ.

- Mảnh đất nhà mình để không phí quá. Em đang tính có nên xây nhà rồi cho công nhân thuê hay là bán đi mua nhà mặt phố rồi cho người ta thuê thì hơn hả anh? Anh tính thế nào thì hơn?

– Ừ...

Thượng vàng hạ cám, từ những chuyện bé bằng con kiến đến chuyện quyết định nền kinh tế gia đình, tương lai con cái chị Tư hỏi gì anh Đại cũng chỉ Ừ.
 

Nhiều lúc chị Tư bực quá hỏi: “Ừ là ừ thế nào, người ta có hai phương án mà cứ ừ thì biết là ừ cái nào. Anh nghĩ thế nào thì phải nói rõ ràng ra chứ...”

Anh Đại thấy vợ cáu thì gãi đầu, gãi tai bảo: “Em phải biết tính anh chứ. Anh ừ là ừ theo ý em. Em tính thế nào anh cũng đồng ý tuốt”.

Nghe thì thấy anh thật hiền, thật dễ tính, thật yêu vợ, nể vợ, tin vợ, nhưng chị Tư lại thất vọng đến phát khóc vì cái hiền ấy của chồng.

Chị bảo không phải là anh hiền mà là anh vô trách nhiệm với gia đình, là anh lười suy nghĩ, là anh ỉ lại vào vợ...

Chị Tư là người đàn bà nhanh nhẹn, tháo vát, nhưng dù tháo vát, mạnh mẽ đến đâu thì chị vẫn là phụ nữ, là phái yếu. Người phụ nữ nào cũng muốn mình được chồng nâng niu, chiều chuộng, muốn được dựa dẫm, được chở che. Dù chị có thông minh đến đâu thì cũng có lúc chị phải bối rối trước những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, đến tương lai con cái.

Chị rất cần sự ủng hộ, chia sẻ, bàn bạc của người chồng. Vì vậy những tiếng ừ thờ ơ, vô ý thức của anh làm chị khó chịu.

Ban đầu chị bực, bực lắm, nhưng chỉ vài lần thì chị quen đi, dần dần chị thấy có hỏi anh cũng bằng thừa nên chị chẳng muốn hỏi anh nữa cho đỡ phải nghĩ ngợi, đỡ phải bực mình...

Thế rồi thành một thói quen, chị quyết định mọi việc trong gia đình không cần hỏi ý kiến anh nữa. Một mình xoay xở với cuộc sống, lắm lúc chị thấy thật cô đơn bên người chồng hiền lành đến bàng quan, vô trách nhiệm.

Có lần ký được hợp đồng lớn, mừng quá, chị khoe với anh, chị hỏi: “Anh thấy em có giỏi không?”, anh nhìn chị, gật đầu ừ một cách thờ ơ, làm chị cụt cả hứng.

Có lần chị bị lừa, vừa tiếc của vừa giận dữ, lại vừa lo lắng, chị kể với anh, mong anh có ý gì hay giúp chị hoặc chỉ cần một lời an ủi, đơn giản là: Thôi thì của đi thay người, hoặc: Đó là bài học kinh nghiệm... để chị nguôi ngoai, nhưng anh cũng chỉ ừ cụt lủn. Chị không biết anh ừ cái gì, nhưng chị biết lòng mình chán ngán, thất vọng.

Chị yêu cái nết hiền lành, chiều vợ của anh. Chị chọn anh cũng vì thế, nhưng dù người chồng hiền lành đến đâu thì cũng phải cùng vợ gánh vác công việc chung và phải trở thành trụ cột của gia đình.

Đó là trách nhiệm, tình yêu của người đàn ông đối với gia đình. Không có nó, người đàn ông chỉ còn là cái bóng mờ nhạt bên vợ con mà thôi...
 
Theo TGPN
Chia sẻ