Tiến sĩ dinh dưỡng chỉ ra 3 lỗi sai phổ biến khi dùng bột canh, có thể gây hại cho tim - thận
Bột canh là gia vị giúp tăng độ mặn, giúp món ăn đậm đà, ngon hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng bột canh không đúng cách cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Bột canh có gì?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho hay thành phần chính của bột canh là muối rang nghiền mịn và cho thêm các loại gia vị như: hạt tiêu, mì chính, bột ớt... Bột canh là loại gia vị quen thuộc trong gia đình, thường được dùng làm gia vị chấm hoặc nêm nếm cho món ăn.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), có nhiều loại bột canh khác nhau, có loại được dùng để nêm vào món ăn, tẩm ướp đồ ăn, có loại chuyên dùng chấm (hoa quả, thịt luộc, hải sản…).
Tuy nhiên, theo PGS Duy Thịnh, khi sử dụng bột canh mọi người cần phải lưu ý tới vấn đề giảm mặn. Hiện nay người Việt đang ăn mặn, với lượng muối gần gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thói quen ăn mặn có liên quan tới các bệnh lý tim mạch, huyết áp, hại cho thận.
Tiến sĩ Hưng cho biết thêm: “Dùng quá nhiều bột canh có thể dẫn đến tình trạng thừa natri, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, xương khớp. Việt Nam đang tiêu thụ muối quá nhiều so với khuyến nghị, do vậy chúng ta cần phải nâng cao ý thức của người dân về thói quen ăn bột canh”.
“Chúng ta vẫn cần phải sử dụng các gia vị mặn, nhưng phải sử dụng hợp lý để không gây ra các hệ lụy cho sức khỏe”, tiến sĩ Hưng nhấn mạnh.
Lỗi sai phổ biến khi dùng bột canh
Dùng nhiều loại bột canh làm gia vị chấm trên mâm cơm
Theo tiến sĩ Hưng, người Việt dùng nhiều loại bột canh làm gia vị chấm. Vị chuyên gia dinh dưỡng đã từng bắt gặp trên một mâm cơm gia đình của người Việt có tới 2-3 loại bột canh chấm khác nhau. Tuy nhiên, theo chuyên gia, dùng nhiều loại bột canh làm gia vị chấm trên mâm cơm khiến mọi người ăn mặn hơn, nạp nhiều gia vị vào cơ thể hơn và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Dùng bột canh ngay cả khi không cần thiết
Một trong những thói quen khác khiến người Việt dung nạp nhiều muối vào cơ thể đó là việc sử dụng bột canh một cách không cần thiết.
Tiến sĩ Hưng cho biết có một số thực phẩm không cần dùng tới bột canh thì mọi người không nên dùng. Ví dụ như khi ăn hoa quả, có một số loại quả không nhất thiết phải chấm bột canh thì mọi người không nên chấm. Còn với những loại quả có vị chua, mọi người muốn chấm bột canh giảm chua thì cần chấm nhẹ tay.
Ngoài ra, chuyên gia cho biết khi luộc rau, mọi người cũng không nên cho thêm bột canh vì sẽ làm tăng lượng muối tiêu thụ.
Không đọc nhãn thành phần của bột canh
Theo tiến sĩ Hưng, trước khi mua hoặc sử dụng bất cứ loại thực phẩm nào, người dân cũng cần phải có thói quen đọc nhãn mác, bảng thành phần. Đặc biệt, với các gia vị mặn, trong đó có bột canh, người tiêu dùng cần phải nắm rõ lượng natri trong gia vị để có cách dùng hợp lý. Ví dụ, khi sử dụng gói bột canh gia vị trong mỳ ăn liền, vị chuyên gia dinh dưỡng lưu ý chỉ nên dùng 1/3 gói.
Để duy trì sức khỏe tốt, tiến sĩ Hưng lưu ý, mọi người nên chấm ít bột canh hơn và giảm tiêu thụ các món ăn mặn. Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể giảm bớt lượng bột canh thêm vào các món ăn trong quá trình sơ chế thực phẩm. Đối với các món ăn mặn như dưa cà, mọi người nên ngâm vào nước trước khi ăn để loại bỏ bớt muối ra ngoài và giảm vị mặn.
“Hiện nay, gia vị mặn có rất nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn. Do vậy, mọi người cần có ý thức giảm tiêu thụ bột canh hoặc các loại gia vị mặn khi ăn uống để đảm bảo sức khỏe trong tương lai”, tiến sĩ Hưng nói.