Tiến sĩ Diêu Lan Phương: Trời mưa bão cũng chính là "khoảnh khắc giáo dục" nên hãy để con được 1 lần bị ướt vì mưa

Diêu Lan Phương,
Chia sẻ

Có thể nói thời nay, rất nhiều bạn nhỏ gần như không cảm nhận được “một cơn mưa” do chưa bao giờ bị ướt. Các bạn có điều kiện vật chất và được bao bọc nhiều hơn, vì thế mà trải nghiệm cũng ít hơn.

Hãy ngắm mưa đi….

Mình rất nhớ kỷ niệm cách đây 6 năm, khi mình bắt đầu dạy trẻ con. Một hôm, mình cho các bạn tả cơn mưa, hỏi: Các con có biết mưa không, các con thấy mưa thế nào?

Có bạn trả lời: Con ngồi trong ô tô nên con chưa biết mưa thế nào!

Có bạn trả lời: Con ngồi ở trong nhà nên cũng không biết mưa thế nào!

Có bạn trả lời: Mưa thì ướt!

…..

Và hôm đó, để các bạn tả được mưa, mình đã phải lấy một cái chậu nước, vốc những hạt nước để nhỏ giọt làm mưa. Lúc ấy, mới nói cho các bạn biết hạt mưa rớt xuống tí tách thế nào, có tiếng động thế nào, bong bóng nổi lên thế nào… rồi còn té cho các bạn 1 chút nước để các bạn biết “ướt” thế nào. Tư duy của trẻ con cấp 1 là trực quan – cụ thể, thế nên các bạn chỉ có thể viết được, viết tốt khi có trải nghiệm thực.

Tiến sĩ Diêu Lan Phương: "Hãy cho con ướt một chút, rát mặt một chút, để con biết mưa thế nào" - Ảnh 1.

Nhưng có thể nói thời nay, rất nhiều bạn nhỏ gần như không cảm nhận được “một cơn mưa” do chưa bao giờ bị ướt. Thế hệ của các con hôm nay khác với chúng ta rất nhiều. Các bạn có điều kiện vật chất và được bao bọc nhiều hơn, vì thế mà trải nghiệm cũng ít hơn. 

Thế hệ 7x, 8x chắc chắn ai cũng có vài lần tắm mưa, vài lần đội mưa khi đi học về, vài lần chạy ào tránh mưa từ đâu đó, vài lần đá bóng trong mưa… Mưa lãng mạn và mang tính biểu tượng đến mức rất nhiều bộ phim, truyện, thơ… các cặp đều gặp nhau ở chỗ tránh mưa, hẹn nhau dưới mưa, đi dưới mưa, nhớ lại kỷ niệm trong mưa.

Thế nên trời mưa bão cũng chính là một “khoảnh khắc giáo dục”, hãy cho con ướt một chút, rát mặt một chút, để con biết mưa thế nào. Mấy năm trước mình rất ấn tượng với một chị là mẹ của bé Trần Xuân Bách học giỏi nổi tiếng. Hôm ấy trời cũng mưa, lướt facebook của chị, thấy chị cho 2 bạn mặc áo mưa ra chơi ở công viên Cầu Giấy. Đương nhiên cả công viên không có ai vì trời mưa tầm tã. Mình nghĩ chị là bà mẹ dũng cảm và rất có phương pháp.

Tiến sĩ Diêu Lan Phương: "Hãy cho con ướt một chút, rát mặt một chút, để con biết mưa thế nào" - Ảnh 2.

Chúng ta luôn muốn “bão dừng sau cánh cửa”, muốn tất cả đều tròn trịa đẹp đẽ như quảng cáo. Nhưng cuộc đời thực sự không như vậy, không bao giờ như vậy. Và tất cả chúng ta đều sẽ sống trong cuộc đời, sẽ có mưa và nắng, xấu và đẹp, thiện và ác, có những mảng cỏ được cắt gọt cẩn thận trong các khu resort nhưng cũng có những đám cỏ hoang. 

Cuộc sống rõ ràng không phải là mộng tưởng và có lúc chúng ta dường như chỉ được dạy để nhìn và chấp nhận những điều đẹp đẽ đã được cắt gọt, mà gần như không được dạy để có thể nhìn và chấp nhận hiện thực “lộn xộn” như nó vốn có. 

Rồi dần dần chúng ta sẽ quen với việc ấy mà trở nên ít bao dung hơn với những điều không như mình nghĩ; nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nội tâm chúng ta, khiến chúng ta khó lòng vui với cuộc sống hiện hữu, khiến chúng ta né tránh... Đó là nguồn cơn của những căn bệnh tinh thần mà thế giới hiện đại đang phải đối diện.

Cho nên, hãy ngắm mưa đi, để biết là mưa ướt.

Vài nét về tác giả:

Tiến sĩ văn học Diêu Lan Phương, sinh năm 1979 tại Nghệ An. Hiện nay cô là Giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm của CLB Ngôn Ngữ và EQ.

TS Diêu Lan Phương thường xuyên cập nhật những gì hữu ích nhất cho các bố mẹ khi lựa chọn sách cho con, cách giáo dục và dạy con về ngữ pháp, văn học, cảm xúc... từ bậc mầm non đến phổ thông.

Cô cùng ekip đã hỗ trợ chương trình cho hàng trăm CLB đọc ở Hà Nội; giúp tổ chức nhiều CLB đọc sách hoạt động hiệu quả. Cô quan niệm Nhân văn – Thân thiện – Hiện đại là các phạm trù cốt lõi cần theo đuổi của giáo dục hiện đại.

Xem thêm các bài viết của TS Diêu Lan Phương TẠI ĐÂY.

Chia sẻ