Thủy Bốp - single mom đi cùng ung thư: "Valentine này, tôi đủ đầy với tình yêu của Bốp!"
"Bốp đã nghĩ ra quà Valentine cho mẹ rồi, nhưng mẹ cũng phải tặng quà cho Bốp đấy. Bốp muốn 23 giờ trong 24 giờ/ngày của mẹ, mẹ có làm được không?"
Hơn 1 năm sau ngày "hẹn hò" lần đầu, tôi gặp lại Bùi Thu Thủy, single mom xinh đẹp, một trong những "nữ chiến binh" kiên cường chiến đấu với ung thư vú. Câu chuyện cuộc sống của chị, cách chị cùng con bước qua bệnh tật, cách chị làm việc "điên cuồng" vì sợ chết mà chưa kịp lo cho tương lai của con, cách chị đối diện với hai chữ "ung thư" ngày ngày làm mục ruỗng thân thể và tâm hồn mình, đặc biệt là tình yêu và sự chăm sóc của bé Bốp, con trai chị dành cho mẹ đã khiến hàng nghìn người được truyền cảm hứng.
Thủy Bốp giờ rạng ngời hơn, tươi tắn hơn và tràn đầy sức sống, như thể chị chưa từng bị ung thư.
Người đàn bà ấy, Valentine này đã bước sang tuổi 34, đã chinh phục 5 đỉnh núi, 3 lần trong đó là cùng với Bốp, đang lên hàng loạt kế hoạch leo núi, chạy việt dã và khám phá thế giới, vẫn làm việc "hùng hục" chẳng kém dạo trước, nhưng tươi mới hơn, rạng rỡ hơn và... hồn nhiên hơn trước.
"Chị hỏi thật nhé, chị có gì thú vị nhỉ? Chị chỉ là một người đàn bà bình thường chẳng may mắc ung thư vú, trong hàng nghìn người ung thư, một người mẹ bình thường đang cố tận dụng những ngày còn sống để kiếm tiền để dành cho con, để chơi với con, có gì đặc biệt đâu em!".
Nói đoạn, chị bảo: "Hay tại chị xinh nhỉ?" rồi phá lên cười như nắc nẻ, tiếp lời: "Năm ngoái được khen xinh, chị cũng tự tin ghê lắm, tin rằng trong cái đám ung thư, chắc mình thuộc dạng "hot girl" rồi. Năm nay nhìn lại ảnh mới thấy mình kinh quá! Da bủng beo, đầu trọc tếu, nổi đầy gân, lông mi lông mày rụng cả, ngồi vẽ với tô son cả tiếng mà trông vẫn xấu. Chắc mọi người khen cho mình đỡ tủi. Năm nay đỡ nhiều rồi, tóc đã xanh, lông mi lông mày mọc ra đủ dài, nhìn cũng hồng hào hơn tí, nhỉ?".
Hơn 1 năm sau lần hóa trị cuối cùng, Thủy Bốp đã chinh phục được 5 đỉnh núi và đi chu du nhiều nơi.
Hơn 1 năm qua, Thủy Bốp đã đạt được nhiều thành tựu nho nhỏ của riêng mình: khám phá được 5 đỉnh núi, 3 lần đưa Bốp đi leo núi trong nước để "tập dợt" cho ước mơ chinh phục được đỉnh Everest cùng mẹ, hoặc ít nhất, để mang di ảnh mẹ lên đỉnh núi cùng mình, dồn hết vốn liếng qua mấy mùa trung thu và Tết "cày hùng hục" với bếp online để mở 2 nhà hàng, 1 phục vụ đồ Âu và 1 chuyên ốc để có thêm thu nhập và làm từ thiện, đang tập gym để chuẩn bị cho cuộc thi chạy việt dã và leo núi cùng Bốp ở nước ngoài vào tháng 5, lên kế hoạch đi nước ngoài nhiều hơn để leo núi và du lịch.
Sắp gia nhập một cuộc thi chạy 21km, chị dành thêm thời gian để luyện tập thể lực.
Dù đã có kinh nghiệm leo núi và phượt, những bài tập nặng vẫn là thử thách với sức khỏe của chị.
Không giống như những người già sợ đếm tuổi, Thủy Bốp không tránh nói về cái chết, thậm chí còn rất "bạo miệng" khi đong đếm thời gian của mình. "Ngày xưa sinh nhật toàn được các bạn chúc xinh đẹp, kiếm nhiều tiền. Bây giờ thì chỉ thấy chúc mạnh khoẻ, sống lâu... Chị mới có 34 tuổi, sống thế nào cho đủ lâu bây giờ?
Trong khi mẹ Thủy hào hứng với tương lai trong 22 năm tới, Bốp "giao hẹn": mẹ không được chết đâu đấy!
Hôm trước, bạn chị đi xem tử vi, bảo chị sẽ sống đến năm 56 tuổi, sau đó nếu còn duyên sẽ sống tiếp, được bao năm thì bao, coi như là phần lời. Chị sướng quá reo lên: "Thế nhiều quá rồi! Còn tận 22 năm nữa cơ!". Bốp thì bĩu môi, bảo rằng: "22 năm ít quá, lúc ấy con mới bằng tuổi mẹ bây giờ thôi, mẹ chưa thể chết được". Thế mới thấy con người tham, nhỉ? 22 năm nữa, với người ung thư là quá nhiều rồi ấy chứ!" - chị bảo.
Nhìn vào sự rạng ngời, tươi tắn của Thủy Bốp, cái cách chị khoe má lúm đồng tiền mỗi khi cười, cách chị nhìn sâu vào mắt người đối diện, trong mắt ánh lên niềm lấp lánh, có thể thấy chị không đùa. Chị ham sống, nhưng không tham nhiều, mà tham chất lượng, tham sống trọn vẹn từng giây phút còn hiện diện.
Gia đình nhỏ của hai mẹ con đã có thêm "thành viên" mới, suốt ngày chạy nhảy và vồ vập người, "tung tăng y như chủ" .
"28 ngày 1 lần chị lại đi xét nghiệm và tiêm thuốc, cộng với cả vốc thuốc uống hằng ngày. Cái kim, chị thề với em, nó to hơn kim tiêm voi, xuyên thẳng vào bụng. Nhưng cảm giác bị tiêm không sợ bằng cảm giác chờ đọc kết quả xét nghiệm, hồi hộp hơn lúc đi lấy chồng. Lần gần đây nhất, chỉ số ung thư của chị hơi tăng, còn những chỉ số khác thì đẹp long lanh. Chứng tỏ chế độ ăn lành mạnh, chăm tập thể dục và việc "lượn" đi khắp nơi chơi bất cứ khi nào ngơi việc của chị có hiệu quả. Còn chỉ số ung thư tăng thì... kệ nó thôi".
Người đàn bà ấy sống gấp, sống vội theo trọn nghĩa của từ này, vì như chị bảo, 1 năm cũng quý, huống hồ, nếu may mắn, chị sẽ sống thêm được 22 năm và hơn thế. Chị muốn dành thời gian để dạy con, chơi với con, tạo dựng thật nhiều kỷ niệm bên con. Chị vẫn không ép Bốp học quá nhiều, không kỳ vọng con sẽ học xuất sắc. Chị kể, học kỳ 1 vừa rồi, Bốp có môn thi bị điểm kém, hai mẹ con chỉ lo Bốp sẽ... đúp học. Nhận kết quả con là 1 trong 8 học sinh tiên tiến của lớp, mẹ thở phào, còn con thì... nhảy cẫng lên reo: "Yeah, thế là tốt rồi!".
"Tôi ham sống, nhưng không phải ham sống lâu, mà muốn sống trọn vẹn những tháng ngày mình còn trên đời".
Bốp đã lên cấp 2, vẫn yêu thương và bảo vệ mẹ như một người đàn ông nhỏ tuổi, vẫn chăm chỉ làm việc nhà, vẫn đồng hành với mẹ trong hành trình sống và chia sẻ đam mê chinh phục những đỉnh núi, muốn trở thành nhà thám hiểm khi lớn lên. Bốp vẫn vừa già đời vừa ngây thơ, vẫn ngọt ngào và đáng yêu, nhưng đã bắt đầu có xíu xiu thay đổi của tuổi ẩm ương. Sự thiếu vắng sự có mặt của một người đàn ông lớn hơn để Bốp noi gương, đó có lẽ là điều chị Thủy trăn trở nhất trong lúc này. Và củng bởi thế, Bốp "đòi hỏi" ở mẹ nhiều hơn nữa những yêu thương, và như mẹ Thủy nói đùa, "tham" lắm!
- Bốp à, Bốp biết ngày Valentine là ngày gì không?
- Ngày Tình nhân chứ gì, con biết thừa. Ngày đấy con trai phải tặng quà người con gái mình thích, mẹ ạ.
- Đúng rồi con ạ. Nhưng cũng không nhất thiết là con trai tặng quà con gái đâu. Mình có thể tặng quà cho ai đó mình yêu thương cũng được, ví dụ như Bốp có thể tặng quà cho mẹ.
- Hôm trước, Bốp vừa dành tiền mừng tuổi tặng quà cho mẹ rồi còn gì. (Bốp mua tặng mẹ đôi giày trek 1,3 triệu - món quà mà Bốp biết mẹ rất cần trong những chuyến thám hiểm. - PV) Thôi được rồi, lần này con vẫn tặng quà mẹ nữa nhé. Con nghĩ ra rồi, đó sẽ vẫn liên quan đến đam mê chung của hai mẹ con. Ơ thế mẹ cũng phải tặng quà lại cho con chứ?
- Được thôi, Bốp muốn gì nào? Món quà nào mà con muốn mẹ tặng nhất?
- Con muốn chơi với mẹ thôi. Mẹ phải dành thời gian cho con thật nhiều vào. Con muốn mẹ chơi với con 23 giờ/ngày cơ, không phải nửa tiếng/ngày như bây giờ đâu!
- Thế Bốp có thể dành 23 giờ/ngày cho mẹ được không? Bốp không ngủ à, không học à, còn ăn uống, dọn nhà, còn dắt em (chú cún cưng, bạn mới của hai mẹ con - PV) đi vệ sinh nữa chứ?
- Được, con sẽ dồn tất cả các việc đấy vào làm trong 1 giờ thôi, 23 giờ còn lại con dành cho mẹ, và mẹ hứa phải chơi với con đấy!
23 giờ/ngày dành cho Bốp, mẹ Thủy không làm nổi. Có lẽ cũng chẳng người mẹ nào làm nổi. Nhưng cái đòi hỏi ngây thơ của Bốp, sự "nghiện" mẹ của Bốp và nổi ám ảnh về thời gian có thể ở cạnh nhau, những việc có thể làm cùng nhau của hai mẹ con nhắc người ta nhớ một sự thật phũ phàng: chị Thủy vẫn đang theo dõi ung thư, vẫn đang từng ngày chống chọi và chiến đấu để có thêm một ngày ở bên con.
Bà mẹ đơn thân khởi sự kinh doanh một nhà hàng nhỏ mấy tháng nay, nên cũng đôi phần bận rộn hơn.
Chị có khi đứng bếp, có lúc tự tay làm bưng bê, nên ít nhiều thời gian dành cho Bốp ít đi.
Tôi hỏi: "Valentine này, có Bốp, tình yêu của Bốp, có món quà bí mật mà con trai ấp ủ sẽ dành tặng, chắc chị chẳng cần một người đàn ông nào nữa?", Chị cười ngất, bảo: "Ơ hay, sao lại không cần? Cần chứ! Phụ nữ mà bảo không cần đàn ông, 100% nói dối em ạ. Chị cần lắm chứ, nhưng có điều, ngày xưa nhiều anh vây quanh tán tỉnh chị, giờ thì chẳng thấy một ai. Do tác dụng của thuốc, do môi trường làm việc hiện tại, do những người mình lựa chọn tiếp xúc hay do người ta né mình chưa biết chừng, chị không quen thêm được một người đàn ông mới nào, chứ đừng nói là yêu đương. Nhưng cái "cần" đàn ông, có lẽ đó là vấn đề tâm lý thôi, còn cơ thể chị thì...
Thế nên, có thể nói, chị cảm thấy đủ với tình yêu của Bốp, đủ với việc sáng sáng đưa con đi học; ngồi dành thời gian "ủ mưu" xem mình có thể phát triển kinh doanh thêm cái gì, ở đâu; ra cửa hàng kiểm tra tình hình, có lúc phải đứng bếp, bưng bê; trưa về đi chợ và nấu nướng, ăn cơm với Bốp; chiều đi tập gym, yoga; tối lại ra cửa hàng và tranh thủ thời gian chơi với con.
Có những ngày như thế này, Bốp ra quán chơi, chỉ để được ở gần mẹ.
Những ngày cuối tuần, Bốp có thể ra quán cùng mẹ, để giúp mẹ mấy việc lặt vặt, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc hai mẹ con có thể chơi cùng nhau. Những ngày thư thả hơn, như dịp này chẳng hạn, chị đi leo núi, đi chơi với nhóm bạn thân, đi trek ở nước ngoài. Hè này, Bốp sẽ lần đầu tiên được leo núi ở nước ngoài với mẹ. Rồi chẳng mấy mà đến mùa trung thu, mùa Tết, chị lại lao vào làm đồ ăn homemade, làm ngày làm đêm chẳng có thời gian mà thở nữa. Chừng đó thôi cũng đủ hết năm rồi!".
Còn sống sót, và còn Bốp ở bên, thế đã đủ khiến chị hạnh phúc.
"Ngày nào còn có tình yêu của Bốp, ngày đó là một Valentine của tôi".
Chị vẫn còn nhiều ngày chiến đấu, nào là thuốc, là tiêm, là những ngày giã từ dần thiên tính nữ trong cơ thể mình, giết dần người đàn bà trong mình để được sống. Thế nhưng, việc được làm mẹ của cậu bé 11 tuổi yêu mẹ đến vô ngần là Bốp, từng ngày đếm những khoảnh khắc yêu thương, thì có lẽ, đã quá đủ và trọn vẹn cho một ngày Valentine ngọt ngào.