Thường xuyên đau đầu, người đàn ông tá hỏa khi biết mình có nguy cơ mắc căn bệnh cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người Việt mỗi năm
Bác sĩ cho biết với các bệnh lý mà anh M. gặp phải, anh có nguy cơ cao bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim bất kì lúc nào.
Ngày 4/11, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, gần đây nơi này tiếp nhận điều trị cho người bệnh B.V.M. (43 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu).
Anh M. bị béo phì, thường xuyên bị đau thắt ngực, đau đầu, chóng mặt và tim đập hồi hộp và còn có tiền sử bệnh đái tháo đường. Tại BV, các bác sĩ chẩn đoán anh M. bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường type 2.
Với các bệnh lý nói trên, các bác sĩ đánh giá người bệnh có nguy cơ cao bị các biến cố tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Sau đó người bệnh được các bác sĩ tư vấn và điều trị bằng thuốc để giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, ông M. cũng được hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để đạt hiệu quả điều trị tốt.
Sau 3 tuần điều trị bằng thuốc kết hợp với việc ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục đều đặn, tình trạng sức khỏe của ông M. ngày càng cải thiện.
PGS Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD cho biết theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu người tử vong do bệnh tim mạch.
Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người mỗi năm, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số.
Tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa như tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành ngày càng gia tăng. Nguy hiểm hơn, những năm gần đây, số lượng người bệnh tim mạch chuyển hóa ngày càng bị trẻ hóa, không ít người đang trong độ tuổi lao động.
"Hiện nay ở người trên 60 tuổi, cứ 2 người thì có 1 người bị tăng huyết áp, tỷ lệ chiếm hơn 50%. Ở người trưởng thành tỷ lệ bị tăng huyết áp là hơn 25%. Bệnh đái tháo đường cũng tăng nhanh, được coi là đại dịch khi chiếm 8%.
Bên cạnh đó, tỉ lệ rối loạn mỡ máu còn cao hơn tỉ lệ bị đái tháo đường. Đây là những bệnh có tỉ lệ mắc ngày càng cao trong cộng đồng. Khi mắc phải những bệnh tim mạch chuyển hóa này, người bệnh dễ gặp phải biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…" - PGS Bình nói.
Bác sĩ cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều các loại thuốc có thể kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, đái tháo đường. Việc điều trị bệnh tim mạch chuyển hóa đang phát triển theo hướng sử dụng các loại thuốc chuyên biệt theo từng đặc điểm của người bệnh.
Ngoài ra, việc kết hợp chế độ ăn uống, tập luyện đều đặn sẽ góp phần quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh tim mạch chuyển hóa.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên có lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, đầy đủ các chất dinh dưỡng, tập luyện đều đặn, tránh stress và giữ cân nặng lý tưởng để có thể giảm thiểu nguy cơ mắc những bệnh tim mạch chuyển hóa.
Các bệnh tim mạch chuyển hóa thường không có triệu chứng cụ thể, vì vậy phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh bệnh chuyển hóa nặng.