25% dân số Việt Nam đang mắc bệnh tim mạch: Để phòng bệnh bạn hãy thực hiện ngay 5 thay đổi nhỏ này
Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, hiện Việt Nam có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.
Bệnh tim mạch đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người Việt. Đây là 1 trong 4 loại bệnh không lây nhiễm nhưng lại có số ca tử vong, người mắc bệnh ngày càng cao.
Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, hiện Việt Nam có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.
Các chuyên gia cho biết, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Ngoài ra, chi phí cho chăm sóc và điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỉ USD mỗi năm.
Thực ra, để tránh xa bệnh tim mạch không quá khó, 5 thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày sau đây sẽ giúp bạn tránh xa căn bệnh này.
Hãy ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc trong từ 7-8 tiếng mỗi ngày là thay đổi nhỏ đầu tiên giúp bạn phòng ngừa bệnh lý tim mạch bởi thức khuya, thiếu ngủ không những làm hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu dần mà còn tăng tỉ lệ mắc bệnh tim mạch.
Khi thiếu ngủ, các mạch máu co lại, huyết áp tăng, tạo áp lực lên tim nhiều hơn. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tim mạch như: bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, cao huyết áp…
Để ngủ sâu và ngon hơn, bạn hãy đi ngủ đúng giờ, không thức quá khuya, tránh ăn no hoặc uống nhiều nước trước khi ngủ.
Thay đổi thói quen ăn uống
Một chế độ ăn hợp lý sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Trong đó, bạn cần lưu ý một số điều sau để phòng chống nguy cơ mắc bệnh tim mạch:
- Hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol cao như: bơ, thịt đỏ, sữa béo, thịt mỡ, gan… và các loại thức ăn nhanh chế biến sẵn.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín (400gram/ngày/người).
- Ăn nhiều các loại thực phẩm giàu omega 3, omega 6 như cá và đậu nành (đây là các axit béo tốt cho tim mạch).
- Hạn chế ăn mặn, tiêu thụ dưới 5g muối/ ngày theo khuyến cáo của WHO vì sức khỏe tim mạch.
Mỗi tuần không xem TV quá 7 tiếng
Ngồi quá lâu 1 chỗ mà không vận động có thể gây ra các bệnh tim mạch như suy tim, xơ cứng động mạch vành, huyết áp cao, động mạch vành… Trong khi đó ngày nay, nguyên nhân chủ yếu khiến mọi người ngồi nhiều đó là sử dụng máy tính, điện thoại, TV trong thời gian dài.
Một nghiên cứu đã phát hiện rằng xem TV 1 tiếng mỗi ngày sẽ tăng 7% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Nếu xem TV quá 4 tiếng mỗi ngày, chúng ta sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên 28%.
Đặc biệt, nếu vừa xem TV vừa sử dụng đồ uống có tính kích thích như trà đặc, cà phê hoặc rượu… sẽ làm tăng gánh nặng cho tim.
Theo các chuyên gia, người cao tuổi chỉ nên xem TV khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày, đồng thời không nên sử dụng đồ uống có khả năng kích thích cao.
Mỗi ngày uống không quá một cốc rượu
Chỉ 10 phút sau khi uống rượu, nồng độ ethanol trong máu sẽ tăng lên gây suy yếu lực cơ tim, gây rối loạn tuần hoàn máu. Đây cũng là lý do vì sao người nghiện rượu dễ mắc bệnh cơ tim, cơ tim nhão và chùng xuống, đồng thời thường xuyên xuất hiện các triệu chứng như thở gấp, tim đập không đều, ho khan liên tục,…
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indiana khuyến cáo, mỗi người chỉ nên uống nhiều nhất 1 cốc rượu/ngày.
Tập thể dục thường xuyên
Theo GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam chia sẻ "Người trẻ cần dành thời gian hoạt động thể lực từ 30 - 60 phút/ngày, ít nhất 4 ngày/tuần, tốt nhất là đều đặn hàng ngày để tăng cường sức khỏe tim mạch".
Bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga rất tốt cho sức khỏe trái tim, phòng tránh bệnh mạch vành, đột quỵ.