Thực phẩm an toàn: Hiếm và đắt

Theo ANTĐ,
Chia sẻ

Ngày 20-12, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo “Vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản xuất tới tiêu dùng”. Tết càng đến gần, nhu cầu thực phẩm nói chung và thực phẩm an toàn nói riêng càng cao. Tuy nhiên, thị trường thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Thực phẩm an toàn: Hiếm và đắt 1

Cần mở rộng mạng lưới phân phối thực phẩm an toàn

Khó từ bỏ chợ truyền thống

Ông Hồ Quốc Khánh- Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, lượng hàng lưu thông qua các kênh phân phối hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 20%; 80% còn lại lưu thông qua các chợ truyền thống, chợ cóc, hàng rong... Mặt khác, “chợ truyền thống giữ thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập, được mặc cả. Tuy nhiên, hàng hóa phân phối tại chợ khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng tươi sống không bao bì, tem nhãn”- ông Khánh nói.

Trong khi đó, thực phẩm như rau quả tươi, thủy hải sản... bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn được kiểm định nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lại chiếm tỷ lệ thấp, hàng hóa đơn điệu. Thực tế này chứng minh người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn khi mua thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, do được nuôi trồng với tiêu chuẩn nhất định, phân phối trong siêu thị nên giá cả các mặt hàng này thường cao hơn hàng hóa bán trong chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc.

Trong năm 2012, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm nghiệm 19.354 mẫu thực phẩm với các loại thực phẩm khác nhau tại 29 quận, huyện. Kết quả thu được là hầu hết các mẫu đều có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn. Cụ thể, về thịt gia súc, gia cầm, có 53,4% mẫu vượt mức giới hạn tối đa cho phép (viết tắt là vượt mức- PV) tổng vi khuẩn hiếu khí; 13,5% mẫu vượt mức vi khuẩn E.coli; 7,4% mẫu thịt vượt mức vi khuẩn Salmonella; 4,1% mẫu thịt dương tính với Clebuterol; 9,5% mẫu thịt dương tính với Salbutamol; có 3,28% mẫu thịt không đạt yêu cầu chỉ tiêu vệ sinh thú y.

Ở các mẫu rau, có 3,3% vượt mức vi khuẩn E.coli; 3,3% mẫu vượt mức kim loại nặng; 10,8% mẫu vượt về hàm lượng nitrat; 9,2% mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Về mẫu quả, có 15,9% mẫu vượt mức vi khuẩn E.coli; 2,3% mẫu vượt mức kim loại nặng. Về mẫu thủy sản, có 16% mẫu vượt mức tổng vi khuẩn hiếu khí; 2,1% mẫu thủy sản biển có hàm lượng Histamin. 12% mẫu thủy sản nước ngọt vượt mức tổng vi khuẩn hiếu khí; 1,1% mẫu thủy sản nước ngọt vượt mức về hàm lượng chì.

Bất cập trong xử lý vi phạm

Ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt cho rằng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn nhức nhối vì Luật An toàn thực phẩm chưa được thực hiện nghiêm; ý thức của người sản xuất, người tiêu dùng chưa cao; chưa tạo điều kiện đầy đủ cho sản xuất thực phẩm an toàn, vệ sinh.

“Bên cạnh đó, có lý do từ việc các cơ quan chức năng xử lý không công bằng đối với các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn và các cá nhân, đơn vị kinh doanh tự do có sản phẩm mất an toàn, không rõ nguồn gốc. Ví dụ, các đơn vị sản xuất an toàn bị kiểm tra rất nghiêm ngặt, thiếu giấy tờ nào là phạt giấy đó, chưa đủ điều kiện theo luật cũng phạt, thiếu hóa đơn… đều bị phạt và thường xuyên kiểm tra. Trong khi đó, các cá nhân, doanh nghiệp ở các chợ, các cửa hàng nhỏ lẻ thì thoải mái, chẳng giấy phép, chẳng đủ điều kiện, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thiết bị bảo quản không đạt yêu cầu… lại rất ít khi bị phạt”- ông Nam thẳng thắn.

Không những thế, thực phẩm tươi sống không sử dụng chất bảo quản độc hại thì thực phẩm dễ hỏng, buộc doanh nghiệp phải hủy, thiệt hại về kinh tế nhưng thực phẩm có sử dụng chất bảo quản thì vẫn được bán tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng vẫn sử dụng, dẫn đến sản phẩm an toàn khó cạnh tranh với sản phẩm không an toàn. Đại diện một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng cho hay, rau quả, thực phẩm trong siêu thị bán không chạy bằng các chợ dân sinh.

Chia sẻ