Thực phẩm kém chất lượng, nỗi lo của người dân dịp Tết
Đó là suy nghĩ của đại đa số người tiêu dùng khi thời điểm chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là Tết Nguyên đán.
Chị Nguyễn Thị Thủy (nhà ở tập thể Nam Đàn, Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra lo ngại: "Trên ti vi, báo đài, hôm nào tôi cũng thấy nói ra rả về thực phẩm "bẩn". Quê tôi ở Hưng Yên, cuối tuần về quê, vợ chồng tôi lại tha hồ mang rau, củ, quả, thậm chí cả thịt lợn, thịt gà lên cho vào tủ lạnh để đủ ăn cả tuần, chứ mua ở Hà Nội nhìn thì tươi nhưng chưa chắc đã đảm bảo an toàn". Cũng theo chị Thủy, thời điểm Tết Nguyên đán sắp đến, chắc chắn giá cả thực phẩm sẽ tăng vọt nên gia đình chị quyết định sẽ dự trữ để ăn dần. Đó còn chưa nói đến đồ "bẩn" cũng sẽ được tuồn vào thành phố trong những ngày thực phẩm khan hiếm.
Cùng lo ngại này, bác Đặng Thùy Vinh, giáo viên nghỉ hưu (nhà ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi giờ về hưu chỉ nghỉ ở nhà nội trợ cho con cháu. Mỗi bữa xách làn đi chợ, tiêu như mất cắp mà cứ lo ngay ngáy mua phải hàng kém chất lượng. Tết năm nay, nếu kiểm soát không chặt, để hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ lãnh đủ. Vừa mất tiền, vừa ăn thêm bệnh tật vào người".
Thời điểm này, ghé qua các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, lượng người mua đã tăng đột biến. Siêu thị BigC Thăng Long ngày bình thường cũng đông như ngày nghỉ. Nhân viên nhiều quầy thu ngân phải đặt biển tạm ngừng hoạt động để thanh toán từng đợt cho người mua hàng xếp dài ở dãy thu ngân. Chị Minh, nhân viên thu ngân ở đây cho biết: "Đa số nhu cầu người dân mua tích trữ để đón Tết Nguyên đán. Hàng hóa được lựa chọn sớm chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm khô, có thể để lâu dài được".
Phỏng vấn nhanh một vài bà nội trợ ở đây, PV được biết, họ đến đây chỉ mua đồ khô. Vì nhiều gia đình đã về quê đặt hàng với người thân hoặc hàng xóm nuôi gà chạy bộ, lợn không cám tăng trọng từ mấy tháng nay. Họ chỉ đợi giáp Tết về là nhờ giết mổ rồi mang lên Hà Nội yên tâm với thực phẩm sạch. Nhiều gia đình còn cầu kỳ hơn, bỏ thời gian lên vùng cao đặt lợn rừng lợn mán để ăn Tết. Với những hàng "xịn" như vậy, họ không quan tâm về mặt giá cả.
Chị Liên, nhân viên ngân hàng Hoàn Kiếm (Hà Nội), một người đã có 3 năm kinh nghiệm lên vùng cao Hòa Bình đặt lợn mán chia sẻ: "Đi xa, mất công mất sức, giá thành có thể cao nhưng được cái thực phẩm thật. Năm ngoái, tôi nhờ một gia đình người Mường thả cho một đàn gà 20 con về ăn Tết, vừa nhà ăn, vừa làm quà biếu".