Thực phẩm sạch: Còn chờ dài dài!
Xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” là giải pháp mang tính đột phá trong tình hình hiện nay. Tuy đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng chuỗi thực phẩn an toàn nhưng để có những sản phẩm “sạch” đúng nghĩa, chắc phải còn chờ lâu.
Đầu tư mạnh
Từ năm 2009, Sở Y tế TPHCM đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương và các sở ngành liên quan ở các tỉnh để triển khai mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi (như chuỗi trứng gia cầm, chuỗi thịt gia súc, gia cầm, chuỗi rau củ quả...) nhằm kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.
Từ đó đến nay, đã có một số DN được cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm sạch như Công ty Hải Đức, Đà Lạt Gap (tỉnh Lâm Đồng), chuỗi trứng gà của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam... Trước khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh vận động phong trào này, có lẽ, C.P là thương hiệu đầu tiên “hiện thực hóa” chuỗi sản xuất sạch với công thức 3F. Với chứng nhận về chuỗi trứng gà, C.P Việt Nam tiếp tục triển khai chuỗi thực phẩm sạch trên tất cả các lĩnh vực, từ chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản.
Năm 2011, Công ty C.P đã từng tuyên bố xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước cung cấp thực phẩm sạch. Để thực hiện tham vọng này, C.P Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, cùng với việc phát triển hệ thống chăn nuôi khép kín để hỗ trợ việc xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch.
Theo ông Chamnan Wangakkarangkul - Phó tổng giám đốc C.P Việt Nam - việc xây dựng chuỗi 10.000 cửa hàng phân phối là bước đi cuối cùng trong việc khép kín quy trình kinh doanh, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, đầu tư trang trại chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Đây là mô hình mà C.P đã thực hiện thành công tại Thái Lan.
Nhận thấy đây là xu hướng tất yếu của thị trường, thời gian qua, các DN của Việt Nam cũng đã mạnh dạn đầu tư để tiến đến hoàn thiện chuỗi. Cụ thể, Công ty Ba Huân đã đầu tư xây trang trại chăn nuôi tại Bình Dương trên diện tích 18ha và dự kiến trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm sau, cung ứng khoảng 62,5 triệu trứng/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Công ty Vissan cũng đã đầu tư 2.600 tỷ đồng để xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm khép kín, tạo tiền đề hướng tới việc sản xuất sạch. Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cho biết xây dựng trại là cách để đảm bảo nguồn cung sạch, ổn định cho việc đưa trứng Ba Huân ra thị trường.
Không dễ
Ông Trương Vĩnh Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, một trong số ít DN được thành phố chọn triển khai chuỗi thực phẩm sạch - cho biết không dễ để triển khai, hoàn thiện được chuỗi sản xuất sạch do DN Việt Nam gặp rất nhiều hạn chế bởi eo hẹp về tài chính lẫn chuyên môn. Theo ông Thiện, với lượng trứng bán ra thị trường bình quân 500.000 quả/ngày, Vĩnh Thành Đạt không thể tổ chức chăn nuôi mà phải liên kết.
Tuy nhiên, phương án này cũng không mấy khả thi. Bởi, hơn một năm nay, DN này vẫn khó có thể tìm được tiếng nói chung với đơn vị chăn nuôi trong việc chọn con giống nào, sử dụng thuốc gì, thức ăn gì...
Ngay cả với C.P Việt Nam, được xem là đã hoàn thiện được công thức 3F thì việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng không đúng với kế hoạch mà đơn vị này hướng đến. Việc triển khai thêm các cửa hàng bán lẻ của C.P cũng đang giậm chân tại chỗ và mô hình C.P Freshmart đang hoạt động kém hiệu quả. Chủ yếu, sản phẩm của C.P vẫn chỉ có mặt trong các siêu thị lớn và thị trường bên ngoài siêu thị xem như bỏ ngỏ.
Nhìn vào lợi ích của chuỗi sản xuất và thực tế ngành nông nghiệp hiện nay, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - cho rằng các DN trong nước không phải là thiếu vốn mà thiếu một chiến lược dài hạn cho vấn đề này.Bên cạnh đó là thiếu sự quyết tâm của Nhà nước, thiếu kế hoạch định hướng cho người tiêu dùng cũng như định hướng cho công nghiệp phát triển liên kết với các vùng nông nghiệp.