Thực hư chuyện Bệnh viện Nhi đồng 1 lấy căng tin làm phòng điều trị tay chân miệng và sởi cho trẻ vì quá tải
Thông tin trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi tăng đột biến tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khiến khoa Nhiễm không còn chỗ chứa, phải đưa bệnh nhi xuống nằm ở căng tin gây hoang mang cho nhiều phụ huynh.
Chiều 5/10, Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã có buổi kiểm tra công tác điều trị trẻ bị tay chân miệng tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1.
Làm việc với đoàn kiểm tra, BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tính đến hết tháng 8 và hai tuần đầu tháng 9 so với cùng kỳ số ca mắc bệnh tay chân miệng vẫn thấp hơn.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiểm tra công tác điều trị, phòng chống bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1.
Tuy nhiên hai tuần cuối tháng 9, lượng bệnh bất ngờ tăng đột biến. Hiện tại, khoa Nhiễm – thần kinh đang tiếp nhận điều trị cho 155 trẻ bị tay chân miệng, trong đó có 2 bệnh nhi thở máy, 1 bệnh nhi quê Bến Tre vì quá nặng đã tử vong.
Riêng bệnh sởi, tại khoa còn 20 bệnh nhi điều trị và mùa sốt xuất huyết vẫn còn.
Nhiều bệnh nhi nằm ngoài hành lang vì phòng bệnh quá tải.
Phụ huynh mệt nhoài đưa con đi chữa bệnh.
Tại BV Nhi đồng 2, bệnh nhi nội trú tay chân miệng tăng 13% ở hai tuần cuối tháng 9. Mỗi ngày có 50 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện, trung bình có khoảng 110 đến 120 bệnh nhi tay chân miệng điều trị nội trú.
BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết hiện khoa có 116 trẻ tay chân miệng đang điều trị và tại đây đã có 2 trường hợp tử vong.
Cảnh tượng bệnh nhi nằm la liệt vì tay chân miệng khiến ai cũng nhói lòng.
Tình trạng bệnh nhi tay chân miệng tăng cũng diễn ra tại BV Nhi đồng TP, khi nơi đây dự tính mở rộng thêm 40 giường phục vụ công tác điều trị tay chân miệng.
Sắp tới, ba BV Nhi tuyến cuối tại TP.HCM sẽ phối hợp để mời chuyên gia người Đài Loan qua huấn luyện, báo cáo kinh nghiệm của Đài Loan trong xử lý tay chân miệng do Entorovirus 71 gây ra đại dịch cách đây 20 năm.
Lúc cao điểm, khoa Nhiễm phải điều trị cho hàng trăm bệnh nhi.
Trước tình hình 3 bệnh đang diễn biến phức tạp cùng lúc, BV Nhi đồng 1 đã khẩn trương thiết lập những biện pháp chủ động ứng phó như:
- Lập kế hoạch tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh tay chân miệng, xây dựng cụ thể các phương án tiếp nhận, cách ly người bệnh từ các phòng khám đến khu nội trú.
- Chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly tại khoa Nhiễm và khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiếp nhận bệnh nhân.
- Xây dựng các phương án điều phối các bệnh lý nhiễm trùng từ khoa Nhiễm sang các khoa khác nhằm tăng tối đa số lượng giường bệnh tại khoa Nhiễm phục vụ bệnh tay chân miệng.
- Tổ chức 3 đội cơ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng luôn sẵn sàng 24/24 để tiếp ứng khi có dịch bệnh xảy ra cả trong và ngoài bệnh viện.
- Vận hành và diễn tập thường xuyên Quy trình cấp cứu code blue.
- Triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao chuyên sâu trong hồi sức bệnh nhân bệnh tay chân miệng nặng như điều trị Gamaglobulin, Milrinone, lọc máu liên tục…
- Tổ chức các lớp huấn luyện cho 100% bác sĩ điều dưỡng trong bệnh viện về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tay chân miệng.
- Huấn luyện đào tạo cho nhân viên y tế các bệnh viện thành phố và tỉnh về bệnh tay chân.
- Tổ chức thông tin truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng cho thân nhân qua nhiều hình thức.
- Phối hợp Trung tâm y tế dự phòng TP tổ chức tập huấn cho các giáo viên mầm non về bệnh tay chân miệng theo đề nghị của Sở Giáo dục TP.
- Dự trữ và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, vật tư cần thiết phục vụ chống dịch bệnh tay chân miệng.
Giám đốc BV cho biết thông tin bệnh nhân phải nằm ở căn tin vì quá tải là không chính xác.
Những ngày gần đây, dư luận đang hoang mang về thông tin trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi tăng đột biến tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khiến khoa Nhiễm không còn chỗ chứa, phải đưa bệnh nhi xuống nằm ở căng tin.
Đính chính cho việc này, BS Hùng cho biết từ năm 2018, BV đã cải tạo lại khu đất ở vị trí căn tin cũ trước đây thành khu cách ly dự phòng (khoảng 40 giường) dành khi các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết khi tăng cao bất thường. BV cũng đã xây dựng khu căn tin mới cho nhân viên và bệnh nhân.
Bệnh tay chân miệng năm nay đánh dấu sự trở lại của chủng virus EV71.
Vừa hoàn thành hồ sơ bệnh án cho hàng loạt trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, điều dưỡng Phạm Kim Huệ ăn tối khi đồng hồ đã chỉ 23 giờ. Đêm 5/10, chị cùng các đồng nghiệp khoa Nhiễm phải gồng mình chăm sóc hơn 230 trẻ, trong đó có 130 trường hợp tay chân miệng, 19 bé bệnh sởi.
"Có những ngày cao điểm, số bệnh nhi tay chân miệng tăng vọt lên hơn 220. Khoa phải tăng cường thêm 6 phòng bệnh, chuyển đổi công năng phòng nghỉ nhân viên, đưa trẻ xuống khu cách ly dự phòng là căn tin cũ để giảm bớt quá tải" - một điều dưỡng tại khoa cho biết.
Nhập viện đông, xuất viện cũng nhiều nên thời gian nghỉ trưa, nghỉ tối của các điều dưỡng cũng được sử dụng cho công viện làm hồ sơ, truyền thuốc, theo dõi sinh hiệu bệnh, dặn dò người nhà bệnh nhân. Ai cũng không dám lơ là vì để xảy ra sai sót là liên quan đến mạng sống của bệnh nhi.
Theo các điều dưỡng, có những trường hợp cứ 1-2 giờ phải kiểm tra các dấu hiệu một lần, vì tay chân miệng có thời gian diễn tiến nặng rất nhanh và bất ngờ.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các BV Nhi trong công tác phòng chống dịch bệnh.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, những ngày qua BV đã hỗ trợ mì gói, xúc xích, sữa cho các y bác sĩ dùng thêm trong đêm trực.
Hơn 50 điều dưỡng, 13 bác sĩ của khoa phải tăng cường công suất làm việc, hạn chế nghỉ phép tối đa. Lịch làm việc của BS cũng xáo trộn vì phải đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh, hội chẩn các ca bệnh nặng, nghi ngờ bệnh nhiễm từ các khoa khác.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, 9 tháng đầu năm thành phố ghi nhận 3.568 trường hợp tay chân miệng, 111 ca mắc sởi. Dịch bệnh năm nay đáng lo ngại khi cho thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71, nguyên nhân gây ra dịch tay chân miệng lớn trong năm 2011.
Hiện tại Việt Nam hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng.