Thu nhập 60 triệu/ tháng nhưng chỉ tiết kiệm 6 triệu, đi du lịch 10 triệu: Vì sao vậy?
Gia đình muốn chi tiêu để có thêm nhiều trải nghiệm và không quá đặt nặng chuyện tăng thu nhập.
Nhiều gia đình khi vừa mới sinh em bé đã lo nghĩ đến khi con 25, 30 tuổi, đặc biệt trong câu chuyện tài chính. Tuy nhiên, gia đình Lê Thị Tươi, 30 tuổi, ở Hà Nội lại có quan điểm khá khác biệt. Cô không đề cao câu chuyện tích luỹ quá nhiều cho con, thay vào đó, gia đình cô chi tiêu "mua" trải nghiệm.
Mua bảo hiểm để củng cố an toàn tài chính
Gia đình Lê thị Tươi có 3 thành viên bao gồm vợ chồng và 1 em bé. Thu nhập gia đình hàng tháng rơi vào khoảng 60 triệu đồng. Trong đó, vì tính chất công việc, gia đình cô chỉ ăn ở nhà vào bữa tối. Chi phí ăn uống và sinh hoạt hàng tháng khoảng 20 triệu đồng. Tiền mua nhà trả góp 10 triệu/ tháng, 2 triệu tiền xăng xe điện thoại và khoảng 5 triệu trích ra để mua bảo hiểm nhân thọ.
"Có những tháng thu nhập cao hơn, mình sẽ để dư ra để đầu tư kinh doanh. Con mình còn nhỏ nên chưa đi học, chi phí cho con đã được tính chung trong khoản sinh hoạt hàng tháng".
Gia đình cô chi 7 triệu để đầu tư, tiết kiệm khoảng 6 triệu mỗi tháng, phần còn lại khoảng 10 triệu dành để đi du lịch. Tươi Lê chia sẻ rằng gia đình cô khoảng 3-4 tháng sẽ đi du lịch 1 lần. Đôi lúc số tiền này sẽ dành để mua những món đồ mà vợ chồng cô yêu thích.
"Mình nghĩ cuộc đời có là bao nhiêu, tiết kiệm quá nhiều, khi còn trẻ sẽ không còn được tận hưởng cuộc sống nữa. Mình muốn có nhiều trải nghiệm hơn, đi du lịch, mua sắm sản phẩm tiện ích cho gia đình và con cái".
Một góc trong căn nhà (Ảnh: NVCC)
Theo Tươi Lê, cô chỉ tiết kiệm 1 khoản đến năm 18 tuổi đủ cho con có tiền để học đại học. Từ đó, con sẽ tự lập và chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, bố mẹ sẽ không hỗ trợ thêm nhiều cho con cái nữa.
Mặt khác, vợ chồng Tươi Lê không bị áp lực quá nhiều bởi cũng không đặt nặng vấn đề phải kiếm được 100 - 200 triệu/ tháng. Tất nhiên, nếu đạt được con số đó, nền tảng tài chính sẽ vững vàng hơn. "Song, miễn sao thu nhập đủ để nuôi sống gia đình, nếu tháng nào thấp thì không cần tiết kiệm. Tháng sau cao hơn sẽ tích lũy nhiều hơn để bù cho tháng trước đó, miễn sao trung bình mỗi tháng tiết kiệm được 6 triệu đồng".
Hàng tháng Tươi Lê đều dành gần 10% thu nhập để mua bảo hiểm nhân thọ. Điều này giúp vợ chồng cô an tâm hơn về sức khỏe. Nếu ốm đau xảy ra hoặc trường hợp xấu hơn, gia đình sẽ không phải lo lắng về vấn đề chi trả viện phí. Gói bảo hiểm gia đình cô mua cũng cung cấp giúp tích lũy cho con đến năm 18 tuổi, để con có đủ tiền học hết đại học.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Gia đình nên có kế hoạch tài chính cho tương lai
Dù không đặt nặng tiết kiệm, điều đó không có nghĩa gia đình Tươi Lê chi tiêu thiếu kiểm soát. Trong câu chuyện mua sắm, cô cho rằng nên hạn chế sắm những món đồ không cần thiết. Ví dụ, xem trên mạng thích 1 cái váy 1 cái áo, hãy thử cân nhắc và tính toán xem chiếc váy đó có thể mặc được vào những dịp nào, bản thân có thường xuyên đi ra ngoài chơi không. Đồng thời, cô không mua hàng không phụ thuộc vào các ngày sale, chỉ cảm thấy cần thiết thì mới chi tiêu mua sắm. Ngoài ra để hạn chế chi tiêu nhiều hơn, Tươi Lê thường xuyên thanh toán bằng thẻ thay vì tiền mặt.
Đối với những bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình, theo Tươi Lê, mọi người nên có kế hoạch tài chính cho tương lai. Bởi vì như vậy sẽ giúp vợ chồng biết cách phân chia chi tiêu phù hợp hơn, tiết kiệm được nhiều hơn. Có một khoản tiết kiệm sẽ giúp tránh được những rủi ro khi cần một khoản tiền bất ngờ chẳng hạn phải mua xe hay điện thoại mới.