Thử nghiệm vắc-xin chống ung thư cổ tử cung mới
Các kết quả này có thể giúp triển khai những vắc-xin hiệu quả và ít xâm lấn hơn cho các khối u ác tính do HPV.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ung thư Moffitt đã triển khai và thử nghiệm trên chuột một vắc-xin tổng hợp và thấy nó có hiệu quả tiêu diệt ung thư có nguồn gốc từ papillomavirus người (HPV) - loại vi rút liên quan tới ung thư cổ tử cung.
Các vắc-xin chống ung thư có thể là lựa chọn tốt thay cho những liệu pháp truyền thống – thường gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và ít có hiệu quả chống lại bệnh ở giai đoạn muộn”. HPV được biết là gây ra 99% số trường hợp ung thư cổ tử cung và hàng năm gây ra hơn 250.000 ca tử vong trên toàn thế giới.
Mặc dù 2 vắc-xin dự phòng đã được phê chuẩn chống lại các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung hiện đang được sử dụng rộng rãi như một cách giúp ngăn ngừa nhiễm HPV, nhưng những vắc-xin này không được dùng để điều trị ung thư do HPV. Do đó, cần triển khai các vắc-xin điều trị những khối u liên quan tới HPV.
Trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin chống ung thư do HPV, giáo sư Esteban Celis thuộc Chương trình Miễn dịch học Moffitt và giáo sư Kelly Barrios-Marrugo thuộc chương trình Y học phân tử của Trường Y Đại học Nam Florida, đã thiết kế một chiến lược tiêm chủng TriVax-HPV. Chiến lược TriVax được thiết kế để sản sinh nhiều tế bào T độc tế bào, sẽ tìm kiếm những protein có nhiều trong khối u. Các protein HPV16-E6 và E7 hoạt động như những protein gây ung thư. Do đó, một vắc-xin nhắm vào những protein vi rút này là “ứng cử viên lý tưởng” để tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh.
Khi thử nghiệm vắc-xin này trên chuột có khối u do HPV16, họ thấy rằng TriVax chứa một mảnh tổng hợp nhỏ (peptide) của protein E7 “đã tiêu diệt 100% khối u ở chuột được điều trị” trong khi chuột mang khối u do HPV không được tiêm chủng đã tăng trưởng khối u “với tốc độ nhanh”.
Các kết quả này có thể giúp triển khai những vắc-xin hiệu quả và ít xâm lấn hơn cho các khối u ác tính do HPV.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Immunology, Immunotherapy.