Bị ung thư cổ tử cung chỉ vì chủ quan

Lê Hường,
Chia sẻ

Vì những hiểu biết mù mờ, hạn chế và suy nghĩ chủ quan về ung thư cổ tử cung mà nhiều chị em phải đối mặt "tử thần".

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh phụ khoa ở phụ nữ.
 
Nhầm với bệnh viêm nhiễm thông thường
 
Đa số chị em đều biết đến căn bệnh UTCTC nhưng phần lớn lại chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo này. Trong khi, thực tế tại Việt Nam, mỗi ngày phát hiện 14 phụ nữ mắc UTCTC và 7 người chết.
 
Khu vực chờ khám phụ khoa, soi cổ tử cung Khoa khám bệnh, bệnh viện K.
 
Chị Hòa ở Thanh Sơn, Phú Thọ bị viêm nhiễm phụ khoa từ nhiều năm trước. Cho rằng đó là bệnh thông thường, chị tự điều trị bằng những bài thuốc dân gian. Thời gian gần đây, chị thấy bụng dưới bị đau liên tục, "vùng kín" có vết loét, ra dịch trắng nhiều và mùi rất hôi. Chị quyết định xuống viện Phụ sản trung ương để khám bệnh thì được bác sĩ kết luận UTCTC, phải chuyển sang viện K để phẫu thuật và thực hiện các trị liệu khác càng sớm càng tốt.
 
Chị Hồng Thắm ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc cũng trong tình trạng tương tự. Gần một năm nay, mỗi lần quan hệ vợ chồng chị đều thấy đau rát và chảy máu âm đạo. Nghĩ đơn giản đó là dấu hiệu viêm nhiễm bình thường, chị tự ý mua thuốc về đặt theo chỉ dẫn của người bán thuốc. Nhưng khi mãi bệnh không tiến triển tốt hơn, quyết định đi khám, chị nhận được kết quả bị UTCTC, cần phẫu thuật gấp. Đồng thời bác sĩ cũng cảnh báo chị rằng việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
 
Chưa quan hệ thì không "dính" bệnh
 
Trong khi có những chị em nhầm bệnh UTCTC với tình trạng viêm nhiễm thông thường thì nhiều chị em lại quan niệm rằng chưa có quan hệ tình dục thì nguy cơ "dính" bệnh rất thấp, thậm chí là không thể. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
 
Chị Hồng Nhung ở Hải Dương 32 tuổi, chưa lập gia đình vô tư nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể "né" các bệnh phụ khoa vì mọi sinh hoạt, ăn uống rất đều độ, vệ sinh cá nhân tốt. Một lần cơ quan tổ chức khám phụ khoa cho chị em nhân dịp Quốc tế phụ nữ, bác sĩ cho biết chị có vi rút HPV đã chuyển sang giai đoạn đầu UTCTC. Không tin tưởng, chị đi thẳng lên Bệnh viện chuyên khoa tuyến trên làm các xét nghiệm nhưng kết quả không có gì thay đổi và chị phải nhập viện điều trị.
 
Trường hợp chị Mai 25 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội thì thường hay bị chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt. Cho rằng đó chỉ là rối loạn nội tiết tố nên chị không mấy quan tâm và để tình trạng trên kéo dài nhiều tháng. Đến khi thấy âm đạo bị đau nhức, có mủ, chị đi chụp chiếu và làm các xét nghiệm thì mới biết mình bị UTCTC giai đoạn 2, phải phẫu thuật và trị liệu hóa chất, xạ trị. Giải thích với bác sĩ, chị Mai vẫn khăng khăng: "Em chưa hề có quan hệ vợ chồng thì làm sao lại bị bệnh được chứ?!"
 
Một phòng điều trị nội trú của các bệnh nhân UTCTC, bệnh viện K.
 
Không chỉ chị Hòa, chị Nhung, chị Thắm… mà rất nhiều chị em vẫn còn chủ quan và cho rằng mình không dễ mắc căn bệnh UTCTC này.
 
Các bác sĩ chuyên khoa của Phòng khám Phụ sản Hà Nội khẳng định, tất cả các chị em ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ "dính" UTCTC và có đến 70% UTCTC là do viêm nhiễm phụ khoa. Người chưa quan hệ tình dục mặc dù có nguy cơ thấp hơn nhưng cũng không tránh được bệnh. Những biện pháp tình dục an toàn, vệ sinh tốt… phần nào giúp giảm nguy cơ nhưng hoàn toàn không thể ngăn ngừa lây nhiễm virus gây bệnh.
 
Điều đáng quan tâm là, ít ai biết được rằng UTCTC bắt nguồn từ việc lây nhiễm một loại virus lây lan phổ biến qua sinh hoạt tình dục và cứ 10 người thì đến 8 người có thể nhiễm. Các giai đoạn diễn biến bệnh khá âm thầm và thông thường thì giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì. Vì thế, nhiều phụ nữ không hề biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa.
 
Quan niệm sai lầm là mình không có nguy cơ bị bệnh, cộng thêm tâm lý ngại đi khám phụ khoa, ngại chia sẻ những thông tin "tế nhị" của chị em phụ nữ đã dẫn đến nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, điều trị tốn kém, khó khăn, thậm chí khó giữ mạng sống.
Chia sẻ