"Thiến hóa học" – giải pháp dành cho tội phạm tình dục trẻ em ở nhiều nước được tiến hành thế nào?

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Thiến hóa học là gì? Liệu đây có phải giải pháp an toàn nhất cho trẻ em tránh bị xâm hại tình dục? Hiệu quả của giải pháp này đến đâu?

Đưa ra đề xuất thiến hóa học cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, mỗi năm, cả nước có từ 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện. Từ 2011-2015, trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ...

Thiến hóa học – giải pháp dành cho tội phạm tình dục trẻ em ở nhiều nước được tiến hành thế nào? - Ảnh 1.

Mỗi năm, cả nước có từ 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện.

Gần đây nhất là 3 vụ xâm hại tình dục khiến dư luận đứng ngồi không yên. Một ông già 76 tuổi ở Vũng Tàu bị tố xâm hại, dâm ô trẻ em gái trong chung cư, một người đàn ông xâm hại bé gái lớp 1 làm chảy máu vùng kín, một nhân viên ngân hàng bị triệu tập vì nghi xâm hại bé gái 9 tuổi không chỉ một lần mà rất nhiều lần ở Hoàng Mai, Hà Nội… Tất cả đã dấy lên nỗi lo sợ, hoang mang trong lòng những bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.

Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất nên dùng biện pháp thiến hóa học với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Biện pháp này được thực hiện bằng cách tiêm dung dịch hoặc uống thuốc có chứa hormone vào người, từ đó làm giảm đến mức thấp nhất ham muốn tình dục.

Câu hỏi đặt ra là liệu pháp thiến hóa học dành cho tội phạm tình dục trẻ em ở nhiều nước có an toàn? Hiệu quả của giải pháp này đến đâu?

"Mổ xẻ" giải pháp thiến hóa học dành cho những kẻ xâm hại tình dục

Trong lịch sử loài người, thiến hay còn gọi là hoạn xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại và tồn tại đến thế kỷ 18, 19, bắt đầu được đề cập đến bác sĩ Mỹ Harry Sharp đã tự tay thiến 200 tù nhân nhằm giảm khả năng tái phạm tội. Đến năm 1940, sử dụng hormone lên ngôi, trở thành phương pháp hữu hiệu nhất hạn chế lượng testosterone, giảm thiểu các hành vi tình dục bệnh hoạn ở nam giới. Ngày nay, thiến hóa học được sử dụng như một biện pháp để ngăn chặn ham muốn tình dục, dành cho tội phạm tình dục hoặc cá nhân bị ám ảnh bởi hoang tưởng tình dục.

Thiến hóa học – giải pháp dành cho tội phạm tình dục trẻ em ở nhiều nước được tiến hành thế nào? - Ảnh 2.

Thiến hóa học được sử dụng như một biện pháp để ngăn chặn ham muốn tình dục

Theo Webmd, thiến hóa học có thể hiểu là thiến bằng cách sử dụng thuốc làm giảm hormone sinh dục xuống mức thấp nhất được áp dụng cho cả nam và nữ, qua đó kìm hãm bản năng, nhu cầu về "chuyện ấy", thậm chí cả suy nghĩ về "chuyện ấy" cũng biến mất.

Thực chất, biện pháp thiến hóa học cũng được áp dụng rộng rãi trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Các bác sĩ sẽ có sẵn những loại thuốc dạng viên, tiêm hay cấy ghép giúp giảm hormone testosterone mà không cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hoàn toàn. Tuy nhiên, trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt, để loại bỏ hay giết chết tế bào ung thư là điều không thể mà chỉ làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, có thể ngăn chặn tiến triển của ung thư từ 2-3 năm, thậm chí lâu hơn.

Theo BS Kim Dung chuyện thiến hóa học cho những cá nhân ấu dâm trên thế giới không phải phổ biến. Với những người bị ấu dâm xem xét họ có bị ảnh hưởng bệnh tâm thần hay không, nếu không bị mới tìm hình thức khác xử lý. Với việc thiến hóa học bằng tiêm các hormone cần phải có cơ sở khoa học vì việc tiêm hormone ảnh hưởng tinh hoàn, làm teo tinh hoàn nhưng các bộ phận khác có bị ảnh hưởng hay không, cái lợi và có hại của hình thức này cần có sự đánh giá của người chuyên môn.

Cách đây 60 năm, nhà khoa học Charles Huggins lần đầu tiên đề xuất phương pháp này và giúp ông đoạt giải Nobel. Huggins phát hiện ra rằng một số loại tế bào ung thư tuyến tiền liệt cần một số kích thích tố nam - được gọi là androgens - để phát triển. Androgens có trách nhiệm về các đặc tính tình dục nam, như làn da mặt, tăng cơ và tiếng nói trầm ấm hơn.

Testosterone là một loại androgen. Khoảng 90% đến 95% các androgens được tạo ra trong tinh hoàn, trong khi phần còn lại được tạo thành ở các tuyến thượng thận.

Thiến hóa học – giải pháp dành cho tội phạm tình dục trẻ em ở nhiều nước được tiến hành thế nào? - Ảnh 3.

Nhờ đặc tính vượt trội, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thiến hóa học làm hình phạt dành cho tội phạm trẻ em.

Quay trở lại với phương pháp thiến hóa học dành cho những tội phạm xâm hại tình dục. Nhờ đặc tính vượt trội này, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt này dành cho tội phạm trẻ em, như Mỹ, Indonesia, Hàn Quốc, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan…

Trang Webmd khẳng định, mặc dù đây là phương pháp rất tốt để làm suy giảm, thậm chí mất khả năng tình dục nhưng không có tác dụng lâu dài, mãi mãi. Theo thời gian, các tế bào không phụ thuộc hormone sẽ lây lan và bác sĩ cần chuyển sang phương án điều trị khác. Về cơ bản, thiến hóa học không giúp triệt tiêu toàn bộ ý nghĩ đen tối mà làm giảm đến mức tối đa, đồng thời khiến đối tượng không còn khả năng thực hiện bản năng nữa. Nhưng về lâu dài, đối tượng phải tiếp tục phải sử dụng liệu pháp cho những lần sau để giảm bớt ham muốn tình dục.

Chưa hết, những phản ứng có thể đảo ngược hoàn toàn nếu bạn ngưng dùng thuốc. Chu kỳ tiêm của thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 4 -6 tháng, sau đó ngưng thuốc, người tiêm có thể bị mắc bệnh tim mạch, loãng xương, béo phì. Đối với những người đang trong quá trình sử dụng thuốc cũng có thể gặp phải những tác dụng phụ như mất hoàn toàn khả năng tình dục, bốc hỏa, ngực đau, ngực phát triển to hơn bình thường, giảm lượng cơ, giảm cân, mệt mỏi và giảm cholesterol tốt trong cơ thể.

Có lẽ bởi những nguyên nhân ấy nên thiến hóa học với tội phạm tình dục chưa được tất cả các quốc gia công nhận?

(Nguồn: Webmd, NY Mag, The Guardian)

Chia sẻ