Thị trường đồ lễ ông Công ông Táo sôi động, đồ cúng hàng mã giữ nguyên giá nhưng thực phẩm, hoa quả tăng giá 30%
Tết ông Công ông Táo đến gần nhiều gia đình tranh thủ mua sắm làm lễ tiễn Táo quân về trời sớm.
Năm nay ngày lễ ông Công ông Táo sẽ rơi vào ngày 4/2 dương lịch, tức thứ Năm. Chính vì thế, bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết thì các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo cũng được các tiểu thương bày bán khá đa dạng.
Chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống như Bộ Táo quân, thần linh, cá chép giấy, tiền, vàng, hương, nến… bày bán nhiều tại các chợ dân sinh, chợ "cóc", hàng rong…
Khảo sát tại chợ Đông Hồ (Đống Đa), Hàng Mã và chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm) thì giá cả các đồ hàng mã không có nhiều sự biến động so với mọi năm và so với những ngày thường. Giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo dao động từ 35.000 - 200.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ; quần áo từ 10.000 - 25.000 đồng/bộ; ngựa từ 20.000 - 80.000 đồng/con tùy loại; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá khoảng 25.000 đồng…
Theo những người bán hàng, những mặt hàng mã ông Công ông Táo được nhập về từ làng nghề Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và Duyên Hà, Văn Hội (huyện Thường Tín. Hà Nội).
Chị Hoàng Lan, một tiểu thương chợ dân sinh Đông Hồ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết so với năm trước, năm nay đồ lễ cúng ông Công, ông Táo khá đẹp và mẫu mã phong phú.
Ngựa từ 20.000 - 80.000 đồng/con tùy loại; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá khoảng 25.000 đồng…
“Các gia đình làm lễ ông Công, ông Táo hay chọn mua loại thường, nhỏ, còn những bộ to thì các công ty thường mua nhiều hơn. Vì là đồ hàng mã không sợ hỏng nên nhiều người đi chợ tiện mua luôn nên tôi cũng túc tắc bán được số lượng đều hàng chục bộ mỗi ngày. Nhưng càng gần đến ngày Tết ông Công, ông Táo nên số người mua đồ sắm lễ chắc sẽ tăng cao hơn", chị Hoàng Lan dự đoán.
Bên cạnh đồ cúng vàng mã, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Hiện giá cá chép vàng phóng sinh ở mức 30.000 - 70.000 đồng/bộ 3 con tùy loại to, nhỏ.
Giá cá chép vàng phóng sinh ở mức 30.000 - 70.000 đồng/bộ 3 con tùy loại to, nhỏ.
Ngoài đồ vàng mã, cá chép thì mâm cỗ cúng Tết ông Công, ông Táo cũng được nhiều gia đình coi trọng, do vậy, các mặt hàng như gà, xôi, các loại hoa quả cũng khá đắt hàng. Cụ thể, giá gà cúng từ 220.000-300.000 đồng/con, giá xôi từ 20.000 – 50.000 đồng/đĩa.
Giá gà sống tạo thế chỉ việc mua về luôn dao động từ 220.000-300.000 đồng/con.
Trong khi đó, giá các mặt hàng trái cây tăng khoảng 5-10%, như cam Canh có giá 50.000-70.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 60.000-70.000 đồng/kg, bưởi phật thủ từ 35.000 đồng đến trên 100.000 đồng mỗi quả tùy loại, na xanh bán với giá 90.000 - 120.000 đồng/kg, táo ngọt loại to giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, bưởi phật thủ từ 35.000 đồng đến trên 100.000 đồng mỗi quả tùy loại.
Giá các loại rau củ, thịt gà, bò hầu như không tăng. Cụ thể, giá súp lơ xanh và trắng khoảng 10.000-12.000/cái, nấm kim châm 10.000-12.000 đồng/gói 200gr, su hào 3.000-7.000 đồng/củ… Giá gà nguyên lông 120.000-140.000 đồng/kg, tôm sú 300.000-450.000 đồng/kg…
Các loại hoa quả cúng như chuối và bưởi được các tiểu thương nhập về với số lượng lớn.
Thời điểm này, các cửa hàng chế biến đồ ăn sẵn cũng bắt đầu “bung hàng” phục vụ những bà nội trợ bận rộn. Tại một cửa hàng đồ ăn chế biến trên phố Hàng Bè, giá canh mọc, canh măng là 120.000 đồng/bát, chim hầm 160.000 đồng/bát, nem thịt 100.000 đồng/10 cái, nộm đu đủ 60.000 đồng/đĩa, xôi gấc 35.000-50.000 đồng/đĩa, bánh chưng 50.000-70.000 đồng/cái…
Tranh thủ chủ nhật, chị Thanh Linh (trú tại phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng) đi mua sắm đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo. Chị Linh cho hay: “Một năm chỉ có một lần nên gia đình luôn sửa soạn mâm cơm thật tươm tất để tiễn ông Táo lên chầu trời”.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình người dân với Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, cả hai vị thần mới trở lại để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
Vì vậy, hàng năm vào ngày này, người dân khắp cả nước đều chuẩn bị lễ với các vật phẩm, gồm 3 bộ mũ áo, cá chép sống, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà, hoa quả... để ông Táo về chầu trời.