Thầy giáo mầm non có profile khủng: Từng du học Mỹ rồi về nước làm kỹ sư dữ liệu, nói 1 câu quá thấm về "định kiến giới"!
Dù đi một vòng dài, cuối cùng anh Minh Quân vẫn quay lại với giáo dục.
3 năm trước, là một kỹ sư dữ liệu. 3 năm sau, thành một thầy giáo mầm non. Hai con đường sự nghiệp, hai lựa chọn tưởng như không liên quan lại đến từ cùng một người: Thầy giáo Uông Minh Quân (Trường Evergrin Academy, Hà Nội).
Anh đã dũng cảm rời bỏ "vùng an toàn", vượt qua mọi định kiến để theo đuổi "con đường chẳng mấy ai đi" – con đường giáo dục, nơi anh tìm thấy sự đam mê, sự sáng tạo và cả niềm vui thực sự trong cuộc sống.

Thầy giáo Uông Minh Quân (Hà Nội).
Đi một vòng để trở về với đam mê
Thầy Quân từng cân nhắc học về giáo dục khi chọn ngành, nghề năm lớp 12 nhưng sau đó chuyển sang Khoa học máy tính theo định hướng gia đình. Năm 2022, anh tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính ở Đại học Georgia State, Mỹ. Sau khi về nước, anh làm kỹ sư phòng nghiên cứu dữ liệu của một tập đoàn sản xuất ôtô.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài theo đuổi đam mê công nghệ, anh nhận ra rằng điều khiến mình thực sự cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn không phải là những dòng code hay bảng dữ liệu, mà là công việc giáo dục.
Sau khoảng hai năm gắn bó với công việc kỹ sư, tháng 4/2024, Minh Quân quyết định bước qua ngưỡng cửa của sự thay đổi, thôi việc để tập trung nghiên cứu chuyên sâu và theo đuổi bằng thạc sĩ giáo dục.

Thầy Quân từng là kỹ sư dữ liệu.
Vận mệnh lại đưa anh gặp Tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Diệu Hương, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống mầm non với một phòng Nghiên cứu và Phát triển chuyên nghiệp.
Hiện tại, thầy Quân phụ trách việc nghiên cứu và xây dựng giáo án cho các phân môn: Thể dục – Thể thao, Khoa học nghiên cứu, và các tiết học Dạy học Dự án.
Trong lớp học của thầy Quân, mọi thứ đều có thể là một bài học
Khi vào đại học, Minh Quân chọn ngành Khoa học máy tính vì tin rằng đây là "chìa khóa" cho mọi ngành nghề trong tương lai – và đến nay, anh vẫn nghĩ như vậy. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, hiểu biết về công nghệ và máy tính sẽ luôn là lợi thế. Hiện tại, chính những kiến thức và tư duy từ ngành học này đã giúp thầy Quân rất nhiều trong việc thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động, và truyền tải kiến thức cho trẻ mầm non theo cách trực quan và sinh động hơn.
2 kỹ năng quan trọng nhất mà anh học được từ ngành Khoa học máy tính đó là tư duy hệ thống và đa giải pháp linh hoạt. Tư duy hệ thống được thể hiện rõ nhất khi phải kết nối và cân bằng nhu cầu giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Với học sinh, cần cung cấp một phương pháp học tập có cấu trúc rõ ràng, môi trường học tập hấp dẫn và cơ sở vật chất đầy đủ để luôn khơi dậy sự tò mò. Với phụ huynh, cần đảm bảo sự minh bạch trong quy trình giảng dạy, có cam kết kết quả học tập và duy trì sự giao tiếp cởi mở để phụ huynh có thể đồng hành trong hành trình phát triển của con. Với giáo viên, cần xây dựng quy định rõ ràng và minh bạch, đồng thời có sự thấu hiểu và đồng cảm để tạo nên môi trường làm việc tích cực, có trách nhiệm.
Dù yêu thích nghề giáo, tuy nhiên, hình dung về một giáo viên truyền thống – hằng ngày lên lớp giảng bài theo sách giáo khoa, lặp đi lặp lại qua từng năm – chưa từng thật sự khiến Minh Quân hào hứng. Anh luôn mong muốn một môi trường cởi mở hơn, nơi mình có thể tự do sáng tạo và phát triển tư duy.
Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi mầm non rất cần sự âu yếm, vỗ về của các cô giáo. Nhưng đây cũng là giai đoạn các con tò mò nhất về thế giới xung quanh. Việc được tiếp xúc với nhiều góc nhìn, nhiều cách suy nghĩ khác nhau sẽ giúp các con phát triển khả năng thích ứng và tư duy linh hoạt.
Ngoài ra, với sự kết hợp giữa phương pháp giáo dục truyền thống và các xu hướng giáo dục hiện đại, định hướng của thầy Quân là làm sao để các em được tiếp cận với những môn học mang tính sáng tạo và khoa học như Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo (AI), mở ra một cánh cửa mới cho thế hệ mầm non.





Những tiết học của thầy Quân luôn chú trọng đến việc giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.
"Làm giáo viên mầm non là một trải nghiệm rất đặc biệt. Khác với người lớn làm việc để đạt được mục tiêu cụ thể, trẻ học tập và làm việc vì niềm vui và sự tò mò với thế giới xung quanh.
Để dạy được trẻ mầm non, mình phải hiểu rất sâu và rõ ràng về chủ đề định dạy, rồi chắt lọc và đơn giản hóa lại để trẻ dễ hiểu nhất. Bài giảng của mình thường gắn liền với các từ khóa khoa học đại cương, phim ảnh sinh động, các thí nghiệm hoặc hoạt động thực hành. Trẻ được khơi gợi câu hỏi, tự lên ý tưởng, lập kế hoạch, thiết kế và tạo ra sản phẩm của chính mình. Mỗi trẻ lại có một ý tưởng độc đáo riêng, và thật thú vị khi thấy các sản phẩm chúng chế tạo ra.
Khi thiết kế giáo án, mình thường hình dung trước một số tình huống tương tác hoặc câu hỏi trẻ có thể đặt ra. Điều làm mình bất ngờ nhất là trẻ luôn tưởng tượng và tư duy phong phú vượt xa các dự đoán đó. Đó chính là điều khiến công việc này trở nên đầy cảm hứng và không bao giờ nhàm chán", thầy Quân chia sẻ.
Những tiết học của thầy Quân luôn chú trọng đến việc giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề. Các bài giảng của anh không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy trí tưởng tượng và sáng tạo của các em thông qua các hoạt động thực hành, thí nghiệm và thiết kế sản phẩm.
Chẳng hạn, trong một bài giảng về khoa học, trẻ có thể được yêu cầu thiết kế một chiếc cây dọn rác, không chỉ tìm ra các bộ phận như chổi hay hót rác, mà còn sáng tạo thêm các chi tiết thú vị như quả bom hương thơm để khử mùi sau khi thu gom rác.
Trong các tiết học, trẻ em được khuyến khích tự đặt câu hỏi, tự lên ý tưởng và giải quyết vấn đề. Thầy Quân thường xuyên tạo ra những tình huống để các em suy nghĩ, tranh luận và đưa ra giải pháp. Trong lớp học của anh, mọi thứ đều có thể là một bài học, mọi vấn đề đều có thể là một câu hỏi thú vị.
Hay trong một dự án với tình huống cứu bạn chim bị thương khi đang bay, các con đã thiết kế ra một chiếc đệm êm có thể di chuyển bằng tên lửa, bên cạnh gắn thêm bông gạc và thuốc để chữa lành đôi cánh cho bạn chim. Thầy Quân thực sự cảm thấy biết ơn khi được là người chứng kiến trực tiếp những tia lửa sáng tạo ấy – không chỉ là sản phẩm, mà là tư duy, tình cảm và trí tưởng tượng tuyệt vời đang dần lớn lên trong các con mỗi ngày.
Có những lúc lớp mất trật tự, thầy không la mắng hay ép buộc, mà chỉ nhẹ nhàng hỏi: "Các bạn muốn tiếp tục học hay muốn chơi?". Rồi thầy giải thích rằng: "Ở lớp của thầy, không ai bị ép học cả. Nhưng nếu mình thật sự muốn học, hãy cùng nhau ngồi ngoan, giơ tay phát biểu theo lượt để không làm ảnh hưởng đến bạn khác cũng đang hào hứng muốn học".
Sau những lời chia sẻ như vậy, điều khiến anh cảm động là các con không chỉ đồng ý ở lại học, mà còn hét lên thật to: "Muốn học! Muốn học!". Đó là lúc anh tin rằng: Nếu trẻ được trao quyền lựa chọn, được thầy cô tôn trọng và truyền cảm hứng, thì các con sẽ luôn chọn con đường khám phá, học hỏi một cách tự nhiên và đầy say mê.
Giá trị của một người giáo viên không nằm ở giới tính
Mặc dù sự nghiệp giáo dục không hề dễ dàng, anh Quân không bao giờ cảm thấy mình đang đi vào một con đường đầy thử thách. Những định kiến về nghề giáo là thứ không thể ngăn cản được niềm đam mê và sự tận tâm trong công việc.
Chính vì vậy, dù có không ít khó khăn, thầy Quân vẫn kiên trì theo đuổi con đường này. "Giá trị của một người giáo viên nằm ở năng lực và tình yêu thương dành cho học sinh, không phụ thuộc vào giới tính", anh Quân chia sẻ.

Dù đi một vòng dài, cuối cùng anh vẫn quay lại với giáo dục.
Vì số lượng thầy giáo mầm non còn rất ít, nên mỗi tiết học của thầy giáo này lại trở thành một điều mới mẻ, thu hút sự chú ý và hứng thú từ các con. Anh không xem đó là trở ngại, mà ngược lại còn là một sự may mắn rất lớn để tạo nên một dấu ấn riêng.
Với thầy Quân, những kỷ niệm đẹp nhất trong nghề giáo chính là những khoảnh khắc khi các em nhỏ nhìn thấy anh và đồng loạt gọi tên, những lúc các em ùa tới ôm chặt, khiến anh không thể bước đi được. Những giây phút đó, dù nhỏ bé, nhưng lại mang đến cho thầy Quân cảm giác được yêu thương và gắn bó rất đặc biệt.
Mỗi sản phẩm sáng tạo của trẻ em cũng là một niềm tự hào đối với thầy Quân. Anh nhớ mãi một lần trong dự án thiết kế công nghệ dọn rác, các em không chỉ thiết kế những bộ phận quen thuộc như chổi, lưới hay hót rác, mà còn nghĩ ra một "quả bom hương thơm" để khử mùi sau khi thu gom rác. Một chi tiết vừa thực tế vừa dễ thương khiến anh không khỏi xúc động trước sự sáng tạo vô tận của các em.
Chuyến hành trình của thầy Quân, từ kỹ sư dữ liệu đến thầy giáo mầm non, không chỉ là một sự chuyển hướng nghề nghiệp, mà còn là một minh chứng cho sự theo đuổi đam mê và khát vọng cống hiến.
Dù đi một vòng dài, cuối cùng anh vẫn quay lại với giáo dục. Đam mê, nếu đủ lớn, sẽ luôn tìm được con đường để trở về, và có lẽ, con đường này chính là nơi trái tim anh thực sự thuộc về.