Thay đổi cách tính lương, tăng trợ cấp 1 lần khi về hưu và những điều cần biết về chế độ hưu trí năm 2025
Nhiều thay đổi liên quan đến người nghỉ hưu từ năm 2025 theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đặc biệt về các chế độ hưu trí mà người sắp nghỉ hưu cần biết.
Tuổi nghỉ hưu năm 2025
Điều 169 Bộ Luật Lao động, số 45/2019/QH14 quy định độ tuổi nghỉ hưu. Theo đó, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu khi bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định sẽ được hưởng lương hưu. Ngoài ra, trong điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh theo lộ trình:
- Đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028.
- Đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, lao động nam trong điều kiện bình thường có tuổi nghỉ hưu là từ đủ 60 tuổi 3 tháng; lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường có tuổi nghỉ hưu là đủ 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam và 4 tháng với lao động nữ.
Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường trong năm 2025 là 61 tuổi 3 tháng với lao động nam và 56 tuổi 8 tháng với lao động nữ.
Giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025, trong đó Luật mới quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, tham gia BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng hưu trí.
Những người khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 65 Luật BHXH số 41/2014/QH15 như:
Đủ tuổi nghỉ hưu, có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ; Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao…
Mặc dù, giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí nhưng tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhất vẫn ở mức cũ theo quy định hiện hành là 75%.
Đây là điểm mới so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian đóng BHXH tối thiểu để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí của hầu hết các trường hợp đều là đủ 20 năm. Thời gian này được đánh giá còn khá dài dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Với quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu chỉ còn 15 năm thì cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động cũng sẽ tăng cao hơn so với trước kia.
Thay đổi cách tính mức hưởng lương hưu hằng tháng
Luật BHXH 2024 không chỉ giảm số năm tham gia BHXH để được hưởng hưu trí của người lao động mà còn điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam.
Theo điểm b Khoản 1 Điều 66 Luật BHXH năm 2024:
...
Trường hợp lao động nam mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng sẽ bằng 40% mức bình quân tiền lương tính làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 72 thuộc Luật BHXH 2024 tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng sẽ tính thêm 1%.
Từ năm tham gia BHXH thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam là 45%, cứ mỗi năm tham gia được tính thêm 2% cho tới khi được hưởng tối đa 75%.
Như vậy, để được hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nam phải tham gia BHXH 35 năm, con số này đối với lao động nữ là 30 năm.
Người về hưu trước tuổi bị trừ 2% cho mỗi năm.
Tăng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Hiện hành, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và trợ cấp một lần.
Khi đó, mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tuy nhiên, từ 1/7/2025, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chia thành 2 trường hợp:
(1) Người lao động hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu: Mức hưởng trợ cấp một lần bằng 0,5 lần bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn quy định cho tới tuổi nghỉ hưu.
(2) Người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH: Mức trợ cấp bằng 02 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu từ 1/7/2025 nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu.
Giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Theo đó, từ 1/7/2025, độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của người lao động sẽ được giảm xuống còn 75 tuổi theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiện hành là 80 tuổi).
Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 - dưới 75 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội với người không có lương hưu
Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 giải thích trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định.
Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 như sau:
(1) Từ đủ 75 tuổi trở lên;
(2) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
(3) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ngoài ra, công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm (2) và điểm (3) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đây là những thay đổi, bổ sung cần thiết trong tương lai để góp phần đảm bảo cuộc sống cho người lao động không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.