Đóng BHXH 25 năm, lương hưu được bao nhiêu?
Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Tình trạng rút BHXH một lần tiếp tục tăng qua các năm. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686.000 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 3,7%. Tình trạng rút BHXH 1 lần gia tăng kéo theo nhiều lo ngại trong hệ thống an sinh trong tương lai khi nhóm tuổi chủ yếu rút BHXH 1 lần nằm ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%.
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Đặc biệt những trường hợp người lao động có thời gian tham gia BHXH trên 20 năm. Với khoảng thời gian tham gia BHXH này, người lao động đã đủ điều kiện về số năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu và cũng có cơ hội hưởng lương hưu ở mức cao hơn nếu tiếp tục tham gia BHXH.
Đóng BHXH 25 năm được hưởng lương hưu bao nhiêu?
Như trường hợp của ông C., năm nay 61 tuổi, đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và tham gia BHXH được 25 năm. Trong trường hợp này ông C. đã đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Tuy nhiên do cảm thấy vẫn còn đủ sức khoẻ để làm việc, ông C. vẫn tiếp tục đi làm và tham gia BHXH tự nguyện để sau này khi nghỉ hưu có mức lương hưu cao hơn.
Trong trường hợp của ông C. nếu nghỉ hưu ở thời điểm hiện tại, sẽ được hưởng lương hưu như thế nào.
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của Luật này được tính như sau:
a) Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
b) Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
...
Ông C. tính đến thời điểm hiện tại với 25 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu với tỷ lệ như sau:
20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ hưởng 45%.
5 năm đóng bảo hiểm xã hội còn lại hưởng 5 x 2% = 10%.
Như vậy, 25 năm đóng BHXH, ông C. được hưởng lương hưu với tỷ lệ là 55%.
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
Giả sử diễn biến tiền lương tháng đóng BHXH trong 25 năm tham gia BHXH của ông C. như sau:
- 5 năm đầu: 4.000.000 đồng/tháng
- 10 năm tiếp theo: 6.000.000 đồng/tháng
- 10 năm cuối: 8.000.000 đồng/tháng.
Như vậy:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông C là 55%;
- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của ông C:
[(4.000.000 đồng x 60 tháng)+ (6.000.000 đồng x 120 tháng) + (8.000.000 đồngx 120 tháng)] / 300 tháng = 6.400.000 đồng/tháng.
- Lương hưu hằng tháng của ông C. là: 6.400.000 đồng x 55% = 3.520.000 đồng/tháng.
Trường hợp ông C. cảm thấy vẫn còn đủ sức khoẻ để làm việc, ông C. có thể tiếp tục đi làm và tham gia BHXH tự nguyện để sau này khi nghỉ hưu có mức lương hưu cao hơn. Nếu ông C. tiếp tục tham gia BHXH thì mỗi năm đóng ông được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, ông C. còn thiếu 10 năm tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa.
Trong trường hợp này của ông C. có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Cụ thể, căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 87 Luật BHXH năm 2014, Khoản 1 Điều 9, Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ thì người lao động được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với thời gian tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.