Tham gia BHXH 19 tháng có được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp? Mức hưởng bao nhiêu?
Sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, người lao động có nhu cầu rất lớn trong việc làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để có thu nhập trang trải cuộc sống. Vậy cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đang được quy định như thế nào?
Cứ nghỉ việc sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
BHTN đóng vai trò là “điểm tựa” quan trọng để giảm gánh nặng từ thất nghiệp NLĐ lên hệ thống an sinh xã hội. BHTN cung cấp trợ cấp thất nghiệp trong 3-12 tháng, giúp NLĐ có nguồn sống cơ bản khi mất việc, giảm áp lực xin trợ cấp xã hội khác. Điều này đặc biệt quan trọng với NLĐ mới ra trường hoặc lao động thời vụ, vốn dễ mất việc nhưng chưa tích lũy đủ tài chính.
Đặc biệt khi mới đây, theo báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) về tình hình lao động, việc làm quý I/2025 với những con số đáng chú ý. Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm và số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2025 có dấu hiệu tăng so với quý trước. BHTN trong những trường hợp này phần nào giảm gánh nặng tài chính cho NLĐ trong thời gian tìm được công việc mới.
Như trường hợp của chị T.Q. (sinh năm 1994), chị ký hợp đồng lao động có thời hạn với một công ty với mức lương và thời gian đóng BHXH như sau: Từ ngày 1/9/2023 đến ngày 31/3/2024 là 4.750.000 đồng/tháng, từ ngày 1/4/2024 đến 1/4/2025 là 5.500.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ 1/3/2025 do chính sách cắt giảm nhân sự, công ty không tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với chị Q. Đến ngày 1/4/2025 công ty ban hành quyết định nghỉ việc cho chị Q., quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong trường hợp này chị Q. thắc mắc liệu mình có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không và mức hưởng là bao nhiêu?

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động sau khi nghỉ việc không đương nhiên được lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp mà phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
Trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
- Đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm đúng hạn (trong 03 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động).
- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới.
Không tính cho trường hợp người lao động đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam, phạt tù; chết; bị đi xuất khẩu lao động,…
Như vậy, chị Q. đáp ứng đủ điều kiện hưởng BHTN. Mức hưởng BHTN của chị Q. tuỳ thuộc vào thời gian tham gia và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính theo công thức sau:
Trợ cấp thất nghiệp/tháng | = | 60% | x | Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp |
Trong trường hợp của chị Q., mức bảo hiểm thất nghiệp được tính như sau:
Thời gian đóng BHXH/BHTN
Từ 1/9/2023 đến 31/3/2024: 7 tháng
Từ 1/4/2024 đến 1/4/2025: 12 tháng (mức lương 5.500.000 đồng/tháng).
Tổng thời gian đóng: 7 + 12 = 19 tháng.
Mức lương đóng BHTN
6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (từ 1/10/2024 đến 31/3/2025) đều là 5.500.000 đồng/tháng, vì toàn bộ giai đoạn này nằm trong khoảng lương 5.500.000 đồng/tháng.
Tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng
Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013:
Mức hưởng BHTN hàng tháng = 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
= 60% × 5.500.000 = 3.300.000 đồng/tháng.
Như vậy, chị Q. sẽ được hưởng BHTN với mức trợ cấp hàng tháng là 3.300.000 đồng/tháng.
Xác định thời gian hưởng BHTN
Theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013:
Đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng: Hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ thêm 12 tháng đóng thì được hưởng thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng.
Trường hợp của chị Q. đóng 19 tháng, như vậy chị Q. sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Tổng mức trợ cấp thất nghiệp chị Q. được hưởng = Mức hưởng hàng tháng × Số tháng hưởng = 3.300.000 × 3 = 9.900.000 đồng.
(Đây chỉ là những ví dụ về cách tính BHTN. NLĐ có thể tham khảo từ cơ quan BHXH nếu cần xác nhận chính thức).