Tham gia BHXH 12 năm có đủ điều kiện rút 1 lần? Rút được bao nhiêu?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Tiền hưởng bảo hiểm xã hội là nội dung được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tính quyền lợi từ BHXH.

Từ 1/7/2025, Luật Bảo hiểm Xã hội 2024 sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động như: Giảm thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, chế độ hưu trí,... Trong đó, nội dung đáng chú ý về BHXH tại Luật Bảo hiểm Xã hội 2024 là quy định về một trong các trường hợp được rút BHXH 1 lần.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều người lao động chưa nắm rõ về quy định mới này, thậm chí hiểu nhầm theo hướng từ ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần, gây tâm lý hoang mang, lo lắng.

Như trường hợp của chị V.A., có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 11 năm 07 tháng. Sau khi thông tin về rút BHXH một lần với điều kiện có phần khắt khe hơn so với trước đây khiến chị khá lo lắng.

Cùng với đó, vấn đề thu nhập và việc làm của chị và gia đình hiện tại khá khó khăn, chị có ý định rút BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt. 

Trong trường hợp này chị V.A. lo lắng liệu chị có đủ điều kiện rút BHXH 1 lần sau 1/7/2025 hay không và nếu được rút thì chị sẽ nhận được bao nhiêu tiền?

Tham gia BHXH 12 năm có đủ điều kiện rút 1 lần? Rút được bao nhiêu?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cách tính BHXH 1 lần

Về quy định rút BHXH 1 lần theo Luật BHXH 2024 sẽ bổ sung thêm điều kiện: Người lao động tham gia BHXH từ 1/7/2025 trở đi, sau 12 tháng nghỉ việc, không tham gia BHXH và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì không được rút BHXH một lần nữa.

Như vậy, từ 1/7 người lao động vẫn được rút BHXH 1 lần bình thường nếu đã tham gia đóng BHXH trước ngày 1/7/2025 khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. 

Để hiểu chi tiết về cách tính BHXH 1 lần khi tham gia BHXH bắt buộc, người lao động có thể tham khảo ví dụ của chị V.A.

Trường hợp của chị V.A. đã có thời gian tham gia BHXH trước 1/7/2025, nên từ sau ngày 1/7 chị V.A. vẫn được rút BHXH 1 lần như bình thường khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. 

Hai vấn đề cần quan tâm là thời gian tham gia BHXH và mức bình quân tiền lương đóng BHXH.

1. Thời gian tham gia BHXH:

Chị V.A. có thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- 06 năm đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2014 với mức lương đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng là lần lượt là:

+ Từ tháng 1/2008 đến tháng 12/2010: mức lương đóng BHXH là 4.500.000 đồng.

+ Từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2013: mức lương đóng BHXH là 4.730.000 đồng.

- 5 năm 07 tháng còn lại chị đóng từ sau ngày 31/12/2024 với mức lương đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng lần lượt là:

+ Từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2016: mức lương đóng BHXH là 5.008.000 đồng.

+ Từ tháng 1/2017 đến tháng 7/2019: mức lương đóng BHXH là 5.500.000 đồng.

Tổng thời gian tham gia BHXH của chị V.A. là 11 năm 7 tháng. Theo quy định, thời gian tham gia BHXH trên 6 tháng được tính là 1 năm. Như vậy chị V.A. được tính 12 năm tham gia BHXH.

2. Mức bình quân tiền lương đóng BHXH:

Công thức tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = (Tiền lương tháng đóng BHXH x Số tháng đóng BHXH x Hệ số trượt giá tương ứng của từng năm)/ Tổng số tháng đóng BHXH.

Như vậy, trường hợp chị V.A., thay số vào ta có mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là:

[(4.500.000 x 2,21 x 12) + (4.500.000 x 2,07 x 12) + (4.500.000 x 1,9 x 12) + (4.730.000 x 1,6 x 12) + (4.730.000 x 1,47 x 12) + (4.730.000 x 1,37 x 12)] + [(5.008.000 x 1,32 x 12) + (5.008.000 x 1,31 x 12) + (5.008.000 x 1,28 x 12) + (5.500.000 x 1,23 x 12) + (5.500.000 x 1,19 x 12) + (5.500.000 x 1,16 x 7)]/ 139 tháng = 7.118.679 đồng.

Tham gia BHXH 12 năm có đủ điều kiện rút 1 lần? Rút được bao nhiêu?- Ảnh 2.

Bảng hệ số trượt giá tiền lương tháng đóng BHXH năm 2025 (Theo Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH)

3. Công thức tính BHXH 1 lần:

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của chị V. A. được tính như sau:

Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần = (1,5 x Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước 2014 x Bình quân tiền lương đóng bảo hiểm) + (2 x Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ 2014 x Bình quân tiền lương đóng bảo hiểm). 

Trong đó, tổng thời gian tham gia BHXH của chị V.A. là 11 năm 7 tháng. Theo quy định, thời gian tham gia BHXH trên 6 tháng được tính là 1 năm. Như vậy, thời gian tham gia BHXH từ sau 2014 của chị V.A. là 6 năm.

= (1,5 x 6 x 7.118.679 đồng) + (2 x 6 x 7.118.679 đồng) = 149.483.259 đồng.

(Con số trong bài có thể không chính xác tuyệt đối, độc giả cần nghiên cứu kỹ công thức để áp dụng cho trường hợp cụ thể của mình).

Chia sẻ