Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, TP: Danh sách 21 tỉnh, thành vừa sắp xếp, sáp nhập giảm 239 đơn vị cấp huyện, xã

Trang Anh,
Chia sẻ

Sau sắp xếp, 21 tỉnh, thành trên cả nước đã giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 233 đơn vị hành chính cấp xã.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Kết luận số 126-KL/TW về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong đó, có yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh;…

Trước đó, ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 21 Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành. Thời gian thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của các địa phương này áp dụng từ ngày 1/12/2024.

Theo đó, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (sáp nhập huyện, xã) của 21 tỉnh, thành phố, gồm:

Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.

Sau sắp xếp, giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 233 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 5 tỉnh, thành phố (Long An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hải Phòng) đề nghị không thực hiện sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 17 tỉnh, thành phố còn lại đề nghị không thực hiện sắp xếp 221 đơn vị hành chính cấp xã.

Trong 21 tỉnh, thành phố sáp nhập đơn vị hành chính thì Lâm Đồng là tỉnh có số đơn vị hành chính cấp huyện giảm nhiều nhất là 2 huyện.

Cụ thể, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (1/12/2024), tỉnh Lâm Đồng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và 2 thành phố; 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 106 xã, 18 phường và 13 thị trấn. Theo Nghị quyết, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh vào huyện Đạ Huoai.

Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương là 3 địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã giảm nhiều nhất.

Trong số 254 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp, có 104 đơn vị của 11 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm mục tiêu và yêu cầu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính.

Chi tiết số lượng các cấp điều chỉnh của 21 tỉnh, thành phố:

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, TP: Danh sách 21 tỉnh, thành vừa sắp xếp, sáp nhập giảm 239 đơn vị cấp huyện, xã - Ảnh 1.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, TP: Danh sách 21 tỉnh, thành vừa sắp xếp, sáp nhập giảm 239 đơn vị cấp huyện, xã - Ảnh 2.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, TP: Danh sách 21 tỉnh, thành vừa sắp xếp, sáp nhập giảm 239 đơn vị cấp huyện, xã - Ảnh 3.

Chú thích ảnh

Nghiên cứu việc sáp nhập một số tỉnh, thành sẽ phải có các tiêu chí cụ thể

Nói về hướng phù hợp cho 63 tỉnh, thành khi nghiên cứu sáp nhập, chia sẻ với Tiền Phong, GS Trần Ngọc Đường nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng có thể sẽ không còn 63 tỉnh, thành nữa mà sẽ định hướng nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh lại để tạo ra thế mạnh cho vùng, liên kết vùng tốt hơn.

Cụ thể theo ông sẽ gom nhỏ hơn nữa so với hiện nay để tạo ra vùng có thế mạnh liên kết với nhau.

"Trước đây có thời kỳ chúng ta chỉ có 38 tỉnh, thành nhưng có thể gom nhỏ hơn nữa để tạo ra vùng có thế mạnh liên kết. Như tạo ra vùng vừa có biển, có rừng, đồng bằng - có thể hợp nhất một số tỉnh có biển với một số tỉnh không có biển để tạo thế mạnh về biển, tạo thành một vùng có thế mạnh rộng lớn", Tiền Phong dẫn lời ông Đường nói.

Phân tích thêm trên TTO, ông Đường cho rằng, khi nghiên cứu việc sáp nhập một số tỉnh, thành sẽ phải có các tiêu chí cụ thể để tạo sự đồng thuận cũng như động lực phát triển mạnh mẽ. Nếu không có tiêu chí mà cứ sáp nhập theo ý muốn chủ quan sẽ không được và còn có thể tạo ra vùng phát triển không hợp lý.

Ông dẫn chứng vừa qua, có thực tế việc chia tách đơn vị hành chính nhỏ quá dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, thậm chí cạnh tranh, triệt tiêu sự phát triển của nhau. Vì vậy việc sáp nhập tỉnh sẽ là một lợi thế để khắc phục tình trạng này và tạo ra động lực, không gian phát triển mạnh mẽ.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, TP: Danh sách 21 tỉnh, thành vừa sắp xếp, sáp nhập giảm 239 đơn vị cấp huyện, xã - Ảnh 4.

GS Trần Ngọc Đường- Ảnh: Tiền Phong

Về vấn đề sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), theo ông Đường, đây là một chủ trương hợp lý, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền các nước trên thế giới.

Cũng chia sẻ trên Dân Việt về vấn đề này, ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội khoá XV cho biết việc sáp nhập tỉnh theo ông là chia theo vùng, cụ thể là chia thành 7 vùng, cùng với một số thành phố lớn, khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương.

"Cả nước không cần nhiều tỉnh, thành như hiện nay. Không nên căn cứ vào dân số, diện tích mà căn cứ vào các yếu tố bên trong, tạo động lực phát triển để hình thành các vùng. Cứ tính theo diện tích, dân số thì lại cào bằng", ông Kim nêu quan điểm và cho rằng việc liên kết vùng hiện nay chưa hiệu quả.

Chia sẻ