Tết ở "xóm chạy thận" Hà Nội: Chúng tôi lại sống qua thêm một cái Tết
Đối với nhiều người trong xóm chạy thận, việc về quê ăn Tết là quá xa xỉ nên họ đành chọn ở lại đón một cái Tết nơi đất khách.
Với những bệnh nhân ở xóm chạy thận (phường Phương Mai, Hà Nội), về quê ăn Tết là quá xa xỉ, vượt quá khả năng chi trả của họ khi đang phải đối mặt với bệnh tật.
Hơn nữa, đặc thù của bệnh này là có những người vào đúng ngày mồng 1 Tết cũng phải chạy thận. Vì vậy ăn Tết ngay trong bệnh viện là lựa chọn của nhiều người chạy thận lâu năm.
Nhiều bệnh nhân chạy thận phải điều trị trong đúng dịp Tết.
Thấy mình lại sống qua thêm... một cái Tết
Chúng tôi gặp chị Trần Phương Nhung (32 tuổi) tại một phòng trọ ở xóm chạy thận. Nơi đây không đào, không quất, không hoa, không kẹo bánh...
Chị Nhung cho biết năm 18 tuổi, tuổi đẹp nhất của cuộc đời người con gái, chị phát hiện mình bị bệnh suy thận, khi nhập viện cấp cứu chị Nhung bị thiếu máu trầm trọng, độc tố lên rất cao gây suy đa phủ tạng, nhưng bố mẹ chị vẫn cố gắng đưa con gái đi bệnh viện để chạy chữa.
14 năm trôi qua cũng là bằng đấy năm chị phải chiến đấu với căn bệnh thận ác tính. Một tuần nếu chị Nhung không được lọc máu 3 lần thì căn bệnh suy thận sẽ cướp đi tính mạng của chị nhanh chóng.
14 năm chạy thận cũng là từng đấy năm chị Nhung đón Tết trong bệnh viện
Theo chị Nhung, Tết năm nào cũng vậy nếu nằm tại phòng trọ chị gần như không ngủ được, cứ nằm xem ti vi và trằn trọc đi ra đi vào.
Chị Nhung tâm sự: "Tết là thời gian ai cũng mong chờ nhưng với những bệnh nhân xóm thận chúng tôi, nói thật, ai cũng sợ. Bởi vì ai cũng sợ cảm giác cô đơn khi ở lại . Thế nhưng khi Tết đến mọi người đều nhận ra là mình đã sống được thêm một năm, chiến thắng bệnh tật hơn một chút nên cứ hy vọng thôi."
Nhiều lúc chán nản, không muốn sống nữa nhưng chính những người bệnh giàu nghị lực ở xung quanh đã tiếp thêm sức mạnh cho chị Nhung vượt qua mọi đau đớn. So với những người cùng chạy thận với mình, chị Nhung thấy mình may mắn hơn vì còn được bố mẹ lo lắng, chăm sóc.
Tết là dịp để chị Nhung quây quần với những bệnh nhân chạy thận khác trên Hà Nội, chị chỉ tranh thủ về quê ăn Tết một ngày, hôm sau lại lên để lọc máu.
Nhưng không vì thế mà chị đau khổ, suy sụp: "Tôi đã từng mặc cảm, từng tủi thân không dám gặp bạn bè. Nhiều khi tôi thấy cô đơn, lạc lõng giữa đất khách quê người, thậm chí không có một người thân nào ở Hà Nội. Nhưng hiện tại tôi đang có rất nhiều người bạn trong xóm chạy thận này, họ luôn bên tôi động viện tôi và quan trọng nhìn họ tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật".
Lúc chồng mất là lúc vợ bắt đầu phải chạy thận
Cũng như nhiều bệnh nhân khác, chúng tôi gặp chị Lê Thị Quyến, sinh năm 1977, quê ở Phú Xuyên – một bệnh nhân đã 5 năm liền chạy thận, cũng bằng ấy năm gần như chị không còn được đón một cái Tết theo đúng nghĩa.
Tìm hiểu thêm về cuộc sống của người phụ nữ này, chúng tôi không khỏi xót xa.
Chồng chị Quyến là trụ cột kinh tế trong gia đình, đột ngột qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo để lại hai đứa con cho mình chị.
Chồng mất vì bệnh hiểm nghèo, chị Quyến lại phát hiện mình bị suy thận. Cuộc đời chị quá nhiều điều xót xa...
Nỗi đau còn chưa nguôi, khó khăn còn chưa dứt thì sau đó, chị phát hiện ra mình mắc căn bệnh suy thận. Bởi vậy mà hai đứa con của chị cũng không được ăn học đến nơi đến chốn.
"Cuộc sống của tôi vất vả lắm, chồng mất rồi nên vừa phải lo tiền chạy thận cho bản thân, trong lúc nghỉ không phải chạy thận thì lại đan len làm thêm để nuôi con. Con trai lớn của tôi vì gia đình bố mất, mẹ bệnh đã phải sớm bỏ học đi lao động, còn đứa thứ 2 tôi động viên cháu cố gắng học hành, ngoan ngoãn ở với ông bà ngoại cho mẹ đi chữa bệnh", chị Quyến rướm nước mắt.
Tết này chị Quyến không về quê, chị ở lại đón Tết với những người cùng cảnh ngộ bệnh tật như mình. Mọi người cũng sắm sanh ít bánh, ít trái cây để có không khí Tết, chia sẻ nhau những món quà mang từ quê đơn sơ mà ấm áp. Tại bệnh viện, chị cũng được các bác sĩ, y tá động viên cho chút quà mọn để ấm áp thêm xuân này.
Cây đào được đặt trước cửa khoa chạy thận mang lại chút không khí Tết cho những người bệnh xa quê...
Năm mới đã về, người phụ nữ khắc khổ với bệnh tật và chồng chất khó khăn cho biết, giờ đây trong lòng chị đang chất chứa đầy ưu tư: "Ai cũng mong Tết đến, tuy bản thân tôi bệnh tật nhưng nhìn mọi người háo hức mua sắm cho Tết trong lòng tôi cũng háo hức theo. Chỉ có một điều là, bệnh tật triền miên, tiền không có…. Tôi thương các con hơn là nghĩ đến bản thân mang bệnh. Tết đến lại thấy mình thêm động lực để phấn đấu chống lại bệnh tật, cứ nghĩ Tết còn được ở bên các con là mình thêm cố gắng, hy vọng".