Tết nghèo nhưng không thiếu tiếng cười của cặp vợ chồng "ông 83 - bà 40 tuổi"
Cũng như mọi năm, khi Tết đến trong căn nhà cũ chất đầy những thứ đồ Lỉnh kỉnh, gia đình "cặp đôi đũa lệch" chỉ có vài cân thịt, bánh kẹo được tài trợ. Nhưng, gia đình này lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Ông Ngô Thanh Học 83 tuổi, chị Nguyễn Thị Bích 40 tuổi (cùng trú tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Mới 10 năm kết hôn, cặp đôi "ông cháu" đã sinh được 3 đứa con. Hai người con đầu sinh đôi vừa tròn 10 tuổi, người con gái út đã lên 5.
Cụ ông 83 tuổi chia sẻ về cuộc hôn nhân với người vợ kém hơn 40 tuổi
Lúc nào cũng vui như Tết
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi trở lại thăm gia đình cặp đôi "ông cháu".
Cánh cổng sát con đường làng đóng kín vì những đứa trẻ đều đến trường. Nghe thấy tiếng gọi thật to, ông Học đang cuốc đất ngoài vườn lom khom ra mở cửa đon đả mời vào.
Căn nhà cấp 4 của ông Học, chị Bích được chính quyền và người dân giúp đỡ xây dựng cách đây vài năm nay đã bắt đầu xuống cấp.
Bên trong căn nhà không có đồ vật gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ từ nhiều năm, quần áo đồ đạc trẻ con ngổn ngang bày la liệt khắp nơi.
Không có chỗ tiếp khách, ông Học còng lưng đi lấy vài chiếc ghế ở góc hiên nhà rồi mời chúng tôi bên chiếc bàn cũ ở sân.
Ông Học bảo; cả 3 đứa đều đi học rồi, hai đứa đầu sinh đôi tự đạp xe đến trường, đứa út thì đang ở nhà trẻ mẫu giáo. Còn vợ tôi thì mới đi làm được tháng nay, cô ấy làm công nhân kiếm tí tiền mua đồ ăn cho cả nhà.
Thấy nồi cơm điện đang bốc hơi khói ở chân cột, ông Học chạy đến mở vung đảo vài cái rồi bảo; nay cắm ít xôi gấc cho chúng nó trưa về tự lấy mà ăn.
Cận kề Tết Nguyên đán rồi, chúng tôi hỏi ông Học đã chuẩn bị được gì chưa, 'cụ ông' trả lời ngắn gọn "Tết cũng vậy thôi, chả chuẩn bị gì cả".
Ông nói thêm; "Quần áo của chúng nó thì thi thoảng có người cho, bánh kẹo cũng có một ít", theo ông Học chưa năm nào trong ngôi nhà có cành đào hoặc cây quất, nhưng lúc nào cũng tíu tít tiếng bọn trẻ nô đùa "vui như Tết".
Lấy vì thương
Kể về chuyện tình hai người đến với nhau không mấy khó khăn, ông Học cho hay, chỉ có điều duy nhất đến bây giờ vẫn còn một số lời đàm tiếu dù vợ chồng ông sinh được 3 người con.
Theo ông Học, cách đây 10 năm, trở về quê sau nhiều năm lưu lạc, ông Học trụ lại ngôi nhà do bố mẹ để lại. Duyên phận đến từ lúc nào "cụ ông" cũng không nhớ chính xác, nhưng khi gặp người con gái trẻ ở cùng làng, hai người hợp tính đến nỗi "đuổi không về".
Ông Học kể; "Hồi mới quen, nhiều người trong đó mẹ cô ấy cũng phản đối lắm, tôi hỏi có quyết tâm không thì cô ấy đồng ý. Nói chung là tôi thấy thương thì lấy, chứ có tình yêu hay không thì chả biết nói thế nào", ông Học mỉm cười và cho biết, đến bây giờ dù đã 3 đứa con, vẫn còn những lời dị nghị nhưng ông im lặng.
Chia sẻ về câu chuyện tế nhị trong sinh hoạt vợ chồng, ông Học rất tự tin khẳng định rằng, nhiều người xung quanh đàm tiếu chuyện chồng già vợ trẻ, làm sao để giữ được lửa hạnh phúc, ông Học móm mém bảo; "Tôi không phải dùng thuốc men gì cả, hằng ngày tôi chỉ tập thể dục mỗi sáng để có sức khỏe gần gũi vợ. Đến bây giờ việc sinh hoạt vợ chồng tôi vẫn duy trì làm sao mà bỏ được nhưng sẽ hạn chế hơn, tôi khuyên các anh cứ giữ đều đặn, đừng làm gì quá", ông Học chia sẻ bí kíp giữ lửa hôn nhân vợ chồng.
Nói xong, ông Học tự tin về mình rằng; dù vợ trẻ nhưng ông không sợ vợ đi với người khác. Ai gọi điện đến trêu ghẹo vợ, ông đều dậy vợ cách đáp trả, lần sau không ai dám bén mảng tán tỉnh.
"Với tôi giờ sức khỏe là quan trọng, tôi chỉ mong khỏe mạnh để làm chỗ dựa cho vợ và các con", ông Học cười nói.
2 triệu đồng mỗi tháng cho cả gia đình
Đang mải 'khoe' người vợ trẻ của mình, đúng lúc 2 đứa con đầu đi học về đang tíu tít ở đầu ngõ, ông Học bảo: "Đấy, chúng nó về nghỉ trưa, ăn xong rồi lại học chiều, mẹ nó thì phải muộn hơn mới về, đi làm cho người ta kiếm thêm vài đồng mua rau, mua tí thịt vậy".
Ông bảo; cuộc sống hiện tại của gia đình ông rất vất vả. Nhà ông Học có 5 người giờ chỉ trông chờ vào khoản lương trợ cấp phục viên của ông với hơn 2 triệu đồng. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm eo hẹp.
"Có bấy nhiêu tiền tôi đưa cho cô ấy tự đi mà chi tiêu, được gì thì được. Sống trong cảnh túng quẫn, suốt ngày lo chăm con, chăm chồng chắc vợ tôi cũng chán nản. Tôi rất thương cô ấy, nguời chịu hy sinh tất cả vì chồng con, trước thì ở nhà chăm mấy đứa này đã hết ngày, bây giờ thì kiếm thêm tí việc làm vậy thôi", ông Học nói.
Chưa một cái Tết đúng nghĩa
Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, chị Bích thông tin, năm nay lại "mất" Tết, vì đứa con trai út bị viêm phổi đang phải nằm viện, giờ đây chẳng còn tâm trạng nào để nghĩ đến Tết.
"Từ ngày lấy chồng đến giờ, tôi chưa có cái Tết nào đúng nghĩa. Năm nay nhà nuôi được mấy con gà sẽ bán đi để mua cho các con bộ quần áo mới cho chúng nó thích. Còn tôi đi làm sẽ cố mua cho các cháu cân giò hoặc cân thịt thôi", chị Bích tâm sự.
Nói xong, chị Bích nghẹn ngào: "Quen rồi, gia đình có sao thì dùng vậy, chị cũng không quá quan trọng ngày Tết. Đi làm bữa nào lo bữa đấy, Tết cũng vậy thôi".
Điều an ủi gia đình ít nhiều là ngày Tết, vợ chồng chị Bích cũng được chính quyền địa phương quan tâm tặng yến gạo, bánh kẹo, một số nhà tự thiện cho chai dầu ăn, lít nước mắm.