Tết Đoan Ngọ ghé thăm làng bánh ú tro cha truyền con nối độc nhất Sài Gòn

HẠ VŨ/CLIP: KINGPRO,
Chia sẻ

Mỗi năm cứ tới dịp Tết Đoan Ngọ, làng bánh ú tro có tuổi đời hơn 50 năm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM) lại nhộn nhịp người mua kẻ bán. Cứ thế, “cha truyền con nối”, cả xóm từ già đến trẻ hầu hết đều thuần thục nghề làm bánh ú lá tre.

Bánh ú lá tre là một món bánh truyền thống của người dân miền Tây - Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Trên mâm cúng, bên cạnh các loại trái cây, rượu nếp, thì những chiếc bánh ú lá tre là lễ vật không thể thiếu. 

Nhân bánh được làm từ đậu xanh nghiền nhuyễn, thêm đường rồi trộn thêm mứt bí và sầu riêng để có được mùi thơm và độ ngậy. 

Trong những ngày này, lò bánh nào cũng đỏ lửa ngày đêm. Mùi khói, mùi củi khô cùng hương thơm của những chiếc bánh ú mới vớt ra bay nghi ngút. Mỗi chục bánh ú tro có nhân dao động từ 70 - 80.000đồng, bánh không nhân có giá từ 40.000 - 50.000 đồng.

Đến thăm cơ sở làm bánh ú lá tre truyền thống bậc nhất Sài Gòn vào những ngày giáp Tết Đoan Ngọ, ai cũng sẽ thấy bầu không khí khẩn trương, tất bật để làm ra những chiếc bánh truyền thống.

CLIP: Ghé làng bánh ú tro Sài Gòn nghe chuyện làm bánh ngày Tết Đoan Ngọ.

Đó là gia đình chú Nguyễn Văn Trí - cơ sở làm bánh ú lá tre có tuổi đời hơn 50 năm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM). Mỗi năm gia đình chú chỉ  chỉ làm một đợt bánh duy nhất là vào dịp Tết Đoan ngọ.

Để kịp sản xuất số lượng bánh lớn phục vụ người dân, gia đình đã huy động hầu hết thành viên trong gia đình. Mọi người ai cũng tất bật chuẩn bị nguyên vật liệu và thực hiện các công đoạn làm bánh. Tuy rằng làm việc không ngơi tay nhưng ai cũng lấy đó làm niềm vui, luôn hào hứng tham gia làm bánh mỗi dịp Tết Đoan ngọ cận kề.

Công đoạn chuẩn bị làm bánh tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo. Đặc biệt trong việc chuẩn bị nhân bánh. Nhân bánh truyền thống là đậu xanh ngọt. Đậu xanh sau khi ngâm nước rồi trộn đường và nấu chín, vo tròn. 

Ngoài ra, người dân miền Tây Nam Bộ thường phối thêm với các nguyên liệu khác để nhân bánh thêm phong phú, ngon miệng mà không mất đi hương vị bánh. Cụ thể, trong nhân có thể bỏ thêm bí đỏ, hoặc mứt bí đao, hoặc sầu riêng.

Bánh ú tro miền Tây được gói trong lá tre nên ở quê hay gọi với cái tên là bánh ú lá tre. Để làm bánh ú tro cần những lá tre bản to, lá xanh và thường được lấy từ Tây Ninh. Mỗi một mùa ít nhất 100 ký lá được sử dụng.

Ghé thăm làng bánh ú tro cha truyền con nối độc nhất Sài Gòn để lắng nghe câu chuyện làm bánh truyền thống Tết Đoan Ngọ - Ảnh 2.

Ghé thăm làng bánh ú tro cha truyền con nối độc nhất Sài Gòn để lắng nghe câu chuyện làm bánh truyền thống Tết Đoan Ngọ - Ảnh 3.

Chia sẻ