Vì sao chúng ta hay ăn rượu nếp, bánh gio trong Ngày Tết Đoan Ngọ?
Theo truyền thống, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây như: Vải, mận; rượu nếp; bánh gio (bánh tro)... Tùy từng vùng miền, đồ cúng tết Đoan Ngọ sẽ có sự khác biệt đôi chút.
Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại "sâu bọ" trú ngụ, nếu không diệt trừ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tác hại không tốt cho cơ thể. Do đó, theo truyền thống, người xưa chọn ngày muàng 5/5 âm lịch hằng năm để giết sâu bọ.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được "Việt hóa" thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.
Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.
Vì sao người ta ăn bánh gio (bánh tro) ngày Tết Đoan Ngọ?
Theo BS CKI Đông Y Bùi Văn Phao – Nguyên GĐ BV Đông Y Nam Định, vào dịp Tết Đoan ngọ, mọi người thường ăn nhiều thứ béo như: Rượu nếp, xoài, mít... dễ sinh nhiệt, khó tiêu. Bánh gio có tính mát, giúp cân bằng, điều hòa cơ thể hiệu quả, giúp bạn ổn định sức khỏe. Bánh gio có đặc tính tư âm, bổ âm, do chứa toàn nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali...).
Gọi là bánh gio vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước gio (tro) của một số loại cây lá. Không phải loại gio nào cũng làm được bánh. Gio để làm bánh gio chúng ta ăn phải là gio của lá găng, lá tầm gửi, thân lá cây vừng phơi khô hoặc gio của hạt xoan chín, gio rơm nếp. Sau khi có nguồn gio chuẩn, gio được hòa tan với nước, lắng trong rồi ngâm với gạo nếp cái hoa vàng sẽ cho ra màu nâu vàng trong như màu hổ phách và tạo ra vị ngai ngái đặc trưng. Nhưng nếu chỉ có gio không thì chưa đủ tạo màu, người ta thường phải cho thêm gio hạt vừng…
BS CKI Đông Y Bùi Văn Phao cho biết: Trong Đông y, bánh tro vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp nhất đối với trường hợp già yếu, trẻ em, có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư), những trường hợp dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan ngọ (đoan dương - chính dương) thường gây ôn dịch thương âm.
Vì sao ăn rượu nếp trong ngày Tết Đoan Ngọ
Người xưa quan niệm rằng, dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để "giết "sâu bọ. Rượu nếp là một trong những món ăn đạt các tiêu chí đó. Ăn rượu nếp hay cơm rượu khi bụng đói sẽ làm cho các chú sâu trong bụng dễ "say lử đử" rồi chết ngất. Do đó rượu nếp là món đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 của người Việt để "giết" sâu bọ, giun sán.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng- Viện Dinh dưỡng Quốc gia, những nghiên cứu mới đây cho thấy, rượu nếp còn giúp phòng được nhiều bệnh tật.
1. Rượu nếp giúp phòng ngừa tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp thì thấy rằng cơm nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu.
Công trình nghiên cứu cho thấy sau 12 tuần và sau 24 tuần, lượng cholesterol (gồm cholesterol có hại và tổng mức cholesterol) giảm nhiều ở nhóm ăn cơm gạo nếp cẩm.
2. Rượu nếp cẩm phòng chống ung thư
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này. Họ phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin - một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt...
Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxi hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư. Theo UPI, gạo nếp cẩm có màu đen sẫm, khi nấu lên sẽ chuyển thành màu tím sẫm. Nó chứa nhiều khoáng chất và một vài loại amino axit.
Các món thông thường từ nếp cẩm là xôi nếp cẩm, rượu cơm nếp cẩm, gần đây ở Hà Nội còn có món sữa chua nếp cẩm ăn cũng thú vị và tuyệt vời.
3. Rượu nếp kích thích tiêu hóa
Rượu nếp cái, rượu nếp cẩm là thức ăn đồng thời cũng là đồ uống, dùng nguyên cả nước lẫn cái, hương vị ngon thơm được nhiều người ưa chuộng, kể cả người cao tuổi và trẻ em. Món ăn này không những có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hoá.
Rượu nếp cẩm kết hợp với sữa chua cũng là một món ăn tốt cho tiêu hóa và hấp dẫn trẻ. Cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp. Vì vậy, khả năng gây say của cơm rượu gần như không có. Vì khi làm cơm rượu, người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, trong khi rượu sẽ ủ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn.
4. Ăn rượu nếp phòng bệnh thiếu sắt
Lượng sắt trong gạo nếp rất cao. Do vậy nếu chúng ta ăn gạo nếp cẩm mỗi ngày sẽ phòng được các bệnh về thiếu sắt.